“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất, mà chết đi, mà thối đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt…”.
Câu hát trong bài thánh ca “Hạt giống tình yêu” (tác giả Phương Anh), muốn nói rằng bất cứ sự hi sinh nào cũng có ý nghĩa, cũng góp phần vun vén cho cuộc sống của những người xung quanh và thế hệ sau.
Điều đó không chỉ nằm trên những câu hát, mà còn hiển hiện ngay trong những góc khuất của cuộc sống đời thường xung quanh ta.
Gia cảnh của người mẹ nghèo ký đơn hiến tạng của con trai chết não
Gia cảnh của người mẹ nghèo ký đơn hiến tạng con trai chết não Một chàng trai 20 tuổi trước lúc giã biệt cuộc đời đã kịp hồi sinh 5 cuộc đời khác bằng cách hiến tặng sự sống, để lại người mẹ và em trai tiếp tục vật lộn với guồng đời mưu sinh.
Người mẹ nghèo ký đơn hiến tạng của con trai chết não
Tôi gặp người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ, dáng người nhỏ thó, làn da ngăm đen đang lúi húi lau dọn bãi “chiến trường” sau một đêm nhậu thâu đêm của giới nhà giàu tại một quán bar trên đường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.
Công việc chị Võ Thị Ánh Phụng (48 tuổi, quê Bến Tre) hàng ngày là phải lau quét cả mặt bằng quán bar rộng gần 200 m2, dọn từng cái bàn, cái ghế, rồi chùi nhà vệ sinh và rửa cả chồng ly, chén cao ngất ngưởng. Thi thoảng mệt, bàn tay hằn rõ vết sẹo của người phụ nữ lại đưa lên trán quệt những giọt mồ hôi.
Vết sẹo ấy là hậu quả của một vụ tai nạn năm xưa, khi chiếc bánh xe cán qua bàn tay chị làm gãy xương. Sau khi phẫu thuật, những chiếc xương mu bàn tay được nối lại, nhưng đi kèm trong đó là những thanh kim loại sẽ đi theo chị đến suốt cuộc đời này. Chính bàn tay bị tật ấy đã cản trở chị rất nhiều, để rồi đôi khi muốn kiếm thêm việc gì làm thêm cải thiện kinh tế, vết thương tai nạn năm xưa không cho phép người mẹ này vượt quá giới hạn.
Xong công việc, trời cũng đã quá trưa, vượt cái nắng như thiêu đốt của tháng 4 Sài Gòn, chị Phụng tất tả lái xe về một phòng trọ cạnh nghĩa trang gần giáo xứ Tân Lập (phường Bình Trị Đông, quận 2, TP.HCM), nơi chị cùng đứa con trai nhỏ đang sinh sống. Người phụ nữ mời chúng tôi vào căn phòng nhỏ chật chội, nóng nực được chèn chống bằng những tấm tôn cũ thủng lỗ chỗ.
Chị cho hay hơn 15 năm kể từ khi dắt díu con cái lên Sài Gòn, đến giờ cả nhà mới có một nơi tránh mưa tránh nắng. Ở cùng chị là cậu con trai nhỏ 8 tuổi, đang ngồi một mình xem tivi. Chị nói với tôi nhà có thêm một đứa con trai nữa. Người phụ nữ hướng về bàn thờ có tấm di ảnh và nói: “Nó đó, nếu còn sống nay chắc cũng được 23 tuổi rồi!”.
Người mẹ lục lại tủ quần áo, lấy ra chiếc áo sơ mi và chiếc quần tây, kỷ vật cuối cùng của con trai vắn số. Chị bỗng chợt nhớ về hình ảnh của con từng phải cùng mình chịu cảnh sống lang bạt làm phụ hồ từ công trình này cho đến công trình khác suốt 15 năm, tuy vất vả nhưng hạnh phúc khi mẹ con còn có nhau. Niềm vui ngắn chẳng tày gang khi chàng trai 20 tuổi đi làm công nhân, bắt đầu gánh vác gia đình thì tai họa ập đến.
Buổi trưa ấy, chị Phụng đang đi làm thì phải tất tả chạy vào bệnh viện khi hay tin con trai mình nguy kịch sau vụ tai nạn va chạm giao thông. Bác sĩ thông báo chàng trai rơi vào tình trạng chết não. Hung tin đến quá bất ngờ khiến người mẹ chỉ biết chết lặng bên hàng ghế trước phòng Hồi sức. Chị biết chỉ cần rút ống thở thôi là đứa con sẽ ra đi mãi mãi.
“Lúc ấy, bác sĩ Thu (TS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người Chợ Rẫy) vừa an ủi tôi, vừa động viên và gợi ý để tôi đồng ý hiến tạng con trai. Bác sĩ Thu nói con sẽ cứu được 5 người khác”, chị Phụng nhớ lại.
