Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Phạt vượt đèn vàng như đèn đỏ: Có nên bỏ đèn vàng?

Ngay khi thông tin về hình phạt khi vượt đèn vàng được công bố, có nhiều ý kiến khác nhau về mức phạt cũng như tính hợp lý của quy định này.

Từ 1/8, theo Nghị định 46 của Chính phủ, các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ nếu vượt đèn vàng sẽ bị phạt. Theo đó, lái ô tô vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ, mức phạt từ 1,2 triệu - 2 triệu; Mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện từ 300.000 - 400.000 đồng. Máy kéo, xe máy chuyên dùng, mức phạt là 400.000 - 600.000 đồng; Mức phạt với xe thô sơ từ 60.000 - 80.000 đồng.

Với mức phạt trên, nhiều người đặt câu hỏi: Vượt đèn vàng bị phạt như vượt đèn đỏ, sao không bỏ đèn vàng đi cho tiết kiệm? Thậm chí, còn ý kiến cho rằng: Nhiều điểm giao lộ không có đèn xanh, đỏ, chỉ có đèn vàng cảnh báo thì người tham gia giao thông có đi hay không?

hom-nay-phat-vuot-den-vang-nhu-den-do-co-nen-bo-den-vang-29-064514

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh xử phạt đèn vàng như đèn đỏ. (Ảnh minh họa)

Khó xử phạt vì ranh giới giữa đèn đỏ và đèn vàng còn khó hiểu

Theo báo Giáo dục, ông Trần Quang Anh, nhân viên một siêu thị O. (đường Cống Quỳnh, Quận 1, TP HCM) cho rằng, ranh giới vi phạm đèn vàng là rất dễ xảy ra. Khi sát vạch sơn (vạch dừng), tín hiệu đèn xanh chuyển sang đèn vàng thì phương tiện không thể dừng lại đột ngột, bắt buộc phải đi tiếp. Và xét theo quy định, vượt thì chắc chắn bị phạt. Nhưng nếu đang đi tới sát vạch sơn, gặp tín hiệu đèn vàng mà dừng xe đột ngột thì dễ bị phương tiện phía sau đi tới sẽ đụng vào.

“Với những tình huống trên, người đi đường sẽ gặp không ít khó khăn trong việc dừng hay đi. Nếu như phải chịu mức xử phạt tương đương đèn đỏ thì thực sự quá cao”- ông Trần Quang Anh cho biết.

Tại nhiều tuyến đường ở các tuyến phố, hiện nay, khi tín hiệu đèn xanh chuyển sang đèn vàng, các phương tiện ô tô dừng lại, ngược lại, các phương tiện xe gắn máy vẫn vô tư vượt qua, và chỉ dừng hẳn khi có tín hiệu đèn đỏ.

Thanh Giang- người điều khiển xe gắn máy chia sẻ, không thể dừng khi có tín hiệu đèn vàng dẫu biết rằng đó là sai luật. Vì nếu dừng, phương tiện phía sau sẽ đụng phải.

Trong khi đó, bà Thu Tâm (nhà Quận Tân Phú) lại cho rằng, bản thân bà hiểu, đèn vàng là để báo hiệu cho các phương tiện chuẩn bị dừng, còn đèn đỏ mới dừng hẳn vì thế gặp tín hiệu đèn vàng, bà vẫn lưu thông bình thường. Hơn nữa, từ trước tới giờ, khi tín hiệu đèn xanh chuyển sang đèn vàng, tình trạng các phương tiện vẫn lưu thông rất nhiều nhưng bà chưa thấy nhắc nhở hay xử phạt bao giờ.

Xung quanh việc phạt khi vượt đèn vàng, độc giả Lê Ưng Hồ có ý kiến, phạt vượt đèn vàng thì mỗi trụ phải có đồng hồ đếm ngược, nếu hỏng phải thay ngay.

Trong khi đó, độc giả Tùng Lâm cho rằng, đèn vàng nhấp nháy thì vẫn đi bình thườn, kể cả trong trường hợp tại ngã tư có đèn đỏ. Khi đèn vàng đang nháy mà xe đã qua vạch thì không có lỗi.

Còn độc giả Thành Nam nêu ý kiến, để tránh bị động thì cần trang bị trước mỗi ngã tư có 2 vạch. Nếu đi đến vạch thứ nhất mà thấy đèn vàng thì phải dừng trước vạch số 2. Thời gian của đèn vàng phải tối thiểu 3 giây.

Bạn Ngô Thanh Hà, ở Vĩnh Phúc cho biết, việc sử phạt vượt đèn vàng như đèn đỏ không có tác dụng vì nhiều người nhìn thấy đèn vàng vẫn cho xe chạy và đi qua đường. Biện pháp tốt nhất là bỏ đèn vàng. Chỉ còn đèn xanh và đèn đỏ

Đồng ý với quan điểm trên, độc giả Nguyễn Thị Thơm, ở TP HCM nêu quan điểm, trên các tuyến đường chỉ nên để lại đèn xanh và đèn đỏ để người tham gia giao thông dễ điều khiển phương tiện. Còn xử phạt đèn vàng như đèn đỏ thì không hợp lý.

Không phù hợp Luật Giao thông đường bộ

Theo Zing, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, điểm khác biệt và gây nhiều tranh cãi trong dư luận ở việc, Nghị định 46 quy định tăng gần gấp đôi mức tiền xử phạt vi phạm đối với hành vi vượt đèn đỏ và hành vi xử phạt vượt đèn vàng ngang bằng với hành vi vượt đèn đỏ.

Theo luật sư, tại Khoản 3, Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; trong khi tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Nếu tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

“Như vậy, vượt đèn vàng đã được luật giao thông đường bộ coi là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”, luật sư Thơm chia sẻ.

Theo luật sư Thơm, hành vi vượt tín hiệu đèn vàng khi đang tiếp tục di chuyển khác về tính chất, mức độ đối với việc cố tình vượt đèn đỏ. Do đó, Nghị định 46 quy định mức xử phạt tương đương nhau là không phù hợp với Luật giao thông đường bộ.

Luật sư phân tích, tình trạng vượt đèn tín hiệu vàng có thể do vô ý. Ngược lại, hành vi vượt đèn đỏ hoàn toàn do lỗi cố ý. Đèn tín hiệu vàng thường xuất hiện nhanh chỉ ít giây nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa. Việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ, vô hình chung là bỏ ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng.

Theo quan điểm của luật sư, CSGT nên xử phạt lỗi vượt đèn vàng thấp hơn lỗi vượt đèn đỏ (như quy định hiện hành tại Nghị định 171). Việc xử phạt nặng lỗi vượt đèn vàng như lỗi vượt đèn đỏ có thể gây khó khăn cho cán bộ thực thi vì khó xác định được bằng mắt thường nếu người điều khiển phương tiện vượt qua vạch khi có tín hiệu đèn vàng.

“Hệ thống camera giám sát giao thông không phải ngã 4 nào cũng được trang bị. Do vậy sẽ có nhiều tranh chấp giữa cán bộ thực thi và người tham gia giao thông”- luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Vov.vn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc