Một buổi chiều nọ, có bà lão nghèo, mặc bộ đồ rách chậm chạp bước ngang qua đường. Anh bảo vệ thương lắm, nắm tay bảo: Ở đây có tiền lẻ nè, nếu khó khăn bà hãy lấy ba tờ. Bà lão cảm ơn: Tôi không lấy đâu, còn nhiều người khổ hơn tôi nữa, rồi bước đi tiếp.
Một lúc sau, anh nhân viên văn phòng đi qua lại nhẹ nhàng đặt vào thùng tờ 5 ngàn nhăn nhúm. Anh bảo: Ăn đĩa cơm 15 nghìn, bà chủ thối dư nên anh góp. Sau đó, có chú đi xe đạp cũng chạy vào bỏ thêm, chú kể: Chú từng trải qua những ngày tháng không có tiền rồi. Ở Sài Gòn này cực khổ lắm con ơi!
Cứ thế, một buổi chiều Sài Gòn lại tràn ngập niềm vui và ấm áp. Người nghèo đến lấy tiền, xem như có một bữa ăn qua ngày, người dư giả lại bỏ vào đó để giúp đỡ. Từ thùng tiền ban đầu dù theo bất kỳ mục đích nào, nhưng giờ đây tình người đã tiếp tục nở hoa. Vậy thì kệ đi, miễn là người Sài Gòn đối tốt với nhau là được.
Tờ 5 ngàn xanh và thùng tiền từ thiện kỳ lạ trên đường phố Sài Gòn
Nếu từng sống ở Sài Gòn, chắc bạn đã từng nghe nhiều về những câu chuyện tình người nhân ái ở đây rồi nhỉ? Ví như hẻm ông Tiên hơn chục năm phát thuốc miễn phí cho mọi người, như đường Nguyễn Thị Minh Khai có bác vá xe trọn đời cho người khuyết tật, trước Bệnh viện Từ Dũ bao giờ cũng có biển chỉ đường, rồi trà đá miễn phí, bánh mì ai đói làm một ổ, cơm 0 đồng… Chuyện về lòng tốt Sài Gòn, về những người dưng lại làm “ông bụt, bà tiên” đã trở thành một lẽ tự nhiên ở nơi này.
Từ 2 tháng nay, trên góc đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM) người ta cũng đã vui mừng vì sự xuất hiện của thùng tiền lạ. Trên đó, có vô vàn tờ 5 nghìn đồng và dòng chữ nhỏ nhắn nhủ: “Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy ba tờ”. Ai đi ngang đường đều cảm thấy hạnh phúc vì tìm thấy điều tốt lành nhỏ nhoi từ lề đường hè phố ở Sài Gòn như thế.
Thế nhưng, sau câu chuyện, cũng có nhiều người lên án vì cho rằng chủ nhân thùng tiền sử dụng với mục đích PR cơ sở kinh doanh của mình. Ngoài ra, nhiều kẻ có lòng tham đã cố tình lấy thùng tiền, hoặc thậm chí còn đem cả bao đến hốt tiền khiến mọi người buồn lòng vì thực trạng xã hội. Câu chuyện về thùng tiền từ thiện cứ bị “xấu” dần đi.
Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã có buổi gặp gỡ với chủ nhân của thùng tiền từ thiện. Theo chị Diệp (30 tuổi) chia sẻ: Ban đầu, toàn bộ số tiền quyên góp đều do nhân viên của công ty tổ chức. Từ tờ 5 nghìn đồng lẻ, số tiền được ủng hộ lên đến 5 triệu đồng nhằm giúp đỡ người khó khăn trên đường phố.
Sau 10 ngày đầu tiên có mặt, thùng tiền đã nhanh chóng hết sạch. Từ đó, công ty chị mỗi tháng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động. Chia sẻ về lý do tạo thùng tiền, chị Diệp giải thích: “Thay vì phát cơm từ thiện thì việc bỏ tiền ra để người nghèo tự lấy, tự sắm cho mình một bữa ăn ưng ý sẽ tốt hơn”.
Hỏi tại sao chọn mệnh giá 5 nghìn đồng, chị Diệp cười: “Bởi theo chị, 3 tờ 5 nghìn là được 15 nghìn, một mức sống tối thiểu nhất để một người có thể duy trì ở Sài Gòn. Vì nó bằng hai suất cơm chay cho hai buổi sáng-chiều. Mỗi người lấy một lần trong ngày và có thể quay lại vào hôm sau để tiếp tục”.
Sau khi hành động đẹp được biết đến, nhiều người đi đường cũng vì thế tích cực tham gia ủng hộ thùng tiền. Chỉ đơn giản là những tờ tiền lẻ, có khi là 10 nghìn, 20 nghìn… nhưng nhờ đó, họ giúp đỡ nhiều người nghèo. Thùng tiền từ thiện nhờ vậy mà mãi xanh màu tờ 5 nghìn giữa phố.
