Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Ông già 80 tuổi nuôi ước mơ dạy chữ ở Biển Hồ

Theo Dân Việt Theo dõi Saostar trên google news

Giữa những ánh mắt háo hức, những nụ cười hồ hởi của các em học sinh, tôi để ý đến một người đàn ông thấp đậm, đứng ngay cửa ra vào... Ông là Trần Văn Tư, người đã bỏ hết công việc ở Việt Nam để sang Campuchia với mong ước dạy chữ, dạy tiếng Việt cho bọn trẻ.

Lớp học tình thương của ông Trần Văn Tư ở Biển Hồ. (Ảnh: Tố Loan)

Cái duyên với Biển Hồ

Ông Tư quê ở Tây Ninh và vốn không phải là thầy giáo, ông đến Biển Hồ từ năm 1976 để buôn bán. Lúc đó người Việt sang Campuchia buôn bán cũng khá nhiều, nhất là khi ở Biển Hồ còn có cả 1 làng người Việt sinh sống nên việc giao thương khá tấp nập.

Tuy nhiên, điều ám ảnh ông không chỉ là cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn đủ đường của những Việt kiều xa xứ mà cả những ánh mắt ngây thơ của đám trẻ thất học. Thế là năm 1979, ông quay lại Biển Hồ, nhưng không phải mang hàng hóa buôn bán nữa mà đem sách vở, bút mực để dạy chữ miễn phí cho bọn trẻ.

Không có trường lớp, ông mượn tạm chiếc thuyền nhỏ của một gia đình làm nơi dạy học. Lớp học cũng không cố định, vì có thể phải chuyển từ thuyền nhà này sang nhà khác. Ông Tư theo đó cũng “di cư” theo lớp, nay nhà này mai nhà khác.

Hỏi vì sao không thành lập lớp học đàng hoàng, ông bảo: “Tôi chỉ dạy đến khi các cháu biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia thành thạo là dừng, mở lớp mới nên không cố định một chỗ được”.

Cứ thế, trong vòng 10 năm ông Tư mở không biết bao nhiêu lớp xóa mù chữ cho trẻ em gốc Việt ở Biển Hồ. Năm 1989, khi bộ đội tình nguyện Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, lo sợ chiến tranh và thảm họa Pôn Pốt tái diễn, ông trở về quê.

Nhớ lại thời điểm đó, ông thở dài: “Về quê rồi nhưng tôi nhớ bọn trẻ da diết, nhớ nhất những ánh mắt trong veo, đen láy. Nhiều đêm không ngủ, tôi luôn nghĩ sẽ có ngày quay lại Biển Hồ để lập trường, mở lớp dạy chữ, dạy văn hóa Việt cho bọn trẻ dù chưa biết lúc nào”.

Ngày mà ông mong chờ cũng đến. Năm 2006, ông trở lại Biển Hồ. Đa phần học sinh của ông đã trưởng thành, lập gia đình và tiếp tục cuộc sống luẩn quẩn như cha mẹ chúng. Có em đã sinh tới 4-5 đứa con và chúng cũng có nguy cơ thất học như cha mẹ ngày xưa.

Lần trở lại này có mục tiêu rất rõ ràng là lập trường nên ông Tư lên gặp chính quyền địa phương để xin cấp phép. Được đồng ý, ông tiếp tục “sự nghiệp” thầy giáo ở tuổi ngoài 60 - tuổi mà nhiều người đã nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu. Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo ra đời từ đó.

Thầy Tư tiếp nhận tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm. (Ảnh: Tố Loan)

Mọi thứ “chuyên nghiệp” hơn đồng nghĩa với việc ông Tư vất vả hơn bội phần, một mình ông phải lo hết mọi thứ, từ cơ sở vật chất đến sách giáo khoa, bút mực, kể cả việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh cũng một tay ông lo liệu.

Người Việt ở Biển Hồ toàn người nghèo. Đã nghèo họ lại sinh đẻ không có kế hoạch nên bọn trẻ nheo nhóc nhiều lắm. Chưa kể chúng phải mưu sinh từ bé nên việc gom lại học tập trung rất khó khăn. Nhiều đứa học được 1, 2 rồi lại phải chạy ghe đi làm mướn hoặc ở nhà trông em… thế là lại bỏ học. Thấy không ổn, tôi nghĩ ngay đến việc đưa bọn trẻ về trường ăn ở, sinh hoạt luôn để tiện việc học hành” - ông Tư kể.