Người đàn bà ít học, rối bời khi lần đầu được nghe hai từ “hiến tạng”. Song, trái tim nhân hậu của người mẹ ấy lại suy nghĩ rất giản đơn: “Con trai dù gì cũng đã chết, chết là hết, cát bụi rồi trở về cát bụi. Chàng trai hiền lành làm bao nhiêu tiền cũng đưa mẹ nuôi em, giúp đỡ bà con xóm trọ, thôi thì sống ở đời sao đến khi chết vẫn vẹn nguyên tấm lòng”. Người mẹ đặt bút ký vào đơn hiến tạng con.
Ngày hè tháng 42016, chiếc xe tiễn đưa chàng trai về cõi vĩnh hằng. Anh để lại người mẹ và đứa em trai với bao ngổn ngang chất chồng. Nhưng chính quả tim, hai quả thận và hai giác mạc của anh để lại đã tiếp nối cuộc đời cho những con người khác.
Còn người mẹ bất hạnh nén nỗi đau trở về căn phòng trọ nhỏ tiếp tục vật lộn mưu sinh và dành trọn yêu thương còn lại cho đứa con trai nhỏ Võ Sơn Lâm. Cậu bé giờ đây là điểm tựa cuối cùng của người phụ nữ bất hạnh hai lần vỡ tan hạnh phúc gia đình.
Đứa con nuôi của Bệnh viện Chợ Rẫy
Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người Chợ Rẫy, nhiều lần tới lui căn nhà lụp xụp của hai mẹ con Sơn Lâm và không khỏi xót xa. Đói no với hai mẹ con chị tính từng ngày. Chưa hết, Sơn Lâm đã 7 tuổi nhưng không được đến trường, cậu bám yên xe mẹ mưu sinh, no dồn đói góp qua ngày.
“Sự hi sinh của anh trai Sơn Lâm quá cao cả khiến chúng tôi trăn trở, nhìn Lâm đến tuổi đi học không được đến trường chúng tôi không đành lòng và áy náy với anh trai Lâm”, bà Thu xót xa.
Trăn trở của vị bác sĩ cũng là trăn trở chung của Trung tâm điều phối ghép bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định nhận Lâm làm con nuôi, vận động mạnh thường quân tài trợ tiền để hỗ trợ Lâm học đến hết phổ thông.
Phòng Công Tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy chạy vạy xin cho Lâm một suất vào học trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi trên địa bàn quận 2.
Vất vả đủ đường để lo cho em vào học, song cậu bé không thể hòa nhập với trường lớp. Sau một năm, em chưa thể đánh vần, thuộc bảng chữ cái, làm toán. Trường học trở nên áp lực với Lâm, em khóc, em đánh bạn, em bỏ lớp. Theo bác sĩ Thu, em có dấu hiệu tăng động chậm phát triển nên công cuộc đồng hành cùng Lâm chinh phục từng con chữ thật sự vất vả cho các giáo viên.
Trường học tính trả em về Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Thu lại thêm những cuộc gọi thuyết phục: “Bây giờ đến nước này rồi, có tiền để lo cho thằng bé học mà bỏ nửa chừng thì tội, mong cô dạy kèm thêm ở nhà giúp bé nhiều hơn. Giờ chỉ còn cách đó, mong cô hiểu”.
Lớp học thứ 2 của Lâm
Phương án cuối cùng là cho Lâm lưu ban một năm. Cô Nguyễn Thị Cẩm Hồng vì thương trò chậm tiến triển song mình không có thời gian dạy dỗ khi quản lý đến 52 học sinh cùng lúc. Cô đưa Lâm đến nhà cô giáo về hưu Đinh Thị Kim Thoa, để nhờ kèm thêm sau khi em tan trường.
Mùa hè năm 2017, thay vì theo mẹ đi làm, cậu bé phải đến nhà cô Thoa học. Ở đây, Lâm học lại như một học sinh vỡ lòng, em được học, được ăn, được tắm từ sự chăm sóc đặc biệt của cô Thoa. “Trước lúc cô Hồng gửi, tôi thấy em chậm quá, kết thúc năm lớp 1 tôi đề xuất cho em ở lại lớp và mùa hè em phải đến với tôi để kèm cặp lại em từ đầu. Tôi yêu cầu mẹ em phải đưa đón em và không cho phép em nghỉ một buổi nào trừ lúc em bệnh”, cô giáo Thoa nghiêm khắc.
Cô tâm sự: “Dạy Lâm phải theo một phương pháp mới, một đứa trẻ thường sẽ học chữ “e” đầu tiên, viết lẫn phát âm. Với những bé như Lâm, phải dụ em mở miệng thì phải dạy chữ O” trước, hôm sau lại bỏ một nét dạy em sang chữ “C”, rồi chuyển sang chữ Đ”. Cứ như vậy, ròng rã suốt ba tháng hè, Lâm thuộc lòng bảng chữ cái, làm toán thành thạo tự tin nhập học lại lớp 1.
