Sinh viên chạy xe ôm công nghệ kể khách quỵt tiền, liên tục thay đổi địa điểm vận chuyển
Gần hai ngày qua, sau khi vụ việc nam sinh Lê Cao S. (SN 2001, quê huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) bị sát hại khi đi chạy Grab, dư luận vô cùng xôn xao. Thi thể nạn nhân được phát hiện tại khu vực bãi đất hoang ở phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trước đó, khoảng 20h30 ngày 26/9, nam sinh Nguyễn Cao S. điều khiển xe máy nhãn hiệu Yamaha Exciter màu xanh - bạc - đen mang BKS: 36B5- 443.41 chở 2 đối tượng nam thanh niên là khách vẫy ngang đường không đặt qua ứng dụng Grab, từ khu vực bến xe Mỹ Đình đến khu vực phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.
Khi anh S. chở 2 đối tượng trên đến khu vực tổ dân phố Tân Phong, phường Thụy Phương thì bị chúng dùng hung khí sát hại và cướp chiếc xe máy nhãn hiệu Yamaha Exciter, 1 điện thoại nhãn hiệu iPhone 7 Plus màu đen. Gây án xong, các đối tượng bỏ trốn.
Tối 30/9, thượng tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đến 18h cùng ngày lực lượng công an đã bắt giữ hai nghi phạm là Đinh Văn Trường (19 tuổi, ở xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái) và Đinh Văn Giáp (24 tuổi, ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn). Hai đối tượng trên bị bắt khi đang lẩn trốn trong bản ở huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Ngay sau khi nghe thông tin vụ việc này nhiều tài xế chạy xe ôm không khỏi sợ hãi, đặc biệt, có rất nhiều tài xế từng bị cướp tài sản khi chở khách. Nguyễn Vân Đức (SN 1999, quê Bắc Ninh), sinh viên năm 3 tại 1 trường Đại học ở Hà Nội và cũng làm thêm nghề chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập cho biết bản thân cảm thấy vô cùng bàng hoàng và thương xót cho nạn nhân và gia đình.
Theo Đức, sau sự việc trên những người làm nghề này cũng cảnh giác hơn, đặt an toàn bản thân lên hàng đầu. Có thể thời gian tới Đức cũng hạn chế chạy những chuyến vào ban đêm.
Chia sẻ về những rủi ro, nguy hiểm bủa vây khi làm nghề xe ôm, Đức cho biết đã không ít lần cậu bị quỵt tiền và gặp phải những tình huống nguy hiểm.
“Em cũng như những tài xế khác, đã làm nghề này thì ai cũng ít nhất một lần từng bị khách quỵt tiền. Có lần khách đặt xe em chở từ bến xe khách Mỹ Đình sang đến Cổ Nhuế. Đến nơi thì khách bảo đợi đi lấy tiền, đợi mãi không thấy khách ra gọi điện lại thì thuê bao rồi, đành ngậm ngùi ra về”, Đức chia sẻ.
Theo các tài xế chạy xe công nghệ cho biết, đa số cách quỵt tiền của khách là khi đến nơi bảo tài xế đợi để đi lấy tiền rồi “lặn mất tăm”. Đối với Đức, chuyện khách quỵt tiền không đáng sợ bằng việc chở các khách hàng có biểu hiện lạ.
Đức kể có lần cậu nhận chở khách đi Hoài Đức, Hà Nội. Mặc dù nhìn thấy vị khách có nhiều hành vi không minh bạch nhưng vì miếng cơm manh áo nên Đức vẫn nhận đi.
“Trên đường đi em thấy họ cứ gọi điện nói chuyện nghe khá đáng sợ, tục tĩu nhưng trót chở rồi nên cứ đi. Khi đến địa điểm Đại Lộ Thăng Long cạnh Thiên Đường Bảo Sơn rồi, họ lại yêu cầu em chở tiếp vào trong một con hẻm tối.
