Tại hội thảo quốc tế ngày 16/8 bàn về vấn đề trùng tu Chùa Cầu, UBND tỉnh Quảng Nam và giới chuyên môn đã thống nhất phương án tu bổ Chùa Cầu theo phương án hạ giải (tức tháo dỡ toàn bộ để sửa chữa).
Bên cạnh những ý kiến đồng tình bởi tu bổ là việc cần thiết trước sự xuống cấp ngày một trầm trọng của công trình này, mối lo ngại cũng dấy lên khá mạnh mẽ từ phía cộng đồng. Bởi nếu không cẩn trọng trong quá trình tu bổ sẽ rất dễ làm đánh mất sự nguyên bản của di tích. Hay nói theo cách của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, cũng là người có công lớn trong việc giữ gìn linh hồn của phố cổ là “Chùa Cầu rất dễ biến thành di tích… 1 tuổi”.
Hơn 4 thế kỷ kể từ thời điểm được những thương nhân Nhật Bản xây dựng nên, trải qua bao mưa nắng thăng trầm, Chùa Cầu đã là nơi chứng kiến bao nhiêu thịnh suy, thăng trầm gắn liền với mảnh đất Hội An. Từ khi nơi này còn là một thương cảng sầm uất với tên gọi Faifo cho đến lúc chỉ còn là một thị xã nhỏ dung dưỡng những kiếp sống yên bình giữa rêu phong cổ kính rồi trở thành địa danh du lịch sầm uất nổi tiếng của Việt Nam. Những người dân phố Hội, ai là chưa một lần bước qua cây cầu này, ai là chưa một lần dừng là bên lan can gỗ của cây cầu đã xám màu thời gian để nhìn ngắm dòng sông Hoài êm ả phía dưới kia. Đối với những du khách đến rồi đi, Chùa Cầu có thể chỉ đơn giản là một địa điểm tham quan, nhưng đối với người Hội An, Chùa Cầu chính là một phần cuộc sống, và cả một phần ký ức của họ. Những người còn ở lại trong lòng phố hay cả những người đã ra đi.
Hãy cùng nhìn ngắm lại những khoảnh khắc bình yên trong đời sống thường nhật của người dân Hội An xung quanh công trình đặc biệt này.