Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Những con ngõ nhỏ của Hà Nội: Nét đặc trưng riêng của mảnh đất Kinh Kỳ

Hà Nội - thủ đô nghìn năm văn hiến - luôn được biết tới với nhiều nét đặc trưng, một trong số đó là những con ngõ nhỏ nhưng mang đậm dấu ấn của thủ đô thân yêu, nơi mà chỉ cần nhắc tới thôi người ta cũng sẽ nhớ ngay về một Hà Nội đẹp giản dị và rất đỗi thân thương.

Năm năm trước, Hà Nội đón tôi bằng cơn mưa xối xả vào một ngày hè tháng 6. Trước đây, khi vẫn còn là một cô bé sống ở quê, Hà Nội trong tôi là một thành phố xa hoa với những con đường đèn điện sáng trưng, khu vui chơi mua sắm sầm uất hay những ngôi nhà cao chọc trời mang hơi thở của hiện đại.

Nhưng giờ đây, tôi lo sợ và chạy trốn cái sự hiện đại, nhịp sống nhanh của thành phố này. Tôi tìm tới những con ngõ nhỏ giản dị mà bình yên để cho mình một góc trốn. Mặc dù ở ngoài kia xã hội có thể đã thay đổi, con người cũng đã đổi thay thì sau bao năm, những con ngõ nhỏ nơi đây vẫn vậy, vẫn là sự mộc mạc như nó vốn có, vẫn là hơi thở của “một Hà Nội nhỏ bên trong một Hà Nội to”.

Những con ngõ nhỏ mang nét đặc trưng riêng của Hà Nội.

“Hanoi” của ngõ 47A Lý Quốc Sư.

Tôi biết tới ngõ 47A Lý Quốc Sư từ những ngày đầu tới Hà Nội. Đây là một trong những con ngõ nổi tiếng nhất của giới trẻ Hà Thành lúc bấy giờ, hay bây giờ vẫn vậy. Nằm cạnh nhà thờ lớn Hà Nội, phố Lý Quốc Sư lúc nào cũng tấp nập còi xe, tiếng người qua lại. Tưởng rằng sẽ chẳng tìm thấy nổi một chút không gian yên tĩnh giữa con phố náo nhiệt này. Nhưng không, ngõ 47A trở thành một điểm “trốn” lí tưởng cho những người muốn sống chậm lại giữa bộn bề ngoài kia.

Ngõ 47A của phố Lý Quốc Sư là một trong những ngõ nổi tiếng nhất đất Hà Thành.

Ngõ nhỏ chỉ đủ cho hai người đi bộ ngang nhau, đôi khi để “giao thông” được suôn sẻ, người này phải nhường người kia, xe này vào rồi thì xe kia mới đi ra được. Người dân sống ở đây còn nói đùa với nhau rằng: ” Sống trong ngõ bé tí này mới thấy thấm câu “Hà Nội không vội được đâu”. Ngõ không dài nhưng cũng là nơi sinh sống của nhiều hộ dân, qua bao thế hệ họ vẫn lựa chọn ở lại nơi đây, có lẽ sự hoài cổ của một Hà Nội những năm 70 của thế kỉ trước vẫn còn đâu đó và họ có trách nhiệm giữ gìn những điều quý giá không thể đặt tên này.

Nằm trên phố đông người qua lại, người đang sinh sống ở Hà Nội, những người con xa xứ trở về đất mẹ hay đón chào cả khách nước ngoài ghé thăm, đây như là sự gặp gỡ giữa hiện tại và quá khứ trên mảnh đất nghìn năm văn hiến cổ kính. Một phần lí do để ngõ này nổi tiếng không thể không kể đến dòng chữ “Hanoi” màu xanh lam nổi bật trên bức tường màu xám, được biết, dòng chữ này là của một cửa hàng cà phê nằm ngay đối diện Nhà Thờ. Không biết từ bao giờ, nơi đây trở thành địa điểm check - in nổi tếng của giới trẻ.

Cánh cổng lối lên quán cà phê cũng có một dòng chữ “Hanoi” được in nổi bật.

Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên tới ngõ 47A Lý Quốc Sư, đó là một ngày mùa thu rất đẹp. Tôi ấn tượng mạnh ngay khi nhìn thấy, con ngõ bình yên đến lạ khi nằm giữa phố thị đông đúc, cuồng quay của một xã hội đang cố chạy thật nhanh ngoài kia cũng chẳng thể làm cho nơi đây đánh mất mình. Đi sâu vào bên trong, từng cánh cửa nhà san sát nhau, ít ai ngờ trong con ngõ bé xíu này, lại có những người chấp nhận sống chung với bóng tối, với sự bất tiện này. Không quá lời khi nói rằng sau khi đến đây, tôi đã đem lòng yêu những con ngõ ngách nhỏ của Hà Nội đến vậy.

