Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Ông lão 80 tuổi và chiếc xe kem 30 năm nuôi vợ bệnh tim

Hơn 30 năm gắn liền với nghề bán kem dạo, ông Đỗ Mộng Điệp (80 tuổi) rong ruổi khắp các con hẻm lớn nhỏ chỉ mong bán hết kem để có tiền cho vợ chữa bệnh.

Nằm trong con hẻm 113, đường Võ Duy Ninh, quận Bình Thạnh, căn nhà nhỏ của cụ ông Đỗ Mộng Điệp (80 tuổi, quê Nha Trang) và bà Nguyễn Thị Kim Vân (70 tuổi) luôn đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương. Căn nhà rộng chừng 4 mét là nơi sinh sống hơn 30 năm của hai vợ chồng.

Gặp nhau khi vừa giải phóng đất nước, hai ông bà đem lòng yêu mến nhau. Đến năm bà Vân 19 tuổi thì quyết định cưới. Khi đó cả hai bên đều không còn cha mẹ, anh em, họ hàng nên lễ cưới diễn ra đơn giản với vài mâm cơm cúng tổ. Cuộc sống buồn tủi bắt đầu dần vơi khi ông bà về ở với nhau.

1

Chiếc xe kem cũ rong ruổi hơn 30 năm cùng ông Điệp.

2,

Tuy đã già nhưng hằng ngày ông vẫn cần mẫn đẩy xe kem đi bán để có tiền chữa bệnh cho vợ.

3,

Ngôi nhà nhỏ của ông nằm khuất sâu trong một con hẻm.

4

Không có con cái, cũng không có người thân, hai vợ chồng ông yêu thương, đùm bọc nhau sống.

5

Tuy không thể đi đứng nhưng hằng ngày bà Vân vẫn cố gắng lết đi để nấu cơm và làm các công việc nhà.

Từ Nha Trang vào Sài Gòn lập nghiệp, hai vợ chồng ông rong ruổi khắp các ngõ ngách Sài Gòn mưu sinh với nhiều nghề. Ngày trước, khi còn khỏe, ông Điệp đi bán kem ốc quế dạo ở các trường tiểu học còn vợ đi bán vé số.

Ở cái tuổi xế chiều nhưng ông bà không có con cái, cũng chẳng có người thân nào. Khi sức khỏe đã yếu dần, ông Điệp xin hai chú chó nhỏ về nuôi, bao nhiêu tình cảm, ông dành hết cho chúng. Ngày ông đi làm, hai chú chó trở thành bầu bạn với bà Vân.

Tuổi già sức yếu, bà Vân bị bệnh giãn mạch máu chân, dẫn đến teo cơ, cộng thêm căn bệnh tim hành hạ nên bà không thể tự đi lại được. Thương vợ đau ốm, ông Điệp cán đáng hết việc nhà và làm chỗ dựa vững chắc cho bà vượt qua bệnh tật.

Đến với nghề bán kem như một cơ duyên sắp đặt sẵn, khi đang tìm việc làm thì ông vô tình thấy chiếc xe kem cũ trong vựa ve chai. Nghĩ là làm, ông bắt đầu sửa sang xe kem lại cho mới hơn, tìm nguồn bỏ sỉ kem, ốc quế, bánh mì rồi bắt đầu công việc bán kem dạo. Thế là từ đó đến nay đã hơn 30 năm, chiếc xe kem cũ trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình ông, giúp ông có tiền chữa bệnh cho người vợ bệnh tật của mình.

6

7 giờ sáng ông bắt đầu đẩy xe kem đi bán trên đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh).

7

Tiếng leng keng từ xe kem rong ruổi cùng ông trong khắp các con hẻm.

8

Nụ cười hiền lành và lạc quan của ông cụ bán kem 80 tuổi.

9

Ông thân thiện và được nhiều người dân quý mến.

Hằng ngày ông đẩy chiếc xe kem ốc quế đi khắp các con đường lớn nhỏ chỉ mong bán hết kem để có tiền cho vợ mua thuốc. Mỗi ngày ông nhận 3 kí kem và đi bán. Ngày nào bán hết sớm, ông tất tả chạy ngay về nhà để ăn bữa cơm chiều cùng vợ và phụ bà những việc lặt vặt ở nhà.

“ Tui đi bán cả ngày để bà ấy ở nhà tội lắm. Chân không đi lại được cũng không có ai nói chuyện nên bà ấy hay buồn. Thấy vậy chứ cứ khi tui đi bán là ở nhà cũng lăn xăn lết đi lau nhà, giặt đồ, có khi bà còn lết ra tận ngoài hẻm chờ tui đi bán về, tội lắm”, ông Điệp nói trong ánh mắt hạnh phúc khi nghĩ về người vợ của mình.

10

Khách hàng của ông đa số là người lao động nghèo và học sinh.

11.

13

Những cậu học trò nhỏ không chỉ đến mua kem ủng hộ ông mà còn tìm đến ông để nghe ông kể chuyện.

Nhiều năm qua, xe kem của ông Điệp rong ruổi từ những khu người lao động nghèo đến các trường tiểu học khắp các ngõ đường ở quận Bình Thạnh. Ngày nào may mắn đi từ sáng đến chiều bán hết kem ông kiếm lời được hơn 70.000 đồng. Ngày nào trời mưa, học sinh ít vì nghỉ học - ông thường phải cố bán muộn hơn, đi nhiều hơn và buộc lòng phải để bà chờ ở nhà lâu hơn.

Thấy chồng già yếu, nhiều lần bà Vân nói với ông cho bà ngồi xe lăn đi bán vé số để phụ ông kiếm tiền nhưng ông nhất quyết không chịu. Phần thì thương bà bệnh tật, phần thì ông lo bà mắt kém đi bán không thấy đường. “Ổng thương tui lắm, nhiều lần thấy tui đau ổng khóc luôn. Có nhiều lúc nghĩ đến con cái, bơ vơ quá thế là hai vợ chồng ngồi ôm nhau khóc chứ biết làm sao. Giờ ổng già, tui cũng già rồi chỉ mong sống hạnh phúc đến khi nhắm mắt là tui vui rồi”, bà Vân chia sẻ.

15

15

Tiếng chuông leng keng…leng keng quen thuộc với ông hơn 30 năm.

Những ngày Sài Gòn đổ mưa, xe kem của ông vắng khách hẳn đi. Lau nhưng giọt nước mưa ướt đẫm trên mặt, ông Điệp bắt đầu lo lắng khi không thấy khách ghé lại mua. Những ngày trời mưa không dứt, xe kem của ông không bán được, kem bị tan chảy hết thế là ông mất hết cả vốn lẫn lời.

Hơn 30 năm, tiếng leng keng phát ra từ xe kem của ông đã dần quen thuộc với người dân nơi đây, chiếc xe không có bảng hiệu, không mới nhưng vẫn được rất nhiều khách hàng nhí yếu thương và ủng hộ.

Tiếng… leng keng…leng keng… cứ kêu mãi đến khi bóng ông khuất dần vào những con hẻm nhỏ.

Thương cho ông bà…!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Dự kiến bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp THPT