1. Tên gọi “Tết Nguyên Đán”
Tết Nguyên Đán có phiên âm gốc là cụm từ Tiết Nguyên Đán. Theo tiếng Hán, Tiết là tiết khí trong lịch của những nước nông nghiệp, Nguyên nghĩa là khởi đầu và Đán là buổi sáng sớm.
Ngày mồng một Tết Ta không bao giờ trước ngày 21/1 và sau 19/2 (Dương lịch) do quy luật ba năm nhuận một tháng của Âm lịch.
2. Tục mừng tuổi (lì xì)
Tục lệ mừng tuổi đầu năm (lì xì) xuất phát từ một truyền thuyết của Trung Quốc. Chuyện cổ kể rằng có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm Giao thừa, thích xoa đầu trẻ con và khiến đứa trẻ đau đầu, sốt cao, làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.
Năm đó có cặp vợ chồng đã lớn tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền đồng, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối loé lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Từ đó người lớn thường bỏ tiền vào bao đỏ (hồng bao), lì xì cho trẻ em kèm những lời chúc khỏe mạnh, chóng lớn…
3. Màu đỏ trong ngày Tết
Màu đỏ được xem là màu của tài lộc và may mắn. Vì vậy trong các dịp lễ Tết màu đỏ xuất hiện khắp nơi, từ bàn thờ gia tiên cho đến góc bếp, cửa sổ, lối đi, góc vườn… Màu đỏ thể hiện tâm lý của gia chủ, cầu mong thần may mắn sẽ gõ cửa khắp nơi.
4. Mâm ngũ quả
Ngày Tết, mọi gia đình Việt chuẩn bị mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ với năm loại quả khác nhau. Theo quan niệm, năm thứ quả tượng trưng cho ngũ hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) ứng với mệnh của con người. Đồng thời, số lẻ được cho rằng mang lại may mắn, phát triển.
5. Tục đặt 2 cây mía trên bàn thờ
Vào ngày Tết, khi soạn bàn thờ tổ tiên, hầu hết mọi gia đình Việt luôn để hai cây mía hai bên. Người Việt cho rằng hai cây mía này sẽ được ông bà dùng để gánh những lễ vật mà con cháu dâng lên trở về cõi âm sau lễ “tiễn ông vải”.
6. Tục dựng cây nêu trước nhà
Quan niệm xưa tin rằng, dựng cây nêu trước cửa, kèm theo những đồ vật như vàng mã, bùa trừ tà…, cùng tiếng kêu của khánh nhỏ, để báo cho ma quỷ biết nhà có người ở, không được tới quấy nhiễu.
7. Cho chó lạ vào nhà
Theo quan niệm dân gian thì chó lạ vào nhà sẽ mang lại may mắn, sung túc cho gia chủ. Vì vậy vào đầu năm những chú chó rất được mọi người yêu mến, chào đón. Khi chú chó vào nhà, nhiều gia đình sẽ cho chúng ăn để chúng ở lại nhà mình lâu hơn.
8. Ăn dưa kiệu
Người Việt Nam cho rằng vào ngày đầu năm mới nếu hũ dưa kiệu vừa ăn không bị quá chua hay meo mốc cũng được xem là điềm đoán cho sự may mắn của một năm.
9. Hoa đào, hoa mai trong ngày Tết
Ở Việt Nam, ngày Tết không thể thiếu hoa đào hoặc hoa mai trang trí trong nhà. Theo khí hậu và thổ nhưỡng mà mỗi miền lại ưa chuộng loại cây khác nhau, miền Bắc là hoa đào và miền Nam là hoa mai.
Theo quan niệm của người xưa, từng có hai vị thần trú tại cây hoa đào che chở cho dân chúng khỏi sự quấy phá của lũ quỷ dữ. Chỉ cần thấy đào, ma quỷ sẽ sợ hãi. Do đó, vào những ngày tết, khi hai thần lên gặp Ngọc Hoàng, người dân tự bảo vệ bằng cách bẻ cành đào về cắm trong lọ. Cây đào giúp xua đuổi ma quỷ, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, nên hoa đào đỏ thường không thể thiếu trong nhà người miền Bắc ngày tết.
Khác với miền Bắc, người miền Nam chọn hoa mai vào dịp tết. Bên cạnh yếu tố khí hậu, màu vàng của mai tượng trưng cho sự cao sang, phú quý. Không chỉ thế, màu vàng cũng mang ý nghĩa phát triển nòi giống. Thêm nữa, màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, luôn nằm ở vị trí trung tâm, thể hiện vai trò quan trọng.