Giữa trưa nắng chang chang, bên hông chợ Tân Định (Q.3, TP. HCM), hai kẻ trộm rình mò. Chỉ kịp thấy sơ hở, hai tên liền xông thẳng vào nhà giựt ngang hông cái túi đựng sim card điện thoại. Ông lão rượt theo, chỉ vừa la lên vài tiếng, tụi cướp đã phóng xe chạy mất hút. Vậy mà, mấy bác xe ôm dựng xe cạnh chợ kịp thấy liền đuổi theo, chặn xe rồi bắt sống. Bữa đó, ông già ở cạnh chợ mừng lắm, cảm ơn rối rít.
Cứ thế, hơn 10 năm nay, dân Sài Gòn dần dà quen thuộc với những hiệp sĩ xe ôm đường phố như vậy.
Những bác xe ôm “bao đồng” hơn 10 năm bắt cướp ở Sài Gòn
Thành lập năm 2007, hiệp đoàn xe ôm phường Tân Định (Q.3, TP. HCM) đã có tuổi thọ hơn 10 năm. Ngót nghét từng ấy thời gian, những bác xe ôm đường phố đã tích cực phối hợp với lực lượng phòng chống tội phạm cho trung tâm thành phố. Dù hiệp đoàn chỉ có 5-6 người và đều là bác xe ôm đã ngoài 50, thế nhưng họ cũng đã lo cái chuyện bao đồng ấy hơn 10 năm có lẻ.
Nhớ về ngày xưa, bác Phát (61 tuổi) kể: “Thời trước, chợ Tân Định trộm cướp khét tiếng lắm, công an mới nêu chỉ thị là triệt tiêu để bảo vệ người dân. Nghe đó nên xe ôm hoạt động cạnh nhau cứ sát cánh giúp đỡ, thành lập hiệp đoàn để làm việc cho đến tận giờ”.
Bằng cái duyên đơn giản như vậy, mấy bác sát cánh nhau, xem nhau như là gia đình. Sáng, cả hiệp đoàn cùng tập hợp, rồi chia nhau lần lượt đi tuần tra, mỗi ngày có 3-4 ca riêng lẻ. Ai cũng lo chạy xe kiếm sống, chứ chỉ cần phát hiện ra đối tượng tình nghi thì cả đoàn lại liên kết “phá án”. Nhờ hiểu rõ nhau nên hiệp đoàn luôn luôn phối hợp ăn ý, nhiều trận bắt sống các đối tượng.
Hơn 10 năm, chú Dũng (53 tuổi) không đếm xuể đã có bao nhiêu lần bắt sống cướp. Nhà ở tận Hóc Môn, sáng sáng, chú lại chạy con xe cũ cà tàng xuống tận thành phố đi tuần tra. Thành thói quen, ra đường chú lại tinh mắt để ý. Và chỉ cần nghi ngờ đối tượng nào là chú lại chuẩn bị sẵn sàng lên ga rượt đuổi.
“Có đợt xuống tận Phú Nhuận, chú phát hiện ra 10 thanh niên giàn cảnh té xe để móc điện thoại của cô sinh viên. Máu nghề nổi lên, còn đang chở bà khách mà chú vẫn cố truy đuổi và bắt cho bằng được.” - chú Dũng kể. “Hay lần khác, bắt tại trận tên cướp chợ Tân Định, chú Dũng ra sức đá xe của nó thì bị đối tượng sau tấn công ngược. Trận đó, chú gãy xương bả vai”.
Bắt cướp thì gặp đủ tai nạn như thế, có khi là té xe, gãy xương, chảy máu… Cũng vì vậy, gia đình nhiều lần ngăn cản lắm. Nhưng vì đam mê, thấy sự bất bình lại không chịu được nên mấy bác vẫn cứ tiếp tục hành nghề. Dần dà vợ con cũng hiểu và chấp nhận. “Có hôm trở về nhà máu me dính đầy người mà vợ chỉ biết lắc đầu thôi. Quen quá rồi nên ngầm hiểu cho mình…” - chú Dũng tủm tỉm.
Lắm lúc, người ta cũng bảo: Là những ông già chuyên lo chuyện bao đồng, làm việc công mà chẳng được đền đáp gì. Thế mà, mấy bác vẫn bảo vui lắm. Vì làm việc tốt, mấy bác lại góp mình bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân thành phố. Ấy vậy, dân Sài Gòn dần quen thuộc với hiệp đoàn xe ôm chợ Tân Định, thương mến những lão già ngoài 50 mà vẫn còn sức trẻ là vậy.
“Nếu là Nam trong tình huống đó thì chú cũng hy sinh thôi. Vì bắt cướp đã ăn trong máu rồi!”
Những ngày gần đây, ai nấy cũng xót xa khi nghe tin 2 vị hiệp sĩ đường phố Sài Gòn hy sinh trong vụ bắt cướp. Chú Dũng kể, ở chợ họ cũng nói nhiều lắm, cả nhà lo lắng bảo ra đường phải cẩn thận vì cướp giật giờ manh động quá.
Anh Nguyễn Hoàng Nam ra đi ở tuổi 29 khi đã có dự định cưới vợ vào cuối năm. Giờ đây, ở cái xóm nhỏ nơi anh sống, người ta vẫn chưa hết đau buồn. Ai nghĩ là thằng Nam sáng sáng còn đẩy xe bắp phụ má, thằng Nam chạy xe ôm hay mơ mộng được làm đặc nhiệm,… lại mất vì sự hy sinh bảo vệ bình yên cho thành phố.
Ở Sài Gòn này, người làm việc vì lợi ích lớn như anh Nam không hề ít. Nào là SOS Sài Gòn, hay như chú Dũng, bác Phát có tận 10 năm bắt cướp… “Ngày xưa, hợp tác bắt nhiều vụ cướp với nhau rồi đấy. Ai ngờ, Nam nó trẻ lại đi trước.” - bác Phát nhớ lại.
Nghe tin, nhiều xe ôm ở hiệp đoàn cũng buồn lắm. Nhưng, mấy bác cũng chắc nịch: “Nếu là Nam, tôi cũng hy sinh. Vì bắp cướp đã ăn trong máu của những người như chú rồi nên dù gì cũng sẽ làm đến hết sức mình…”. Với họ, cái niềm vui trong nghề “bao đồng” này là chỉ cần thấy người dân được sống yên bình, khi tìm được lại một món đồ cho ai đó, rồi nhận một cái gật đầu cảm ơn. Dù ai nấy đã ngoài 50, nhưng nói nghỉ nghề, mấy bác xe ôm chỉ tặc lưỡi cười trừ: Chừng nào đi hổng được nữa rồi nghỉ.
Để rồi ẩn sau sự lầm lũi của cuốc xe ôm mưu sinh, họ là hiệp sĩ đường phố và cả đời làm việc cho sự bình yên thành phố mà chẳng may mảy suy nghĩ cần được đền đáp gì.
Thế mới thấy, mấy bác xe ôm không giàu có gì, cũng là dân tứ phương đổ về Sài Gòn, ở nhà trọ và sống dựa vào số tiền từ những cuốc xe ôm… Nhưng mấy bác có một thứ giàu hơn: Là tấm lòng thơm thảo hết lòng vì Sài Gòn này như vậy thôi!