Đúng 10h, sau gần hai giờ di chuyển, linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã về nhà riêng tại xã Tân Thông Hội (H.Củ Chi). Đông đảo người dân Củ Chi đã đứng hai bên đường đón người con của quê hương về yên nghỉ trong lòng đất mẹ.
Vùng đất từng gắn bó một thời thơ ấu và là nơi cố Thủ tướng trở về quây quần, vui sống với người dân quê những năm tháng sau khi nghỉ hưu cho đến những giây phút cuối đời, nay cũng đón ông Sáu Khải về trong ấm cúng, yêu thương.
An táng cố Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng ở Củ Chi - Video: Truyền hình Tuổi Trẻ
Khi còn sống, ông Sáu Khải sống gần gũi, thân tình, yêu thương dân Củ Chi, giờ ông mất, dân Củ Chi thương tiếc, kính cẩn đón tiễn ông về yên nghỉ quanh dân làng.
Dọc hai trục đường Quốc lộ 22 kéo vào tận đến nhà riêng cố Thủ tướng, nhiều người dân đã thắp những nén hương vọng, giương cao những bức biểu ngữ ghi dòng chữ “Thủ tướng Phan Văn Khải sống mãi với quê hương đất thép thành đồng”.
Tại nhà riêng ấp Chánh, các công tác chuẩn bị cho lễ an táng cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã sẵn sàng, nghiêm cẩn và chu đáo.
Những hàng ghế dài đã được đặt phía bên ngoài để bà con ngồi nghỉ trong khi chờ vào thắp nén hương tiễn biệt. Các chuyến xe điện chở khách từ khu đậu xe vào tăng tần suất cấp tập. Khu nhà thờ của gia đình cũng đã được chuẩn bị để đón linh cữu về, chào lần cuối theo đúng nghi lễ truyền thống.
Những câu chuyện về tộc họ Phan, từ khi ông tổ Phan Văn Bằng từ Quảng Nam vào ấp Bến Đò Tân Thông lập nghiệp, sinh ra 9 người con… được nhắc lại. Từ đó đến nay, gần hết những người họ Phan sống chết nơi này.
“Quanh đây bà con dây rễ, bao nhiêu tình cảm. Cậu Hai mất, nằm lại đất này không chỉ là di nguyện của cậu mà còn là tâm nguyện của tộc họ, bà con nơi đây”, ông Nguyễn Quốc Sinh, người cháu gọi ông Sáu Khải là cậu, tâm sự.
Phía trong nhà riêng của ông Phan Văn Khải, lãnh đạo TP.HCM, huyện Củ Chi, nhiều quan khách và gia quyến đã xếp hàng dài chờ đón linh cửu nguyên Thủ tướng. Mọi người lặng lẽ chờ đón ông trong chuyến trở về và ở lại mãi mãi với quê nhà.
Bên ngoài, hàng ngàn người dân kiên nhẫn đứng chờ đến lượt mình vào viếng mộ ông Sáu. Bà Lê Thị Nẫm, mặc nguyên bộ lễ phục với đầy đủ huân huy chương, tay ôm bó hoa giấy đứng dưới nắng theo dõi từng chi tiết trên màn hình.
Bà kể: “Tôi ngày xưa là biệt động Sài Gòn, là dân Trung Lập Thượng, Củ Chi. Với ông Sáu vừa là đồng hương, vừa là con cháu, vừa là đồng đội, đồng chí. Năm nào cũng được gặp ông khi đi họp lực lượng, hội đình. Từ giờ không được gặp nữa rồi. Đêm nằm cứ trông sáng để đến tiễn ông Sáu…”.
Nghi lễ bên trong vẫn tiếp tục, bên ngoài nắng đã gắt nhưng các bà, các cô vẫn chậm mồ hôi, chờ.