Tranh cãi chuyện hai nữ sinh bị buộc thôi học vì đánh bạn
Chiều 11/12, Hội đồng kỷ luật của Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang thống nhất hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn đến hết năm học 2017-2018 đối với 2 nữ sinh lớp 9 vì đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 cùng trường chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Ngay sau khi những thông tin trên được đăng tải đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mức kỷ luật này.
Nickname Thanh Thanh tỏ đồng thuận với mức kỷ luật trên khi cho rằng: “Cần phải có hình thức kỷ luật thích đáng với 2 học sinh lớp 9. Nếu nhẹ quá, các em lại tái diễn. Thật không ngờ, mới lớp 9 mà đã như thế”.
Còn theo bạn đọc khác thì cho rằng: “Nên cho vào trại giáo dưỡng, để ở ngoài dễ phiền lụy các cháu khác… Còn nhỏ đã muốn làm dân anh chị rồi, chắc phải chuyển qua trường giáo dục thanh thiếu niên 1 năm để cán bộ của trường giáo dục lại”.
Bên cạnh đó, một người đặt ra câu hỏi: “Trách nhiệm của tổ trưởng, lớp trưởng, lớp phó kỷ luật đâu? Trong khi các em bị đánh dã man thì số khác đứng xem, quay clip… không ai can ngăn. Trách nhiệm của nhà trường: giám thị, chủ nhiệm, ban giám hiệu. Tôi đề nghị phải xét kỷ luật các vị trí trên”.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến của bạn đọc tỏ ra không đồng tình với hình thức kỷ luật của nhà trường. “Theo tôi không nên đuổi học, sẽ ảnh hưởng các em sau này. Hãy tăng thêm 2 giờ học kỹ năng sống và tâm lý cho các em. Đuổi học sẽ không giúp ích mà hại thêm cho các em, biết đâu đó lại là cơ hội để các em lêu lổng bên ngoài, sa ngã vào các tệ nạn”, nickname Thanh Bạch chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn Lê Minh cho rằng: “Không được đuổi học, dù có thời hạn. Cho các em tiếp tục học nhưng bị kỷ luật lao động tại trường 1 năm. Hiến pháp quy định mọi người đều được hưởng nền giáo dục như nhau, nên không đuổi học mà bắt lao động”.
“Chỉ cần kỷ luật vài tháng sẽ đủ sức răn đe”
Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm, việc nữ sinh đánh bạn là sai trái. Khi đang học tập, các em phải biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau chứ không nên đánh nhau như vậy.
“Một khi học sinh có sai trái thì phải có các hình thức giáo dục. Thường ở trong nhà trường có các hình thức phê bình, cảnh cáo, thông báo với phụ huynh học sinh. Nếu vi phạm nặng hơn sẽ đình chỉ việc học tập theo thời hạn (ngắn hạn, dài hạn), có khi cho thôi học một tuần, một tháng, vài tháng, nếu nặng nề thì quá đình chỉ một năm…”, PGS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Nhĩ cho rằng: “Nhưng vấn đề đối với học sinh vi phạm bị đình chỉ học không có nghĩa đẩy các em ra ngoài xã hội mà đình chỉ như vậy thì phải tiếp tục phân công thầy giáo chủ nhiệm, những bạn bè đến giúp đỡ học sinh đó, giải thích cho bạn những sai trái mà mình đã gây ra, để học sinh ngồi tu tỉnh việc mình làm sai”.
Về việc Hội đồng kỷ luật của Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP Rạch Giá buộc thôi học có thời hạn hết năm học 2017-2018, ông Nhĩ cho rằng, hình phạt đó là “hơi nặng đối với các em”. Bởi theo ông, nhà trường cũng nên căn cứ các em đã từng vi phạm chưa, hơn nữa các em đang là học sinh hết cấp trung học cơ sở.
“Theo tôi việc đình chỉ là cần thiết nếu các em vi phạm nghiêm trọng, nhưng chỉ nên đình chỉ một vài tháng là đủ sức răn đe, một năm thì hơi nặng. Trong thời gian đó yêu cầu học sinh phải tự kiểm điểm bản thân, nhận ra cái sai của mình đồng thời, thầy cô bạn bè giúp đỡ. Chứ nếu một năm nhà trường không có khả năng giúp đỡ để học sinh lêu lổng, hư hỏng thì không có lợi”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thêm. Bên cạnh đó, phía gia đình cũng nên có hình thức giáo dục con cái mình.