Kệ đi, miễn là người Sài Gòn cữ mãi đối tốt với nhau thôi!
Từ ngày thành lập, chị Diệp cho biết, chị rất mừng vì nhiều người nghèo nhờ vào số tiền mà có được bữa cơm trưa ngon. “Có lần anh bị tật nguyền kia lại lấy tiền. Mà biết không? Anh cụt chân nên dù có cố gắng với tay kiểu gì cũng không thể lấy được vì thùng đặt trên ghế khá cao. Lúc đó, những chú bảo vệ của công ty đã lấy giúp 3 tờ tiền đưa cho anh. Anh gật đầu, cảm ơn rối rít làm mình cũng vui lắm. Dù không ghi lại được khoảnh khắc đó nhưng mình vẫn nhớ hoài.” - chị kể.
Và buổi chiều, chính tôi cũng đã được chứng kiến những câu chuyện đẹp như thế. 3h chiều, có bà lão nghèo mặc quần áo rách rưới chậm chạp đi ngang qua. Anh bảo vệ thương lắm, nắm tay bảo: Có tiền nè, nếu bà khó khăn có thể lấy ba đồng.
Bà lão lãng tai phải ghé vào nghe tận 3 lần. Vậy mà, nghe xong bà chỉ lắc đầu: Thôi thôi, tôi không lấy đâu, còn nhiều người nghèo hơn tôi nhiều. Rồi bả đi. Tôi cứ tưởng rằng bà cũng dư giả nên không muốn nhận tiền. Thế mà đến lúc sau mới nhận ra, bà đi lại ngay cái thùng rác cạnh thùng tiền và nhặt từ đó 2 cái chai nhựa bỏ vô túi ni-lon.
Một lúc khác, có anh văn phòng đi ngang qua, bỏ vào thùng 5 nghìn. Tôi hỏi thì anh trả lời: Ăn cơm trưa 15 nghìn, họ thối 5 nghìn nên đem ra quyên góp. Lúc sau, lại có chú đi xe đạp chạy vào bỏ thêm 20 nghìn. Hỏi thì chú giải thích: Vì chú từng không có một đồng xu để sống ở Sài Gòn, từng nếm cảm giác cơm không có ăn, nước không có uống như thế nào. Vì vậy, cứ có bao nhiêu tiền dư giả xíu là chú sẽ góp thêm cho thùng tiền”.
Cứ thế, chỉ một buổi chiều thôi, tôi đã chứng kiến bao nhiêu người như chú xe đạp, anh văn phòng,… vội vã tạt ngang qua thùng tiền để quyên góp, rồi lẳng lặng đi. Có khi là đồng tiền lẻ vón cục, khi là 10 nghìn, 20 nghìn, 50 nghìn, 100 nghìn… Chẳng ai thắc mắc chủ nhân thùng tiền là ai, nó có từ đâu, và tự bao giờ, họ chỉ bỏ vào đó số tiền như tấm lòng của mình. Chỉ khi người ủng hộ rời đi, những bác bảo vệ lại chạy ra thùng tiền, lấy tờ polime đổi ra thành nhiều tờ 5 nghìn đồng bỏ lại vào thùng. Mấy chú chia sẻ: “Bởi vì thế mà tiền nhiều, ai cũng có và luôn được chia sẻ công bằng như nhau”.
Vậy đấy, thùng tiền bé tí tẹo xuất hiện trên đường phố Sài Gòn mà nhiều người vẫn chỉ trích vì hành động PR, với những người dân thường, họ không mấy bận tâm về chuyện đó. Vì với họ, thùng tiền là lòng tốt, họ muốn lòng tốt đó mãi có mặt trên đường phố Sài Gòn.
Như bao lần thùng bánh mỳ “ai đói thì lấy một ổ” cũng từng gặp trường hợp bị lấy nhiều hơn so với qui định, chủ thùng bánh mỳ vẫn tặc lưỡi: Kệ, miễn là giúp người. Như thùng trà đá miễn phí bao lần bị kẻ xấu trộm thùng, bẻ vòi, chủ thùng trà đá vẫn cười: Không đun nước người ta khát lấy đâu uống. Chuyện về thùng tiền từ thiện, giờ đâu chỉ là chuyện của một tổ chức mà đã nhân rộng cho tất cả mọi người. Nó được lập ra để “nếu bạn gặp khó khăn, có thể lấy 3 tờ tiền”, và nếu bạn dư giả thì có thể bỏ vào đó những tờ tiền lẻ.
Bằng cách này hay cách khác, người Sài Gòn vẫn đối xử với nhau như vậy. Đó là tính cách người Sài Gòn. Vậy nên cứ kệ đi, miễn là người Sài Gòn tốt với nhau là được.