Trầm cảm và phiền muộn có thể trở nên trầm trọng hơn đặc biệt là với những người thường xuyên bỏ mặc và xem thường triệu chứng tâm lý này. Đây là hiện tượng ngày càng phổ biến có thể gây tác động xấu đến cuộc sống thường nhật, và rất nhiều người vẫn xem nhẹ nó vì cho rằng nó chỉ là thoáng qua. Nếu có vô tình, bạn yêu một người thường xuyên phải chịu đựng trạng thái trầm cảm, buồn bã không rõ lý do, bạn cần phải biết một số lưu ý để có thể xoa dịu người ấy mà không bối rối.
1. Không ai lựa chọn buồn bã nếu họ có một con đường khác để đi
Phiền muộn không phải là thứ mà người ta chỉ đơn giản nói không cảm thấy nghĩa là không cảm thấy. Chẳng có bất kì công tắc nào để bạn bật hay tắt đi những cảm xúc tiêu cực đó cả. Đâu phải mỗi lần bạn thấy không thoải mái thì có thể tự mình thoát khỏi cảm giác buồn bã được. Chẳng ai lại chọn cách khiến mình buồn nếu bản thân họ có thể vui. Trạng thái trầm cảm ập tới rất đột ngột, vào lúc bạn chẳng thể nào ngờ tới để chuẩn bị, và nếu bạn không đủ mạnh mẽ, nó sẽ nuốt chửng lấy bạn trọn vẹn. Vì vậy, đừng bao giờ khuyên người yêu mình “Hãy nhìn vào mặt tích cực của vấn đề đi” và hy vọng họ sẽ có thể làm theo. Họ chỉ đơn giản là không thể thôi.
2. Bạn không thể an ủi sáo rỗng bằng câu “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”
Bạn không thể hiểu được rõ ràng những gì họ đang phải trải qua, hay điều gì sẽ đến ở phía trước. Bản thân họ còn không biết chắc điều đó, cho nên bạn không thể cứ an ủi người mình yêu bằng câu nói đầy mơ hồ đó được. Ai chẳng biết mọi chuyện rồi sẽ qua, quan trọng là họ đang phải chịu đựng rất nhiều cho tới khi cái ngày mà mọi chuyện sẽ ổn đó đến. Đó mới là thời khắc tuyệt vọng nhất. Vì vậy thay vì nói những lời an ủi mà chính bản thân mình cũng không chắc chắn về nó, chỉ cần im lặng ở bên cạnh và cho người ấy biết bạn luôn ở đây bên cạnh người ấy, vậy là đủ.
3. Cho dù bạn muốn giúp họ vượt qua thế nào, thì phản xạ ban đầu của họ sẽ luôn là đẩy bạn ra xa
Những người phải trải qua trạng thái trầm cảm thường xuyên sẽ không muốn bản thân mình gây ảnh hưởng tới người khác, bởi họ sợ mình phiền phức. Họ biết rằng sâu bên trong họ luôn có một nguồn năng lượng tiêu cực tồn tại, và họ không muốn người khác phải chịu tác động từ nó. Đó là lý do tại sao họ sẽ cố gắng tự cô lập bản thân mình hết mức có thể. Họ không muốn trở thành gánh nặng cho người khác. Họ nghĩ tự bản thân mình chịu đựng là quá đủ rồi, không cần người khác phải bận tâm. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng phải tìm một cách khéo léo và nhẹ nhàng nhất để cho người ấy biết có thể bạn không đủ sức kéo người ấy ra khỏi bóng tối, nhưng bạn sẽ luôn sẵn sàng ngồi lại bên cạnh người ấy để không thấy cô đơn.
4. Sẽ rất dễ nản lòng nếu bạn ở bên một người dễ buồn bã phiền muộn, nhưng chuyện đó dễ hiểu mà, nên chẳng sao đâu
Bạn không cần phải chối bỏ sự nản chí của bản thân khi yêu và ở bên một người hay rơi vào trạng thái trầm cảm. Cảm giác nản lòng đó là hoàn toàn dễ hiểu và chấp nhận được, bởi bạn không thể nào hiểu được hết người đối diện mà mình đang hết lòng yêu thương phải trải qua những gì. Bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi, giận dữ hay thất vọng về bản thân mình, hoặc về đối phương. Những gì bạn cần làm chính là tập cho bản thân sự kiên nhẫn và thấu hiểu càng nhiều càng tốt, để từ đó bạn không buông tay người mình yêu quá dễ dàng.
