Đêm 13/11, người dân Paris đã phải trải qua những giây phút kinh hoàng nhất trong hơn một thập kỷ qua. Đã có 129 người chết và hàng chục người bị thương sau 6 vụ xả súng và 3 vụ nổ liên tiếp tại thủ đô nước Pháp.
Trước những đau thương mất mát khó có thể đong đếm được, thế giới đã có nhiều hành động nhằm động viên tinh thần người dân nước Pháp đặc biệt là thủ đô Paris vượt qua khó khăn. Đã có rất nhiều người để những dòng chữ “Pray for Paris” trên trang cá nhân của mình nhằm cầu nguyện cho các nạn nhân xấu số trong vụ khủng bố, nhiều người khác thay avatar cờ Pháp cũng với mục đích trên. Tuy nhiên ý kiến cho rằng, người Việt đang a dua theo phong trào và làm những việc vô bổ.
“Thứ 6/13/2015, trong cùng một ngày có: 100 cái chết của người Li Băng, 500 cái chết của người Palestine, 200 cái chết của người Yemen. Trong năm ngoái có 400.000 người chết ở Syria và 5 năm trước là 1.5 triệu người Iraq chết. Cả thế giới không nói một câu. Cả thế giới không nói một lời. Cả thế giới im lặng một cách đáng sợ.Và trong ngày hôm qua, song song cùng với cái chết của hàng trăm người khác là cái chết của 160 người Pháp và thế giới trở lên hỗn loạn. Tỉnh giấc đi, lương tri loài người, chỉ toàn là những người a dua theo phong trào thôi!” - Một bạn trẻ gây gắt chia sẻ trên trang mạng xã hội.
Vậy liệu người Việt có đang làm những điều vô bổ?
Khủng bố ở Pháp nội chiến ở Trung Đông - So sánh khập khiễng!
Nhiều lập luận cho rằng thế giới, đang nhắm mắt cho qua, không lên tiếng với những cái chết vô tội của người dân ở Syria hay Iraq… phải chăng mạng người ở những nước nghèo thì không đáng trân trọng?
Mạng người quý giá! Dù là 1 sinh mạng hay 100, 1000 sinh mạng cũng đều quý giá! Họ chết oan uổng, đau đớn, thế nên thế giới sẽ luôn nguyện cho họ. Tuy nhiên với mỗi trường hợp sẽ có một cách thức khác nhau. Và việc so sánh nỗi đau này với một nỗi đau khác là một điều sai trái.
Ở các nước Trung Đông, những cuộc nội chiến diễn ra hàng ngày, hàng giờ, khiến hàng ngàn người chết, không có chỗ ở, không có lương thực… vậy liệu những dòng cầu nguyện trên trang xã hội, những hình ảnh avatar liệu sẽ thay đổi được gì? Người dân thế giới đã thiết thực hơn, họ tổ chức những cuộc biểu tình chống khủng bố, đưa những chuyến tàu chở lương thực đến với người dân, tình nguyện vào các khu vực chiến sự để phục vụ y tế… Vậy đâu phải thế giới phớt lờ những đau thương mà người dân Trung Đông đang gánh chịu.
Với cuộc khủng bố vào ngày 13/11 ở nước Pháp thì khác, Paris nổi tiếng là một thành phố bình yên và lãng mạn, bỗng nhiên sau một đêm trở nên hỗn loạn và chết chóc. Điều này thật sự là một cú sốc lớn đối với người dân nước Pháp và toàn thế giới. Tổng thống Obama đã phát biểu: “Đây là một vụ tấn công toàn nhân loại và những giá trị nhân văn mà chúng ta mang”.
Phần mềm thay đổi avatar, do facebook tạo ra, nhằm an ủi động viên phần nào cho người dân Pháp, để họ cảm nhận rằng mình không hề đơn độc trong cuộc chiến chống lại các thế lực khủng bố.
Sự phán xét và quyền cá nhân
Cả thế giới đều thay đổi avatar để cầu nguyện cho những người xấu số thiệt mạng trong vụ khủng bố, chứ không riêng gì người Việt. Đặc biệt nước Pháp lại là một nước có mối quan hệ khá gần gũi với Việt Nam. Có đến khoảng 300.000 Việt kiều đang sống tại Pháp, chưa kể đến số lượng lớn du học sinh đang học tập tại đây, vì vậy không có gì lạ khi người Việt lại tỏ ra lo lắng cho sự an toàn của nước Pháp sau vụ khủng bố.
Thay đổi avatar hướng về nước Pháp chính xác là một phong trào, tuy nhiên đây là một phong trào tích cực - nâng cao tình cảm con người, cần được trân trọng và phát huy. Mặt khác việc làm này còn là một nét đẹp trong văn hóa, giúp hình ảnh người Việt trở nên đẹp và hòa nhập vào cộng đồng bạn bè quốc tế, vậy sao lại phải lên án một hành động nhân văn?
Chúng ta không có quyền phán xét hành vi của người khác trên trang cá nhân của họ, đơn giản họ có quyền tự do quyết định những gì mà mình thích trên chính “ngôi nhà” của mình, cuộc sống của mình - chỉ cần nó không ảnh hưởng xấu đến ai.
Có ba thứ trên cuộc đời này không nên tranh luận sai - đúng, đó là: tình cảm, nghệ thuật và tôn giáo. Tốt hay xấu, đúng hay sai trong ba vấn đề này chỉ có thể do chính chúng ta cảm nhận và có những đánh giá cho riêng bản thân mình!