Lúc đó em sợ thật sự và lấy lý do là nhà có việc nên không chở tiếp vào trong ngõ nữa thì vị khách này liền bảo “chở vào đó lấy tiền, ở đây không có tiền”. Thấy khách tỏ vẻ nóng giận khó chịu nên em đành chịu mất tiền và đi về tay trắng”, Đức nhớ lại.
Tài xế xe ôm chỉ ra một số điểm để nhận biết khách có biểu hiện bất thường
Còn Đàm Duy Long (sinh viên một trường cao đẳng nghề ở quận Đống Đa) cho biết, thấy một số người bạn rủ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình nên Long cũng đã tham gia được khoảng gần 1 tháng nay.
Theo Long học xong buổi sáng thì Long nghỉ ngơi ở nhà đến chiều tối thì bắt đầu công việc và thường chạy đến khoảng 22h đêm sẽ về nghỉ ngơi.
“Bọn em nếu hôm nào khách đi đều cũng kiếm thu nhập được khoảng 200-300 nghìn đồng, có hôm ít hơn, hôm nhiều hơn. Số tiền đó đối với sinh viên đủ trang trải cuộc sống cũng như tiền học tập phụ giúp gia đình. Theo kinh nghiệm của em thì khách đặt qua ứng dụng rõ ràng thì mới chạy, còn không nhận cuốc khách bên ngoài. Nếu thấy khách không yên tâm thì mình từ chối vận chuyển”, Long nói.
Long cho rằng, sau sự việc vừa qua bản thân cùng những tài xế trong hội nhóm cũng cảnh báo nhau cẩn thận đề phòng những khách đi đến địa điểm không rõ ràng để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như tài sản.
Anh Phùng Minh Sơn (35 tuổi, ở Nam Định) người chạy xe ôm công nghệ lâu năm ở Hà Nội cho rằng, việc nam sinh S. bị sát hại là rất đáng tiếc và xót xa.
Theo anh Sơn, có thể đối tượng đã có kế hoạch cướp của, giết người từ trước nên khi thấy nam sinh này còn trẻ, xe đẹp nên đã ra tay hành động. Tuy nhiên, qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, anh Sơn chỉ ra một số điểm mà có thể nhận ra những điểm bất thường và sẵn sàng hủy chuyến.
“Điều đầu tiên chính nam sinh cũng đã linh tính và chụp ảnh gửi cho bạn về 2 “vị khách” đặt xe, thậm chí là còn nói là “báo công an nếu không về”. Điều thứ 2 là, quy định cả về phía công ty và pháp luật chỉ cho phép chở 1 người trên xe máy. Tuy nhiên, trường hợp này nam sinh đã chở cả 2 người, có lẽ họ trả thêm tiền nên S. tiện chở thêm. Điều thứ 3 là, nam sinh này không hề thông thuộc địa hình khu vực Cổ Nhuế, Thụy Phương.
Theo như tin nhắn với bạn, thì 2 người đặt xe lên Cổ Nhuế, nhưng lên đó lại đi vào tận khu vực Thụy Phương. Nếu là người thông thuộc địa hình thì họ sẽ không chạy vào khu này buổi tối, vì đây là khu thưa dân nguy hiểm”, anh Sơn nói.
Bằng kinh nghiệm của mình anh Sơn khuyên những người chạy xe ôm nói chung và nhất là sinh viên cần phải tỉnh táo từ khi nhận khách đến khi đi đường.
“Khi nhận khách nếu thấy có dấu hiệu khả nghi mình cần đề phòng bằng cách chỉnh gương chiếu hậu, giữ khoảng cách với khách. Trong khi lái xe có thể làm động tác rút điện thoại để khuỷu tay mình chạm vào phía hông, mạn sườn khác. Nếu thấy có vật cứng thì nên lấy lý do để dừng xe lại không chạy nữa và không cần tiền.
Một điểm nữa đó là anh em xe ôm nên lập các hội nhóm với nhau để nhắn tin, cảnh báo lúc cần. Đặc biệt, không chạy vào các khu vực đường vắng, khu ít người ở như Thụy Phương, đường Trần Khoát Chân, Cầu Đuống, Đức Giang…”, anh Sơn chia sẻ thêm.