Với nhiều người, ông bà là một trong những nhân vật cực kỳ quan trọng trong phần ký ức tuổi thơ mà không gì có thể thay thế được.
Trong nhiều gia đình người Việt cha mẹ thường có thói quen gửi con cái cho ông bà chăm giúp để thuận tiện làm ăn. Người già và trẻ con thường rất hợp tính với nhau, cho nên đôi khi ông bà còn hiểu cháu hơn cả cha mẹ hiểu con. Họ chẳng khác nào cha mẹ thứ hai và luôn luôn có một chỗ trang trọng nằm trong trái tim của những đứa cháu nhỏ.
Đồng cảm cùng tâm trạng đó, tác giả trẻ Thăng Fly đã dùng tình cảm về người ông quá cố của mình để chuyển thể vào bộ tranh có tên gọi “Ông”, nằm trong tác phẩm “Cả nhà thương nhau”. Với nội dung đơn giản, gần gũi nhưng chân thật, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp được hình ảnh ấu thơ của mình trong đó. Và có đôi khi, những giọt nước mắt cảm xúc sẽ phải rơi vì những mảnh ký ức bé nhỏ nhưng ấm áp đến không ngờ mà nhiều người chẳng còn cơ hội để trải qua lần nữa.
Ngày cháu cất tiếng khóc chào đời, nụ cười nở rộ trên gương mặt cha mẹ và ông.
Ông vừa là bạn chơi cùng, vừa là thầy dạy cháu những chữ đầu tiên.
Dù cháu có chưa hiểu chuyện ra sao, ông vẫn bình thản, vui vẻ. Xe hơi sang trọng cũng chẳng bằng chiếc xe đạp cà tàng của ông chở cháu đi khắp phố phường.
Cứ thế, cháu ngày càng cao lớn, ông thì ngày càng yếu đi.
Những lần thót tim khi ông chẳng may nhập viện.
Những chuyện chính trị, chiến tranh, công nghệ cháu quan tâm chẳng thể tìm được điểm chung nơi ông.
Nhưng ông luôn quan tâm cháu bằng những cử chỉ nhỏ nhặt nhưng đầy tình yêu thương.
Hà Nội thời của ông và của cháu chẳng hề giống nhau.
Nhưng ông cháu mình vẫn có thể vui vẻ kỷ niệm đại lễ 1000 năm mà!
Nhưng đời người chẳng ai tránh được sinh - lão - bệnh - tử.
Để rồi mỗi khi nhớ ông, cháu đành ngồi lặng trước ly bia hơi mà ông thích ngày nào, rồi nghĩ về những ký ức tuổi thơ đã trôi vụt qua tầm tay.
Dù ly bia hơi ông gọi dành riêng cho cháu luôn còn đầy sau cuộc vui của hai ông cháu nhưng cháu tin đó là những chầu nhậu mà ông và cả cháu yêu thích nhất trong đời mình.