Ba ngày vừa qua số mắc mới chung của cả nước đã tăng nhanh hàng ngày, trong đó ngày 8-2 cả nước 21.900 ca, 9-2 là 23.956 ca, 10-2 lên tới 26.032 ca.
Trong số này có hàng loạt tỉnh thành có số mắc trên 1.000 ca mới trong ngày 10-2, như Hà Nội 2.887, Nghệ An 1.749, Hải Phòng 1.366, Hải Dương 1.329, Bắc Ninh 1.079, Hoà Bình 1.073.
Các địa phương nhiều khu công nghiệp như Bắc Giang, Thái Nguyên cũng có số mắc mới tăng vọt.
Tuy nhiên số mắc chung cả nước tăng cao nhưng số ca tử vong đang giảm dần mỗi ngày và ngày 10-2 thấp nhất trong những ngày gần đây (74 ca tử vong), các ngày trước đó như 7-2 (100 ca), 8-2 là 97 ca, 9-2 là 93 ca cho thấy số tử vong giảm dần đều.
Với số liệu như thế này, Việt Nam dần đã thích ứng với dịch theo hướng an toàn hơn, vắc xin và các biện pháp, thuốc điều trị đã phát huy hiệu quả bước đầu.
Sau nghỉ Tết, số ca COVID-19 ở TP.HCM có xu hướng tăng nhưng mức tăng thấp
Theo Sở Y tế TP.HCM, trước Tết số ca COVID-19 mới duy trì ở mức 3 con số. Bắt đầu từ ngày 4 đến 7-2 thì chỉ ở 2 con số. Đặc biệt ngày 5-2 chỉ có 24 ca. Sau Tết (từ ngày 8-2) thì số ca mắc có tăng lên. Đến ngày gần nhất (9-2) là 242 ca.
Theo nhận định của ngành y tế, trong vài ngày tới, số ca mắc mới tại TP sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên qua theo dõi các ca bệnh nặng, thở máy và tử vong sẽ giảm do việc điều trị ngày càng được nâng cao.
Sở Y tế cũng cho biết, ngành y tế cũng phối hợp với ngành giáo dục lập danh sách trẻ tiêm vắc xin từ 5 đến 11 tuổi để khi Bộ Y tế chỉ đạo tiêm, TP sẽ triển khai tiêm an toàn, nhanh chóng.
Những ngày gần đây có nhiều bệnh nhân hậu COVID-19 đến Viện Tim TP.HCM khám vì có những triệu chứng như khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh... Số bệnh nhân hậu COVID-19 đến khám tại đây cũng có xu hướng gia tăng.
Trong số những bệnh nhân đến khám vì lo bị biến chứng tim mạch do hậu COVID-19, chỉ có khoảng 1/10 bệnh nhân được chẩn đoán có biến chứng tim mạch, những bệnh nhân còn lại đã được bác sĩ hướng dẫn đi khám tại các chuyên khoa khác.
Nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã tập trung học sinh đến trường để học nề nếp, làm quen với bạn bè, trường lớp, đồng thời rèn luyện kỹ năng phòng chống dịch COVID-19 trước khi đi học chính thức vào 14-2.
Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM cho biết những cơ sở giáo dục thuộc vùng dịch cấp độ 1 có thể tổ chức dạy học hai buổi/ngày hoặc bán trú từ ngày 14-2 cho tất cả các khối theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh.
Thừa Thiên Huế cho phép karaoke, massage, rạp phim hoạt động trở lại
Tối 10-2, tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết vừa cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ hoạt động trở lại sau thời gian dài buộc đóng cửa vì dịch COVID-19.
Theo đó từ 11-2, các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, bia rượu, internet, trò chơi điện tử, karaoke được phép hoạt động không quá 50% công suất phục vụ và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch như: khách hàng từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vắc xin, bàn cách bàn 2m, khử khuẩn, quét mã QR code.
Cơ sở xông hơi, massage, cơ sở thẩm mỹ/spa được phép hoạt động không quá 50% công suất và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch.
Tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng được tổ chức và phải đảm bảo quy định: bàn cách bàn 2m, người tham dự từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vắc xin, khử khuẩn, quét mã QR theo quy định và không quá 50% công suất của hội trường.
Bảo tàng, khu triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà (gym, yoga, fitness, areobic, khiêu vũ, bida…): được phép hoạt động không quá 50% công suất và phải đảm bảo đầy đủ các quy định phòng, chống dịch.
Riêng quán bar, vũ trường vẫn phải tiếp tục đóng cửa và chờ thông báo tiếp theo.
Tính đến ngày 10-2, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận hơn 23.205 ca COVID-19. Trong số đó có 160 ca tử vong.
Riêng trong ngày 10-2, tỉnh này ghi nhận 246 ca COVID-19. Trong đó có 225 ca cộng đồng.
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Ngày 10-2, Hà Nội thêm 2887 ca F0, trong đó 627 ca tại cộng đồng; 2.260 ca đã cách ly. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai có 177 ca; Đông Anh có 175 ca; Nam Từ Liêm có 161 ca; Chương Mỹ có 151 ca; Long Biên có 150 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 162.909 ca.
Hiện tổng số bệnh nhân đang điều trị là 59.588 người, trong đó có 56.174 người điều trị tại nhà, còn lại là tại các cơ sở thu dung, điều trị của Bệnh viện Trung ương, thành phố và quận, huyện. Bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung từ ngày 29-4-2021 là 316 người.
- Sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao. Ngày 8-2 ghi nhận 886 ca COVID-19, ngày 9-2 là 938 ca và ngày 10-2 ghi nhận 1.189 ca - đây là số ca COVID-19 cao nhất từ trước đến nay ở tỉnh này.
Hiện Nam Định thuộc nhóm 22 tỉnh, thành phố có dịch cấp độ 2 (vùng vàng). Trong đó, 3 huyện Ý Yên, Mỹ Lộc và Vụ Bản (Nam Định) có số ca nhiễm cao nhất, nhiều ca phát sinh trong cộng đồng.
- Hà Nam trong ngày 10-2 ghi nhận 223 ca COVID-19. Trong ngày, Hà Nam cũng ghi nhận bệnh nhân thứ 5 mắc COVID-19 tử vong. Cả 5 bệnh nhân tử vong tại Hà Nam đến thời điểm này đều là người cao tuổi (từ 80 đến trên 90 tuổi), có nhiều bệnh nền, và chỉ có 1 người đã tiêm 1 mũi vắc xin COVID-19 ,
Từ ngày 19-9 đến nay, Hà Nam ghi nhận 7.404 ca COVID-19. Trong đó có 6.188 bệnh nhân đã chữa khỏi, ra viện. Hiện toàn tỉnh còn 5.579 F1 đang cách ly y tế tại nhà.
- Hải Dương ngày 10-2 phát sinh 1.330 ca trong đó, huyện Kim Thành, TP. Hải Dương, thị xã Kinh Môn và huyện Ninh Giang có số ca mắc trên 100 bệnh nhân trong ngày. Có thêm 4 ca COVID-19 tử vong nâng tổng số ca tử vong lên 32.
- Hải Phòng ngày 10-2 thêm 1.360 camới, 2 người tử vong và 119 bệnh nhân COVID-19 nặng/nguy kịch. Tính từ 17h chiều 9-2 đến 17h30 ngày 10-2 có 2.360 giáo viên, học sinh mắc COVID-19; trong đó 118 ca giáo viên và 2.242 học sinh.