Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái lúc 21h ngày 1/10 là 31,66m (dưới báo động BĐ3 là 0,34m). Đến khoảng 22h ngày 1/10, mực nước sông Thao (sông Hồng) đang lên đã ngập tuyến đường Thanh Niên, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái khoảng 20-30cm, dẫn nguồn từ Báo Giao Thông.
Dự báo, trong 06-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên, khả năng đạt đỉnh ở mức trên BĐ3, sau xuống. Trong 12-24 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống và ở trên BĐ2, theo báo Yên Bái.
Cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh là: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái.
Nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông suối, khu đô thị đặc biệt tại các khu vực trũng thấp của các huyện, gồm:
- Thành phố Yên Bái: các phường Yên Ninh, Hồng Hà,Minh Tân, Nguyễn Thái Học, Nam Cường, Đồng Tâm, Hợp Minh, các xã Tuy Lộc, Âu Lâu, Giới Phiên, Văn Phú.
- Huyện Trấn Yên: thị trấn Cổ Phúc, Quy Mông, Y Can, Kiên Thành, Nga Quán, Báo Đáp, Việt Thành.
- Huyện Yên Bình: Thị trấn Yên Bình.
- Các khu vực trũng thấp của thị xã Nghĩa Lộ.
- Huyệṇ Văn Yên: Thị trấn Mậu A, các xã Mậu Đông, Đông An, Đại Phác, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, An Phú, An Thịnh, Yên Hợp.
Trong tối 1/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái vừa có Công văn số 62/BCH-PCTT yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.ứng phó với lũ trên sông Thao (sông Hồng).
Công văn nêu: Thực hiện Công điện 7393/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 01/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với lũ trên sông Thao, theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 18h00 ngày 01/10/2024, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 31,13m, trên báo động (BĐ) 2 là 0,13m; dự báo trong 06-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục lên trên mức BĐ3 và có khả năng đạt đỉnh trong 12-24 giờ tiếp theo, sau xuống và ở trên mức BĐ3; nguy cơ gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét, sạt lở đất.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu quả với diễn biến bất lợi của thời tiết, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các thành viên và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
- Chủ động tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.
- Bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
- Thông báo cho các chủ lồng bè; chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, phương tiện, thiết bị và công trình.
- Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
- Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các vị trí ngầm, tràn, đường qua suối, nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh. Cấm người đi vớt củi, lội qua, đánh bắt cá... trên các sông suối khi đang có lũ. Đặc biệt trong các ngày mưa, lũ tuyên truyền cho nhân dân không được ngủ trên đồi, trên nương để đề phòng sạt lở, đất, đá gây thiệt hại về người.
- Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (số điện thoại liên lạc 0216.3852.708) để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.