Đám tang đẫm nước mắt tiễn biệt thầy Văn Như Cương
0 giờ 27 phút ngày 09/10/2017 có lẽ là một dấu mốc buồn đối với nhiều thế hệ học trò và giáo viên khi PGS. Văn Như Cương đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Dù mắc ung thư gan đã lâu, nhiều lần từng đứng bên miệng vực cái chết nhưng tin thầy ra đi, vẫn khiến hàng triệu người tiếc thương, đau buồn.
Hồi tháng 3 khi thầy bị ốm nặng, gần 4.000 học sinh Lương Thế Vinh đã hát đồng ca mong thầy chóng khỏi bệnh. Ở bệnh viện, xem clip mà thầy khóc từng dòng. Cô Thùy Dương bảo rằng, đó là bài thuốc tinh thần quá to lớn. “Nó giúp bố ngày hôm trước còn không ăn nổi cháo, ngày hôm sau đã tự ngồi dậy, ăn một mình hết cả bát phở“.
Rồi thầy Cương khỏe lại, tự bước chân đến trường trong tràng pháo tay giòn giã của học sinh. 19.000 hạc giấy và bài đồng ca ngày đó đã hoàn thành sứ mệnh, đưa thầy Cương thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng điều ước mà thượng đế ban cho lại chẳng được hào phóng như ông tiên râu bạc vẫn ban cho học sinh Lương Thế Vinh. 19.000 hạc giấy chở điều ước, đã chẳng thể làm đất trời động lòng thêm lần nữa.
Ngày thầy lên đường đi xa, kết thúc chặng đường 80 năm đầy vẻ vang của mình, hàng triệu người cùng tiễn đưa. Có người từng là học sinh của thầy, có người không phải nhưng họ vẫn một lòng ngưỡng mộ, kính trọng vị PGS “có tâm” với sự nghiệp giáo dục. Đưa thầy về cõi vĩnh hằng, người ta tiếc cho một vị nhà giáo đức độ đã mất, tiếc cho nhiều thế hệ học trò, giáo viên đã thiếu đi một người hiệu trưởng tài năng, từng ngày không chỉ dạy học sinh kiến thức mà còn truyền dạy kinh nghiệm sống, cách làm người.
Ở sân nhà tang lễ, hàng nghìn vòng hoa được đưa tới, cựu học sinh mang theo di ảnh, biển tên lớp, niên khóa đến nhìn mặt thầy lần cuối. Riêng các em học sinh Lương Thế Vinh, họ mang theo rất nhiều hạc giấy và một hòm ghi toàn lời chúc phúc cho thầy ở thế giới bên kia. Ở trường học, hàng ngàn cánh hạc trắng vẫn tung bay và ở nhà tang lễ, hàng ngàn cánh hạc ấy vẫn còn bay theo PGS, tiền ông tiên râu tóc bạc về một xứ sở khác.
20/11 năm nay, trường Lương Thế Vinh vắng bóng thầy Cương và cho đến mãi sau này vẫn sẽ là như thế. Nỗi buồn chưa thể nguôi ngoai nhưng rồi chắc chắn, lúc nào đó nó sẽ tạm lắng lại… bởi vì ngôi trường Lương Thế Vinh chính là cuộc đời nối dài của thầy Cương. Cho dù thầy đã đi xa nhưng người ta tin rằng, hình ảnh của ông sẽ vẫn còn sống mãi trong trái tim mọi người.
Sinh viên Hà Nội tiếc thương bác chủ trọ tốt bụng
Không phải là người có sức ảnh hưởng lớn đến học sinh - sinh viên như thầy Văn Như Cương nhưng sự ra đi của bác chủ trọ tốt bụng nhất “vịnh Bắc Bộ” cũng khiến hàng nghìn người buồn lòng, tiếc nuối.
Ở một xóm trọ khoảng 40 căn phòng trong con ngõ 1096 đường Láng (Hà Nội), người ta vẫn kể mãi câu chuyện về bà Nguyễn Thị Đỏ (70 tuổi) - người chủ trọ tốt tính vẫn thường ngày nấu canh cá, muối dưa chua, gọt hoa quả… cho người thuê trọ ăn uống miễn phí.
