Tình yêu và cơ duyên với biển cả
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin và có một công việc văn phòng ổn định, thế nhưng anh Lê Chiến (37 tuổi) lại cảm thấy nhàm chán và quyết định đi đến những vùng đất mới trên lãnh thổ Việt Nam để lấy lại nguồn cảm hứng.
Từ nhỏ, anh Chiến đã thích tìm hiểu về biển thông qua các quyển sách, chương trình truyền hình. Giờ đây, trong những ngày dành thời gian rong ruổi trên những bờ biển tuyệt đẹp, anh Chiến càng nhận ra mình có tình yêu mãnh liệt với đại dương.
Đến năm 2009, anh quyết định sinh sống tại thành phố Đà Nẵng và theo đuổi công việc nghiên cứu về biển cả. Anh bắt đầu tham gia vào một số tổ chức phi chính phủ trong nước, cộng tác với một số chuyên gia hàng đầu thế giới về rạn san hô và phục hồi môi trường sống ở biển.
Từ những kiến thức có được, anh càng cảm thấy lo ngại về môi trường, hệ sinh thái biển ở nhiều nơi đang bị phá huỷ, xáo trộn nghiêm trọng.
Làm việc ở Đà Nẵng đến khoảng năm 2018, anh đã gặp gỡ những người có chung tình yêu với biển nên đã suy nghĩ đến việc tạo nhóm để gắn bó với biển.
“Tôi gặp các bạn trẻ có tình yêu với biển, muốn gắn bó với biển nhưng họ thiếu nền tảng, kiến thức về biển. Khi ấy, mọi thứ với họ đều mập mờ, không rõ ràng. Họ yêu biển, nhìn thấy môi trường biển bị ảnh hưởng, tàn phá mà không có cách nào để thay đổi.
Khi lập nhóm, mọi người vừa có thể học hỏi nhau, vừa thực hành, nghiên cứu và cống hiến cho biển hữu ích hơn, nên tôi nêu ra ý tưởng thành lập nhóm để cùng nhau gắn bó”, anh Chiến tâm sự.
Ban đầu khi mới thành lập, nhóm chỉ có 8 người, anh Chiến hướng dẫn mọi người từ những kiến thức cơ bản nhất và hành động nhỏ nhất như nhặt rác, cắt lưới ma…
Thời gian đầu, nhóm hoạt động thầm lặng không quá quan trọng quy định, chuyên nghiệp. Cho đến thời gian đáng nhớ nhất là vào tháng 6 năm 2018. Khi ấy, anh Chiến tình cờ nghe được tin báo một con cá heo bị thương trôi dạt vào gần bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng.
Anh Chiến cùng đội cứu hộ lập tức đến để ứng cứu. Nhóm đã cố gắng đưa con cá heo xuống nước và giữ đầu trên mặt nước để cá có thể thở: “Chúng tôi đã cố giữ con cá heo trong tư thế như vậy trong 12 giờ để chờ ứng cứ từ đội cứu hộ chuyên nghiệp và chuyển đi chăm sóc. Chúng tôi đặt tên nó là SaSa, dù mọi người đã cố gắng, tình trạng SaSa cũng được cải thiện nhưng nó đã qua đời sau vài ngày vì bệnh hiểm nghèo”, anh Chiến tâm sự.
Sau lần cứu hộ ấy, anh Chiến và mọi người đã quyết định thành lập “Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SaSa” để kịp thời cứu những sinh vật biển gặp nạn và cải thiện môi trường biển, đặc biệt là các rạn san hô.
“Sau lần cứu chú cá heo đó, các bạn trong nhóm bày tỏ rằng muốn hoạt động chuyên nghiệp hơn, các bạn trong nhóm muốn hoạt động chính thống và nghiêm túc hơn nên tôi đã thành lập ra nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự trang trải kinh phí và lấy tên SaSa”, anh Chiến chia sẻ.
