Vô tình ghé vào một hàng nước không tên ở công viên 23/9 (Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. HCM), tôi gọi: “Chị ơi, cho em chai nước suối”, chị chủ cười niềm nở mang chai đưa tôi. Như tất cả các hàng quán thông thường, không có một rào cản gì trong suốt quá trình diễn ra công việc mua bán, chắc chị đã quen hiểu những gì khách nói thông qua khẩu hình miệng.
Chắc sẽ chẳng bao giờ tôi biết được câu chuyện của hai chị nếu tôi không hiếu kì khi hỏi về hai con chó cứ quấn quýt chạy lon ton bên chân. Chị cười, tay liên tục ra những dấu hiệu kèm theo là những tiếng ú ớ phát ra nhưng không bật thành chữ.
Thoáng chút bối rối, tôi dõi mắt nhìn về chị chủ quán với mong muốn được giải đáp, thế nhưng… chị chỉ cười rồi lặng im.
Nán lại tâm sự cùng hai chị em, thật đặc biệt khi cả buổi trò chuyện của chúng tôi chỉ loáng thoáng âm thanh lách tách trên chiếc điện thoại và những biểu hiện hình thể không rõ ràng của 2 người chủ quán. Vì suốt cuộc đời họ chỉ có những khoảng im lặng mà thôi!
Chị Thủy Vân và Huyền Vân (chị Ngọc) năm nay vừa tròn 29 tuổi. Cả hai mắc chứng câm điếc bẩm sinh. Tuy không phải là người thân họ hàng nhưng hai chị đã gặp gỡ, sống và đùm bọc lẫn nhau hơn 18 năm qua bên gánh nước vỉa hè Sài Gòn.
Chỉ vài cái bàn, vài chiếc ghế, một bếp than nho nhỏ cùng 1 xe đẩy nước đã nhuốm màu cũ kỹ ở góc công viên, hai chị cùng nhau tần tảo mưu sinh giữa phố Tây nhộn nhịp ngày qua ngày.
Qua những dòng tin nhắn ngắn ngủi, chị Thủy Vân kể rằng quê chị ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi mẹ mất thì chị với ba lên Sài Gòn bán trứng vịt lộn vỉa hè mưu sinh.
Cách đây 18 năm, trong một lần ghé vào quán vỉa hè ăn trứng vịt lộn thì chị gặp chị Ngọc, đồng cảm vì sự khiếm khuyết của nhau trong cuộc sống mà hai chị em kết thân, coi nhau như ruột thịt trong nhà.
Hiện tại, hai chị cùng bố chị Ngọc sống với nhau trong một căn nhà ọp ẹp chỉ 9m2 trong một con hẻm ở Q.1.
Hằng ngày, tầm 3 giờ chiều hai chị lại bắt bầu công việc mưu sinh. Trên chiếc xe đã sờn màu, chị Thủy Vân chở chiếc bàn, cái ghế con từ nhà tới góc công viên để bán. Chị Ngọc vừa nhúm lửa, nhặt rau vừa bán ít hột vịt lộn. Hai chị em cứ chia nhau công việc mưu sinh mỗi ngày như thế.
Cả hai dù không nói lời nào cho nhau nhưng ăn khớp đến từng hành động, dù là nhỏ nhất. Cứ thế tất bật cho đến tận 3 giờ sáng hôm sau mới quay về nhà để nghỉ ngơi, chuẩn bị đồ cho buổi tiếp theo. Dù thức sớm về khuya nhưng gương mặt cả hai luôn toát lên sự lạc quan yêu đời, chẳng khi nào than phiền về cuộc sống.
Khi được hỏi rằng bán suốt đêm như vậy có thấy mệt không? Chị Thủy Vân cười, tay chỉ vào màn hình tin nhắn: “Không có mệt, quen rồi”, ánh mắt luôn chất chứa lạc quan. Nhắc đến chị Ngọc (có vẻ hơi trầm tính hơn), chị Thủy Vân cho biết, Ngọc vì điều kiện khó khăn chỉ học đến cấp 1 sau đó thì bỏ học tới giờ nên chỉ biết một ít chữ, cũng khá khó khăn trong quá trình giao tiếp với người lạ.
Cô Hoa, một người bán hàng ven công viên 23/9 cho hay: “Cô thấy hai đứa chịu khó lắm, ngày nào bất kể nắng mưa đều ráng bán hết mới chịu về. Tính tình cũng dễ thương hiền lành, có bé tóc dài (chị Ngọc) là hơi trầm tính tí thôi”.
Trời Sài Gòn chợt nắng chợt mưa, hai chị chỉ vỏn vẹn một cây dù bé tẹo vừa đủ che cái bàn, vất vả mưu sinh. Chị Thủy Vân tâm sự, chỉ khi nào mưu lớn quá mới dọn về, còn không vẫn ráng bán tiếp vì lượng khách ăn vịt lộn chủ yếu rơi vào đêm khuya, không bán thì không đủ sống.
Cứ như vậy, hai chị em câm điếc vốn dĩ không thân thích họ hàng vẫn gắn chặt với nhau qua những gánh hàng đậm mùi năm tháng.
Dù số phận đã lấy đi của hai chị khả năng nghe và nói, nhưng vượt lên tất cả, hai chị vẫn cố gắng sớm hôm để sống bằng chính đôi tay của mình với nghị lực phi thường và một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.