Những nồi canh cá “huyền thoại” to vật vã, biển thông báo ghi vài dòng chữ viết rõ ràng: “Chú ý, chiều nay (thứ 7) mời tất cả các bạn xuống nhà bác Đỏ lấy canh cá (5h30). Có thể để sẵn xoong ghi số phòng ở bậc cửa sổ nhà bác Đỏ nếu đi về muộn“… có lẽ là những kỉ niệm mà chẳng một sinh viên nào từng sống với bác Đỏ quên nổi.
Ngoài vai trò bà chủ quán xuyến việc quản lý dãy trọ, bác Đỏ còn thương sinh viên như con cháu. Thi thoảng bác phạt mọi người tiền đổ rác, phơi đồ bừa bãi nhưng rồi lại bù đắp bằng tiệc liên hoan hoa quả cho cả xóm trọ. Mỗi lần nấu món gì, bác cũng nhớ tới sinh viên. Có hôm nghe đài báo mưa bão, bác chủ lại đi chợ mua dưa cà về muối cho cả khu trọ ăn.
Không những thế, bác Đỏ còn thường xuyên giúp đỡ sinh viên gặp khó khăn. Ai chưa kịp đóng tiền trọ, bác đều cho khất, nếu khó khăn quá, thậm chí bác còn giúp đỡ. Đối với nhiều sinh viên Hà Nội, bác chủ trọ ấy cũng chẳng khác nào bà tiên tốt bụng, luôn hiện lên và giúp đỡ họ mỗi lúc gặp khó khăn.
Đáng tiếc là bác Đỏ đã không còn. Người ta vẫn thường nói, bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của bạn, nó đều có một lý do nhất định. Bạn gặp một người là vì duyên và khi họ ra đi cũng là lúc họ đã làm tròn sứ mệnh của mình đối với cuộc đời bạn. Chỉ có điều, ngẫm nghĩ làm sao, sinh viên Hà Nội vẫn không hiểu, vì sao người tốt bụng như bác Đỏ lại ra đi quá sớm, trong khi ở nơi này, trong xóm trọ nghèo của sinh viên, hàng trăm người vẫn từng ngày chờ bác về nấu canh cá, muối dưa chua, yêu thương họ như con cháu trong nhà.
Dòng người xếp hàng chai tay Viện trưởng, thầy Hiệu trưởng nghỉ hưu
Hồi tháng 10, dư luận cả nước từng xôn xao vì 2 câu chuyện nghỉ hưu khiến đồng nghiệp, học sinh buồn bã, tiếc nuối đến nỗi xếp hàng dài, khóc nức nở trong giờ phút chia tay.
Câu chuyện đầu tiên là của GS. Nguyễn Anh Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - một người từng được biết đến như người hùng trong lĩnh vực huyết học. Từ 1/10/2017, ông chính thức nghỉ hưu, chia tay 30 năm công tác trong ngành Y tế.
Khi biết tin GS. Nguyễn Anh Trí về hưu, rất nhiều người tỏ ra lưu luyến và nuối tiếc. Ở bệnh viện, hàng trăm người cùng xếp hàng, bắt tay, ôm vị Viện trưởng và nói lời chia tay đầy xúc động. Khoảnh khắc ấy đã khiến họ không cầm nổi nước mắt. Nhiều y tá, bác sĩ, hộ lý… đã bật khóc nức nở.
Ngoài tình cảm của đồng nghiệp, lúc nghỉ hưu, GS Anh Trí cũng khiến hàng nghìn bệnh nhân tiếc nuối. Ở sân bệnh viện, họ vây quanh ông, cùng nói lời chia tay và chúc phúc cho vị Viện trưởng sau khi về hưu. Những bức ảnh GS đứng ở trung tâm, tay giơ tay cao theo hiệu lệnh đồng lòng quyết tâm cùng bệnh nhân lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội và để lại cho nhiều người sự xúc động khó quên. Ai cũng thầm nghĩ rằng, 30 năm trong nghề, hẳn GS. Anh Trí đã làm việc cực tâm huyết cho nên lúc rời đi, ông mới để lại nhiều sự tiếc nuối đến như thế.