"Biển là cái nôi của sự sống, nhưng đang bị huỷ hoại từng ngày"
Do nhóm hoạt động tự nguyện, tự trang trải kinh phí và mất nhiều thời gian nên các thành viên trong nhóm phải lựa chọn đánh đổi để được gắn bó với biển cả.
“Việc gắn bó với biển gần như là công việc làm toàn bộ thời gian nên các bạn ấy phải chọn từ bỏ nhữn việc khác. Đặc trưng của SaSa là chúng tôi tự trang trải kinh phí của mình nên các bạn ấy sẽ đi làm 6 tháng để có tiền và nghỉ 6 tháng còn lại để gắn bó với biển”, anh Chiến tâm sự.
Nhắc lại những khó khăn trong thời gian đầu hoạt động, anh Chiến cho biết, việc gắn bó với biển, tất cả mọi thứ lúc ban đầu đều là khó khăn do môi trường dưới nước luôn là bí ẩn, mới mẻ.
“Từ con người, kiến thức, văn hoá và chính sách… mọi thứ đều khó khăn trong giai đoạn đầu”, anh Chiến bày tỏ.
Tuy nhiên, mọi người trong nhóm coi khó khăn ấy là động lực để vượt qua, để tiếp tục gắn bó chứ không nản lòng: “Một ngày chúng tôi phải phải đi tám tiếng, nếu vì những mệt mỏi ấy mà có cảm xúc tiêu cực, chán nản, có lẽ chúng tôi đã dừng lại từ lâu lắm rồi. Trong suy nghĩ của chúng tôi khó khăn là để vượt qua chứ không phải bỏ cuộc”, anh Chiến nói.
Ngoài công việc giải cứu sinh vật biển, nhóm cũng tập trung chính vào các rạn san hô, làm sạch rạn san hô dọc theo bãi biển, dưới đáy biển và tái tạo rạn san hô ở một số khu vực nhất định. Các thành viên trong nhóm tìm nhặt các mảnh san hô khỏe mạnh bị vỡ dưới đáy biển sâu, nuôi dưỡng trong các vườn ươm rồi trồng lên các rạn san hô đã chết.
“Nếu mọi người đã từng nhìn thấy một rạn san hô đung đưa dưới đáy biển, có lẽ bạn sẽ thấy đó là một trong những khung cảnh đẹp nhất trên đời. Đó là cả quần thể sinh vật, là một sự sống sôi động. Các rạn san hô là nơi cư trú của hơn 25% các loài sinh vật biển và là hệ sinh thái của 40% các sinh vật dưới nước. Nhưng giờ đây các rạn san hô đang dần mất đi, bị hư hỏng vì chính tác động của biến đổi khí hậu và con người”, anh Chiến tâm sự.
Sau 3 năm hoạt động, giờ đây nhóm đã có trên 30 thành viên trải đều ở nhiều tỉnh thành trong nước. Mọi người vẫn đang hàng ngày, hàng giờ túc trực các cuộc điện thoại, tin báo để giúp đỡ giải cứu những sinh vật biển bị mắc cạn hay mắc kẹt trong những bó lưới ma, túi nilon, rác thải biển… nhóm cũng duy trì việc chính là cải tạo các rạn san hô cùng với đó là thu gom rác thải biển.
“Mong muốn về biển cả thì nhiều lắm nhưng mong muốn lớn nhất của tôi hiện tại là nhận thức của người Việt đối với biển cả cần được nâng cao. Người dân chúng ta gần như không biết nhiều về biển, chính vì vậy dẫn tới sự phá hoại rất khủng khiếp. Biển là cái nôi của sự sống, nhưng đang bị huỷ hoại từng ngày, thiếu sự tôn trọng với biển”, anh Chiến bày tỏ.
Anh cũng duy trì mục tiêu quan trọng nhất của nhóm là hồi sinh các rạn san hô bị hư hại tại bờ biển miền Trung nước ta. Ngoài ra, công việc cứu hộ cứu nạn vẫn được duy trì để khi có người cần, các thành viên trong nhóm sẽ cố gắng đến ứng cứu, bất kể ngày đêm.