Có lẽ do ngõ nhỏ, khách kéo tới đây để check in với dòng chữ “Hanoi” nổi tiếng ngày một nhiều, cùng với tiếng ồn ào, tiếng còi xe khiến cho nơi này không còn sự bình yên như vốn dĩ của nó, cuộc sống sinh hoạt của người dân sinh sống ở đây bị đảo lộn nhiều, nên mới đây dòng chữ “Hanoi” đã biến mất hoàn toàn dưới lớp sơn màu xám đè lên. Bức tường nổi tiếng ngày nào giờ đây mãi mãi chỉ còn sống trong kí ức của mỗi chúng ta mà thôi.

Bức tường “Hanoi” đã mãi mãi biến mất dưới lớp sơn màu xám kia.

Nuối tiếc có, đau lòng có bởi từ nay giới trẻ mất đi một địa điểm “sống ảo” quen thuộc, “Hanoi” mất một góc nhỏ mang đậm dấu ấn của Hà Nội, nhưng có lẽ đây là một quyết định đúng. Khi mà ta chẳng thể giữ nó vẹn nguyên bởi thú vui của mình thì hãy trả lại cho nó sự bình yên, giản dị như nó đã từng có. Những kỉ niệm về một bức tường đi cùng năm tháng kia hãy mỉm cười cất giấu lại, vì đôi khi hạnh phúc là nhớ về những điều tuyệt đẹp dù bây giờ nó đã trở thành hồi ức chẳng bao giờ có thể trở lại được nữa.

Dù thế nào, khi ai đó nhắc tới những con ngõ nhỏ nổi tiếng tại Hà Nội, sẽ thật là thiếu sót nếu như bỏ qua ngõ 47A Lý Quốc Sư.

An yên một chiều với ngõ 184 Quán Thánh.

- Em có muốn đi trốn với anh không?

- Đi đâu ạ?

- Một nơi mà những ngổn ngang, bộn bề của cuộc sống sẽ dừng lại, nơi mà em sẽ tìm thấy được sự an yên trong lòng. Tin anh đi!

Tôi biết tới ngõ 184 Quán Thánh một cách tình cờ như thế, nhưng chẳng biết từ bao giờ nơi đây trở thành địa đểm “đi trốn” một Hà Nội đầy bụi bặm và mệt mỏi. Ngồi một góc bên cạnh giàn hoa giấy, thưởng thức một cốc cà phê thơm mùi sữa, nghe những bản nhạc Trịnh qua chiếc tai nghe, thời gian như lắng đọng lại ngay giây phút này. Đôi khi, con người ta chỉ cần cái sự an yên, tĩnh mịch ấy giữa bộn bề cuộc sống này.

Như bao ngõ khác của Hà Nội, 184 Quán Thánh cũng vô cùng giản dị, gần gũi.

Ngõ ở đây không quá dài nhưng khung cảnh thì vô cùng nên thơ. Quán cà phê mang hương vị Đà Lạt là nét đặc biệt nhất của nơi đây. Như một thói quen, người ta tìm tới đây vì nhớ hương vị ngọt ngào của mùi sữa pha lẫn với mùi hạt cà phê thơm phức, ngồi dưới những giàn cây xanh ngắt, cùng nhau nói chuyện như ngày xưa ấy, cái thời mà chưa có 3G, cái thời mà nhìn vào mắt nhau ta thấy cả một bầu trời.

Đây vẫn là nơi sinh sống của người dân nên đôi khi ngồi ở trong ngõ, ta vẫn bắt gặp được xe cộ đi lại. Nhưng điều đó chẳng làm nên sự khó chịu vì dù thế nào đi chăng nữa thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, vậy thôi.

184 Quán Thánh vào một chiều tháng 4.

Nếu ai đó hỏi tôi điều gì khiến tôi yêu Hà Nội đến vậy, thì chắc chắn câu trả lời là bởi vì Hà Nội luôn có những nơi, có những khoảnh khắc khiến tôi hoài thương. Dù sau này có phải rời đi, có phải nhớ về Hà Nội từ một đất nước xa lạ, thì chỉ cần một mùi hương nào đó, một kỉ niệm nào đó cũng đủ để tôi nhớ về cả một khoảng trời thanh xuân nơi đây, nhớ về những ngày tháng bất lực giữa lòng thủ đô mà trốn vào ngõ 184 Qúan Thánh này.

“- Sao anh lại thích nơi này đến vậy?

- Vì có những ngày anh chỉ muốn được Yên, và vì có em..”

Nơi đây là một địa điểm nhiều người lựa chọn để gặp gỡ bạn bè vì sự bình yên, không ồn ào.

Ngõ Tạm Thương - Gợi nhớ về một quá khứ xưa.

Nằm giữa phố Hàng Bông (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) náo nhiệt, con ngõ nhỏ mang tên Tạm Thương nổi danh với sự tích truyền miệng về chuyện tình của mấy người lính trạm xa nhà cùng những cô gái hay… thương người. Đây là câu nói được người dân đang sinh sống ở đây nhắc đến nhiều nhất mỗi khi được ai đó hỏi đến cuộc sống của người dân Tạm Thương ngày xưa. Nhưng vì sao lại có câu nói này thì hầu như chẳng mấy ai còn có thể nhớ để giải thích chính xác được.

Trong một lần ghé thăm đền thờ Nguyên Phi Ỷ ở đây, tôi được một bác trai, khoảng hơn 60 tuổi kể cho nghe lí do mà người ta cứ nói rằng “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương”:

“Thật ra người ta nói “trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương” để chỉ đặc điểm của người dân trong ngõ này. Họ nói rằng người dân ở đây ghê gớm, đanh đá lắm, nhưng nào có phải vậy đâu, nghe mà thấy oan uổng. Ngày xưa, ở thời nhà Lý, ngõ Tạm Thương có một kho chứa thóc thuế. Người dân ở đây, con trai thì được tuyển làm lính gác trông kho, con gái thì làm nghề buôn thóc. Dân làng khác khi đến nộp thóc nghĩ rằng kho thóc đặt ở đây thì dân sẽ được lợi nhiều hơn, sẽ bớt xén phần của người khác để dành cho mình. Vì vậy nên họ ghét rồi có câu ngạn ngữ kia thôi.”

Hiện nay, sau rất nhiều năm tháng đã trôi qua, ngõ Tạm Thương không còn giữ được vẹn nguyên vẻ truyền thống ngày xưa nữa, nhưng vẫn giữ riêng cho mình những nét hoài cổ đặc sắc như: những chiếc giếng cổ hàng trăm năm tuổi, ngôi đền Yên Thái - nơi thờ Nguyên phi Ỷ Lan hay truyền thống treo cờ cổ truyền của người dân.

Ngõ Tạm Thương ngày nay đã có sự đổi thay nhưng đâu đó vẫn giữ được nét hoài cổ trong mình.

Từng mớ dây điện chồng chéo, hộp điện mắc nối từ ngoài lề đường,… tất cả là dấu hiệu của sự hoài cổ mà bao năm nay vẫn là đặc trưng riêng của nơi đây. Con ngõ chỉ kéo dài chừng 800m, nhưng ở đây như một thế giới thu nhỏ, có tất cả mọi thứ để phục vụ cuộc sống thường ngày của người dân.

Ngõ Tạm Thương bây giờ đã có nhiều đổi khác với những căn nhà cao tầng, khang trang mọc san sát nhau, các cửa hàng buôn bán với đầy đủ các loại hàng hóa và đặc biệt nổi tiếng là món nem rán thơm ngon, béo ngậy nổi tiếng với dân sành ăn ở Hà Thành. Từ khoảng 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm, Tạm Thương được biết đến như một “điểm nhậu” nổi tiếng với những món ăn vặt nổi tiếng với thâm niên hàng chục năm gắn bó với biết bao thế hệ người dân Hà Nội.

Không còn sự yên ắng như những con ngõ khác, mà thay đó vào đó là sự nhộn nhịp nhưng mọi thứ trong ngõ như đọng lại với thời gian bởi người dân Tạm Thương bao đời nay vẫn vậy, vẫn giữ cho mình sự lịch thiệp, bình dị của người Hà Nội xưa, khác xa với những xô bồ, ồn ào của phố xá tấp nập ngoài kia.

Một góc ngõ Tạm Thương của hiện tại.

Để nói về những con ngõ ở Hà Nội thì chắc chẳng bao giờ hết được, người ta nhớ về Hà Nội bởi những điều giản dị, thân quen ở từng con ngõ, góc phố. Bởi ngõ, ngách nào ở đây cũng chứa một câu chuyện của riêng mình. Ngõ nhỏ Hà Nội có chật hẹp, nhỏ bé và đôi khi gây khó khăn trong sinh hoạt nhưng luôn mang đậm những nét đặc trưng mà chỉ riêng mảnh đất Kinh Kỳ này mới thể hiện một cách sâu sắc. Những con ngõ lưu giữ, tồn tại nhịp sống văn hóa của người dân, mà có lẽ chẳng thể nào thay đổi, phá bỏ và chìm vào quên lãng.

“Nơi tôi sinh Hà Nội.

Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy.

Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó.

Đêm lặng nghe trong gió

Tiếng sông Hồng thở than”.

(Hà Nội và tôi - Lê Vinh)

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Diệu Thùy

Được quan tâm

Tin mới nhất