Chia tay nơi mình từng gắn bó sâu sắc, GS. Anh Trí cũng không tránh khỏi cảm xúc lưu luyến. Ông viết trên trang cá nhân rằng: “Tôi yêu tập thể này! Họ là những đồng nghiệp, là đồng chí, là học trò, là nhân viên… và họ cũng là những người tôi rất đỗi thân thương và yêu quý! Bệnh nhân nữa, những người đã đưa lại cho tôi niềm đam mê trong công việc, những thành công, thành tựu trong cuộc đời tôi - đứng chờ tôi để được bắt tay, để nói lời cảm ơn và còn để ôm tôi mà khóc! Tôi thương họ lắm!”… Chỉ là đôi dòng ngắn gọn thôi nhưng cũng đủ giúp người ta hình dung về vị bác sĩ cả đời, tận tâm vì nghề nghiệp mà mình cố gắng theo đuổi vì đam mê.
Tiếp sau câu chuyện của GS. Anh Trí, việc hàng trăm học sinh THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) tập trung ở sân trường để chia tay hiệu trưởng Nguyễn Trọng Khánh trước khi chuyển công tác cũng từng khiến hàng triệu người xôn xao. Cảm xúc dường như vỡ òa khi tất cả vây quanh “vị thuyền trưởng của Hoa Lư A”, cùng vỗ tay và hát vang “Nối vòng tay lớn”. Kết thúc bài hát, học trò ùa vào ôm thầy nói lời tạm biệt. Nhiều em không kìm được nước mắt. Trong vòng vây học trò, thầy Khánh mỉm cười hạnh phúc.
Chỉ định xin thầy cô 10 phút của tiết học để nói lời chia tay, thầy hiệu trưởng không ngờ nhận được nhiều tình cảm của học sinh và giáo viên. Chia sẻ về vai trò của mình trong gần 10 năm công tác tại trường THPT Hoa Lư A, thầy Khánh cho biết, hiệu trưởng là người không thể gần gũi như giáo viên dạy các em nên chính thầy cũng không hiểu tại sao học sinh và giáo viên lại dành nhiều tình cảm cho mình như vậy?
Kết thúc hai nhiệm kỳ ở trường THPT Hoa Lư A, thầy được điều động về làm hiệu trưởng tại trường THPT Gia Viễn B. “Đối với tôi, làm quản lý cần xem nhân đức là cốt lõi, nhân trị hơn pháp trị“, thầy Khánh từng chia sẻ. Dù tự nhận mình là người nghiêm khắc nhưng có lẽ, chính vì sự tận tâm với công việc đã khiến thầy được nhiều người yêu mến.
Có một câu nói của ai đó rất hay rằng: “Khi bạn rời chỗ làm, điều tốt đẹp nhất không phải là lời chúc phúc hay sự hỏi han từ sếp hoặc đồng nghiệp mà là câu nói ghi nhận những điều bạn đã cống hiến, là lời mời mọc một ngày nào đó, nơi bạn rời đi vẫn sẽ dang rộng đôi tay đón bạn trở lại”. Mỗi chúng ta, khi còn sống và gắn bó với nơi nào đó, hãy làm việc nhiệt tình và sống tròn trách nhiệm để khi rời đi, chúng ta không phải là người duy nhất tiếc nuối tiếc mà có hàng trăm, hàng nghìn người cùng chung, cùng hiểu thấu xúc cảm đó.
Và suy rộng ra trong cuộc đời này cũng thế. Trước khi đòi hỏi, hãy biết cho đi. Hãy sống như thầy Cương, như bác chủ trọ - dù là cuộc đời gắn với ước mơ lớn lao hay những việc bình dị, họ đã luôn sống hết mình để khi ra đi, họ thanh thản còn chúng ta ở lại, mang theo bao sự tiếc nuối, nhớ thương.