Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nữ công nhân miền Tây sẽ nhận hơn nửa số vàng nhặt được

Công an TP Cà Mau (Cà Mau) đã có hướng giải quyết số vàng mà công nhân phân loại rác nhặt được sau hơn một năm không tìm được chủ sở hữu.

Chiều 31/8, Công an TP Cà Mau cho biết, Nhà máy rác thải Cà Mau vừa có công văn đề nghị đơn vị này có toàn quyền xử lý số vàng do công nhân Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, ngụ huyện Đầm Dơi) nhặt được. Các gợi ý được lãnh đạo nhà máy rác đưa ra là: Sung công quỹ Nhà nước, trả cho người nhặt hoặc cho các tổ chức từ thiện. Theo Công an TP Cà Mau, sau một năm thông báo truy tìm chủ sở hữu nhưng không có người đến nhận lại gần 5 lượng vàng, nhà chức trách đang lập thủ tục xử lý tài sản theo quy định của pháp luật. Luật được áp dụng trong trường hợp này là Khoản 2 Điều 241 Bộ luật Dân sự, quy định về việc Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên.

Chị Mai kể lại vụ việc. Ảnh: Nhật Tân.

Chị Mai kể lại vụ việc. Ảnh: Nhật Tân.

“Chị Mai sẽ được nhận 10 tháng lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước. Tổng giá trị số vàng sẽ được mang ra trừ cho 10 tháng lương mà chị Mai đã nhận, còn lại bao nhiêu thì nữ công nhân được hưởng thêm 50%. Số còn lại sẽ thuộc về sở hữu của Nhà nước”, một cán bộ có trách nhiệm nói. Hơn một năm trước, vào chiều 4/8/2014, chị Mai phát hiện được chiếc ví đã mục trong lúc phân loại rác. Nữ công nhân đặt chiếc ví qua một bên, chờ lúc giải lao mở ra xem và phát hiện bên trong chứa nhiều vàng với một số giấy tờ đã mục, không xem được chữ. “Vàng trong ví gồm một vòng vàng, 4 dây chuyền, 3 mặt dây lớn nhỏ, 10 nhẫn, 3 đôi bông tai, một mặt dây chuyền bị gãy… Tổng số vàng tôi bị buộc giao nộp gần 5 lượng, trong đó 2 chỉ vàng 24K và 47 chỉ vàng 18K”, nữ công nhân nhớ lại.

Chuyện chị Mai nhặt được vàng đến tai lãnh đạo nhà máy rác trong chiều hôm đó. Nửa giờ sau, nhà máy cử cán bộ gặp chị Mai tìm hiểu sự việc. Sau đó, công an phường sở tại đến lập biên bản tạm giữ tài sản, chuyển cho Công an TP Cà Mau xử lý theo quy định. Lúc đầu, Công an TP Cà Mau đăng thông báo truy tìm chủ sở hữu nhưng do nhầm lẫn nên thời gian ghi trên báo chỉ có 1 tháng. Chị Mai hồi hộp chờ nhận lại số vàng nhưng sau một tháng, rồi một năm vẫn không được nhận lại số tài sản nhặt được. “Nhà nghèo nên khi nhặt được số vàng lớn khiến tôi mất ăn, mất ngủ. Nhiều lần đi lại để liên hệ với cơ quan chức năng, tôi mất nhiều công sức. Chồng bị bệnh không đi làm được và sau đó tôi bị mất việc luôn”, chị Mai chia sẻ. Ông Nguyễn Tiến Tân, Giám đốc Nhà máy rác thải Cà Mau cho biết, nguyên nhân chị Mai bị sa thải vì vi phạm hợp đồng lao động do đã tự ý bỏ việc nhiều ngày liền. Trưa 31/8, Công an TP Cà Mau bất ngờ nhận được điện thoại của một người cho rằng, số vàng chị Mai nhặt được là của họ. Dù quá thời hạn 1 năm theo thông báo tìm chủ sở hữu, Công an TP Cà Mau vẫn xác minh để có hướng xử lý phù hợp, đúng pháp luật.

Điều 241 Bộ Luật dân sự quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên:

1. Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ủy ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

3. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc