Theo phương án thiết kế, cổng thu phí được bố trí trên một vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm TP, bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên, giao với Cách Mạng Tháng Tám, đường Ba Tháng Hai, đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng.
Có 36 cổng thu phí đa làn, tự động không dừng và một trung tâm điều hành kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và quản lý hoạt động thu phí.
Trong đó, có 2 cổng thu phí được lắp trên đường Bạch Đằng và Trường Sơn thu phí ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đề xuất của Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong, thời gian thu phí từ 6h đến 19h, mức thu phí từ 40.000 đồng đối với ôtô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi (có đăng ký tại TP.HCM) và 50.000 đồng đối với xe tải và xe buýt thương mại (kể cả xe biển xanh).
Không thu phí đối với chiều xe ra trung tâm TP.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.797 tỉ đồng theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời gian 15 năm.
Theo đề xuất, các xe không nộp phí sẽ bị xử phạt theo nghị định của Chính phủ. Dự kiến thời gian chuẩn bị dự án là năm 2017-2018.
Giai đoạn xây lắp là năm 2018-2019 và giai đoạn khai thác (bắt đầu thu phí) là năm 2019-2034.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong, hiện nay đề án trên đang được bổ sung, hoàn thiện để trình Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM xem xét.
Dự kiến nếu tổ chức thu phí như trên, có khả năng thu được khoảng 700 tỉ đồng/năm.
Việc tổ chức thu phí vào khu trung tâm nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông trên các trục đường chính, thúc đẩy người dân sử dụng xe công cộng.