Nhưng đưa về thì kinh phí đâu ra để lo cho chúng, khi bây giờ chỉ riêng việc lo bút sách cũng đủ trầy trật rồi? Có bao vốn liếng mang từ Việt Nam sang, ông đã đổ hết vào việc xây dựng trường lớp, nên chẳng còn cách nào khác ngoài kêu gọi từ thiện.

“Tha hương đã khổ, sống cuộc sống thiếu thốn, vất vả còn khổ hơn, nhưng không gì đau xót và đáng thương hơn là việc thất học. Tôi muốn dạy để bọn trẻ biết được ngôn ngữ, văn hóa dân tộc mình, biết được nguồn cội để dù có ở đâu cũng không quên niềm tự hào dân tộc”, ông Trần Văn Tư chia sẻ.

Rất may là việc làm ý nghĩa của ông nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ các đoàn khách du lịch. Họ tặng trường không chỉ tiền mà cả thực phẩm, sách vở cho các em nên trường cũng trang trải được phần nào chi phí.

Đặc biệt hơn, trường học cũng khang trang hơn nhờ công sức xây dựng của các cán bộ chiến sĩ thuộc Quân khu 7 (Quân đội Nhân dân Việt Nam). Cũng nhờ đó Trường được mở rộng, số lớp lên tới 5 lớp (từ lớp 1 tới lớp 5), số học sinh cũng vượt ngưỡng 300 em.

Để bọn trẻ biết được nguồn cội

Bây giờ trường học của ông Tư được nhiều người biết đến, nhận được nhiều sự ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm, nhưng như lời ông nói thì “không thể trông chờ mãi vào tấm lòng từ thiện được”.

Ngoài các phòng học của Quân khu 7 và một số sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tặng, đến nay hầu như ngôi trường đặc biệt này chưa hề được ngành giáo dục và các cơ quan hữu quan trong nước quan tâm. “Được sự ủng hộ tinh thần của Hội người Việt thì cũng đỡ, nhưng về lâu dài thì không biết ra sao…”. Nói xong ông khẽ thở dài, quay sang ngắm nhìn lớp trẻ đang hát và múa điệu “Xòe hoa” - điệu hát dân gian của Việt Nam.

Thầy Tư giờ không phải đứng lớp nữa vì có nhiều thầy cô giáo người Việt tình nguyện sang đây dạy dỗ các em. Cả hai con trai của thầy là Trần Hồng Sơn (sinh năm 1982), Trần Hồng Trung (sinh năm 1984) sau khi tốt nghiệp THPT không thi vào ĐH, CĐ mà sang Biển Hồ với bố, làm giáo viên thiện nguyện xóa mù chữ cho con em cộng đồng người Việt.

Ông Võ Văn Đầy - người từng “quản lý” người Việt ở Biển Hồ cho hay: “Lớp học tượng trưng cho những điều đẹp đẽ nhất ở đây - nơi cuộc sống vất vả, cực nhọc với tương lai mù mịt. Chắc hẳn nhiều du khách, đồng bào của ta cũng có mong muốn như tôi: Đó là gìn giữ và phát triển lớp học này để bọn trẻ lớn lên biết được gốc của mình”.

Thừa nhận lớp học rất khó khăn để duy trì và kéo dài, nhưng ông Đầy vẫn tin tưởng rằng, với truyền thống tương thân tương ái của người Việt, thì chắc chắn những đứa trẻ ở Biển Hồ sẽ sớm có tương lai tốt đẹp hơn.

Ông Tư già rồi, ở tuổi ngoài 80, ông bước đi chậm chạp, thậm chí cả nụ cười cũng méo xệch do di chứng của lần tai biến. Nhưng trong đôi mắt ông, ánh nhìn vẫn ấm áp và dịu dàng đến lạ, nhất là khi ông trìu mến nhìn đám trẻ của mình - hơn 300 đứa được ông cưu mang, dạy dỗ.

Khi chia tay tôi, ông bảo ông không nỡ rời xa nơi này, không nỡ để những đứa trẻ tiếp theo mang dòng máu Việt phải chịu thiệt thòi nơi đất khách.

“Tha hương đã khổ, sống cuộc sống thiếu thốn, vất vả còn khổ hơn, nhưng không gì đau xót và đáng thương hơn là việc thất học. Tôi muốn dạy để bọn trẻ biết được ngôn ngữ, văn hóa dân tộc mình, biết được nguồn cội để dù có ở đâu cũng không quên niềm tự hào dân tộc”, ông Tư nói.

Chỉ riêng với suy nghĩ đó thôi, cũng đủ để gọi ông Tư là “người tử tế” ở Biển Hồ…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Việt

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hé lộ điều đặc biệt về không gian hẹn hò của Michael Trương ở Đảo Thiên Đường