Gặp Lâm ở trường sau giờ học buổi sáng, em được ăn trưa với miếng thịt gà chiên mắm, ít rau củ và canh. Cậu bé ăn chậm rải, gặm từng miếng thịt gà nhỏ xíu như để thưởng thức hương vị tan giòn tan trong miệng. Trong khi em vẫn ngồi ăn, các bạn đã kịp thay đồ chuẩn bị giấc ngủ trưa. Lâm bẽn lẽn cười rồi lắc đầu khi được hỏi “Ở nhà em không được ăn như ở trường à?”.
Mỗi ngày đến trường với Lâm bây giờ là mỗi ngày vui. Dù bận bịu thế nào, chị Phụng vẫn đứng đợi con trước cổng sau khi tan học kịp chở cậu bé về nhà cô Thoa.
Như thói quen, cậu bé vừa đến nhà cô giáo, chạy thẳng xuống bếp, ăn phần cơm cô luôn để dành cho cậu. Đa số là cơm trứng với nước tương, món khoái khẩu cậu bé, món mà cậu hay mè nheo cô Thoa chuẩn bị trước mỗi buổi học. Người mẹ lại quay đầu xe đi làm, cậu thì ở lại học thêm cho đến 7 giờ tối. Cứ thế ròng rã suốt 2 năm, người mẹ dày công đón đưa, cô giáo tận tình cầm tay dạy cậu bé từng con chữ, bác sĩ Chợ Rẫy vẫn đều đặn gửi tiền học phí.
Tương lai của Sơn Lâm?
Trở lại lớp 1/6 trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi vào đầu tháng 4, tôi ngỡ ngàng với sự tiến bộ của Lâm. Em vui đùa hòa đồng với bạn, em có thể đứng trên bục giảng tự tin đọc trôi chảy bài tập đọc.
“Hiện tại, em đã đọc viết và làm toán được. Học kỳ vừa qua kết quả của Lâm cải thiện đáng kể, môn tiếng Việt em được 9 điểm, toán 10 điểm. Bây giờ có thể đọc chính tả cho em viết, có điều hơi chậm xíu so với các bạn”, cô Hồng chủ nhiệm lớp 1/6 hồ hởi kể về cậu học trò.
Cô giáo, mẹ, cùng bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy xem đây như một kỳ tích đối với Lâm. Đó là kết quả của hành trình đong đầy tình yêu thương và sự kiên nhẫn.
Lâm đã có cơ hội để tiếp cận con chữ, vượt qua mọi khó khăn đến trường. Dù vậy, chị Phụng đã có tuổi, vết bỏng ở tay khiến chị không thể làm việc nặng, kinh tế vẫn không mấy cải thiện. Thu nhập vỏn vẹn 4 triệu mỗi tháng khiến hai mẹ con vẫn phải chật vật kiếm ăn từng bữa trong căn phòng trọ nằm cạnh nghĩa trang sẽ bị giải tỏa trong nay mai. Bữa cơm của mẹ con hàng ngày cũng chỉ qua loa, đôi khi là gói mì tôm. Khát khao của cậu bé 8 tuổi là được ăn cơm sườn trứng bán đầu đường.
Ngày 5/4, tròn 2 năm anh trai Lâm mất, chị Phụng không tất bật đi làm như mọi khi mà dành thời gian ở nhà lo chuẩn bị mâm cơm làm giỗ con trai. Cái đám giỗ của nhà nghèo chỉ giản đơn là một tấm bạt được dựng lên và đôi ba chiếc bàn ghế.
Lâm biết hôm nay là ngày giỗ anh Tèo - tên cậu hay gọi anh - nhưng em sợ cô Thoa còn đang đợi em trả bài. Bởi vậy, Lâm vẫn bảo mẹ đưa em về nhà cô. Kết thúc buổi học ngày hôm nay, cậu hớn hở ra mặt vì được cô tặng cho một cây kẹo. Lâm lên xe của mẹ trở về nhà khi đó trời cũng bắt đầu tối.
Căn nhà nhỏ giờ đây chỉ còn có hai mẹ con cô quạnh. Hai năm trôi qua, chị Phụng và Lâm cũng đã quen với điều này. Vừa xối những ca nước mát lạnh, tắm cho Sơn Lâm sau một ngày hoạt động mệt mỏi, chị Phụng vừa kể: “Thấy nó vậy thôi chứ có hiếu lắm. Tối nằm ôm mẹ là nó nói: “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm, chừng nữa lớn con hổng có bỏ mẹ đâu!”.