5. Hãy lập nên những quy tắc và giới hạn cho mối quan hệ của hai người
Những người trầm cảm thường cần có nhiều không gian riêng hơn để bản thân họ tự suy nghĩ và vượt qua những lúc khó khăn. Bạn không thể ép buộc họ phải chiều theo bạn và những kỳ vọng riêng của bạn bởi điều đó sẽ làm họ thấy khó xử và có lỗi. Cả hai bạn cần phải nói rõ với nhau về những kỳ vọng cũng như mong muốn của bản thân, rồi từ đó tự đặt ra những giới hạn nhất định mà cả hai đều đồng ý sẽ không vượt qua, cũng như những quy tắc mà cả hai sẽ vì yêu thương và tôn trọng nhau mà không phá bỏ.
6. Nếu người yêu của bạn dễ buồn bã, họ sẽ thuộc tuýp người dễ bị tổn thương và đau lòng
Bạn sẽ luôn phải cẩn trọng và hết sức nhạy cảm mỗi khi nói bất kì điều gì, bởi một câu nói dùng sai từ ngữ thôi cũng sẽ dễ khiến người bạn yêu cảm thấy bị tổn thương. Bạn không bao giờ ngờ được lời nói của mình có thể tác động mạnh mẽ đến thế nào đâu. Có thể thật khó khăn và hơi phiền toái một chút, nhưng nếu bạn thật sự yêu và muốn đi lâu dài cùng người ấy, hãy tập cho mình thói quen diễn đạt thật cẩn trọng để không vô tình tổn thương họ.
7. Hãy nhớ: những gì họ đang chịu đựng không phải do bạn
Việc người ấy đột ngột rơi vào trạng thái buồn bã không rõ lý do hoặc trầm cảm muốn ở một mình sẽ đến rất thường xuyên, và bạn có thể thắc mắc không biết có phải do mình hay không, thì câu trả lời là không. Trước khi bạn bước chân vào cuộc đời họ thì họ đã phải trải qua và chịu đựng những chuyện đó rồi, và thật sự họ không hề muốn để bạn hiểu lầm mình là nguyên nhân đâu. Rất khó để tìm cách ở lại bên cạnh một người dễ trầm cảm, bởi họ luôn cảm thấy bản thân mình phiền phức nên rất khép kín và khó mở lòng yêu thương ai. Hãy nhớ rằng những gì họ chịu đựng chưa bao giờ là vì bạn, nên bạn chỉ cần yêu họ là đủ rồi, đừng thấy có lỗi!
8. Đừng bao giờ tỏ ra hung hãn, ra lệnh, ép buộc
Bạn càng cố gượng ép người đó nói ra những gì đang phải chịu đựng tức là bạn đang gây áp lực thêm cho họ. Bạn không thể yêu họ một cách cực đoan và hung hãn như vậy được. Trái tim của những người trầm cảm rất mềm yếu, họ sẽ thấy thêm ngạt thở nếu bạn gây áp lực lên tinh thần họ. Bạn cần nhiều hơn lòng kiên nhẫn và sự thấu hiểu để có thể yêu một người đang phải hàng ngày chống chọi với những cơn đau tâm lý trong lòng mình.
9. Họ thích được hỏi thăm và được lo lắng cho dù thực sự không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng chia sẻ
Ngay cả khi người ấy không muốn nói nhiều hay chia sẻ gì về nỗi đau mình đang phải chịu đựng cho bạn, thì họ vẫn thích cảm giác bạn quan tâm và hỏi họ có sao không hoặc họ cảm thấy thế nào. Đơn giản thôi, tận sâu trong lòng con người ai mà không thích được yêu thương và quan tâm chứ. Có thể đơn giản là họ chỉ cần nói về điều gì đó ngoài kia, để thấy thoải mái hơn, chứ không nhất thiết phải đào sâu cặn kẽ về vấn đề thật sự trong lòng họ. Hãy để người bạn yêu thấy bạn luôn sẵn sàng cho những cuộc trò chuyện giống như thế.
10. Đừng hiểu lầm, những người dễ trầm cảm không phải là người yếu đuối
Thực ra, những người thường xuyên phải đối mặt với cảm giác đau buồn, mệt mỏi, hay cô đơn, lại mới chính là những người mạnh mẽ nhất mà bạn từng biết. Rất nhiều người ngoài kia không thể chịu nổi áp lực đến từ những căng thẳng tâm lý xảy ra mỗi ngày, cho nên rất hiển nhiên, những ai chịu đựng được nó trong âm thầm lặng lẽ không phải là những người mạnh mẽ nhất sao? Về một mặt nào đó, phiền muộn của con người là thứ sẽ trui rèn khả năng chịu đựng và nâng cao sức mạnh tinh thần tốt nhất, để từ đó người ta sẽ sống kiên cường hơn. Bởi thế, đừng hiểu lầm những người dễ buồn bã là những người yếu đuối. Họ có thể khó yêu và khó chiều chuộng, nhưng họ sẽ không phải dạng người dễ từ bỏ trước khó khăn.