Đêm của những giọt nước mắt
Hơn 4 tháng dịch bệnh, chúng tôi không nhớ được hết mình đã gặp bao nhiêu con người, lắng nghe bao nhiêu câu chuyện, và chứng kiến bao nhiêu giọt nước mắt.
Có một lần, khi câu chuyện đang liền mạch, người đàn ông bất giác chỉ vào khoảng trống trong nhà và nói: "Hồi xưa, vợ tôi hay nằm ngủ ở đây. Khi cô ấy mắc Covid-19 và qua đời, tôi vẫn chưa kịp nói lời nào".
Ông nấc lên thành tiếng, để lại một khoảng lặng dài trong cuộc chuyện trò. Cả người hỏi, và người được hỏi đều không biết nói gì. Tôi hiểu được người đôi diện mình đang có một trái tim đầy thương tổn.
Nó khiến ông có thể bật khóc bất kì lúc nào khi nhắc nhớ đến vợ. Bà ra đi để lại khoảng sân nhà trống trải, bếp núc nguội lạnh, hàng hiên còn những bộ quần áo chưa phơi.
Vậy đó, người sống và người chết chỉ cách nhau một hơi thở. Và Covid-19 làm người ta mất nhau trong sự đơn độc đến tận cùng.
Đêm mà tôi gặp K., một em bé có bố làm tổ trưởng dân phố qua đời vì Covid-19, tôi đã không ngủ được. Em chưa bao giờ khóc trước mặt tôi. Em còn quá nhỏ để thấu cảm được nỗi đớn đau nhất của một người con.
Nhưng tôi sợ làm em vụn vỡ khi nhắc về bố. Người đàn ông có dáng dấp cao lớn, khỏe mạnh, cường tráng nhưng lại bị con virus kia làm cho gục ngã. Ông ra đi trong một buổi chiều.
Em thường nằm dưới bàn thờ của bố để ngủ, để chơi. Em nói với mẹ rằng rất nhớ bố. Những lúc như thế, mẹ em chỉ biết chết lặng, nước mắt bà ràn rụa.
TP.HCM có hơn 17.000 người mất vì Covid-19. 17.000 người là một con số, nhưng nó còn tượng trưng cho 17.000 cuộc đời, 17.000 gia đình và 17.000 nỗi đau không thể diễn tả thành lời.
Trong đêm 19/11, khi những dòng hoa đăng được thả xuống dòng sông trước chùa Pháp Hoa (quận 3), tôi thấy cả những giọt nước mắt rơi.
"Con nhớ bố rất nhiều"
"Cầu mong em bình an nơi thế giới khác"
"Không còn đớn đau gì nữa, mẹ của con ơi, đi thanh thản..."
....
Đêm 19/11 là một đêm tưởng niệm đầy cảm xúc và nước mắt.
Dành cho người đã đi và người ở lại
Một vị bác sĩ đã từng nói với chúng tôi rằng: "Covid-19 rất khủng khiếp, nó làm người ta ra đi trong sự cô đơn". Không người thân, không bạn bè, không cái ôm hay nụ hôn tiễn biệt nào xuất hiện.
Đêm trước khi rời khỏi Sài Gòn, một chị bác sĩ chi viện cho miền Nam đã nhờ bạn mình chở đi khắp Sài Gòn. Đối với chị, những tháng ngày chống dịch ở đây bên cạnh sự nỗ lực, còn ghi dấu những niềm đau, nước mắt của những người ra đi.
Người ra đi không còn đớn đau. Nhưng người ở lại mang đầy ký ức ám ảnh. Vợ mất chồng, chị mất em, con mất mẹ, cháu mất bà... Nó là những nỗi đau không tả được thành lời. Để khi về đến Hà Nội, trong giấc mơ của chị vẫn còn đau đáu những kí ức đó. Nó nhắc nhớ chúng ta về một giai đoạn đau thương của thành phố.
Cũng trong đêm 19/11, có một ngõ hẻm tại Sài Gòn đã tắt hết bóng đèn điện, chỉ còn ánh nến lấp lánh dưới mỗi ngôi nhà. Con hẻm này đã từng có rất nhiều người ra đi vì Covid-19.
Bà con lối xóm quyết định mang nến sắp thành hàng dài trước ngôi nhà để tưởng nhớ những người đã khuất. Trong những phút giây đó, họ lặng im để nhớ về người đã khuất.
Cụ bà đó đã từng vẫy tay và cười rất tươi, người đàn ông đó là người rất tốt bụng, chị phụ nữ kia lại là một người mẹ tuyệt vời... Họ, đã vĩnh viễn nằm lại.
Những bữa cơm thiếu mất vài thành viên, những đứa trẻ ngơ ngác mồ côi sau đại dịch... Đó là những nỗi đau sâu hoắm, đầy thương tổn phía sau cơn đại dịch.
Đêm qua, chúng tôi cũng đã bật khóc...
Xin tưởng niệm 23.400 đồng bào đã ra đi vì dịch Covid-19!