Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người tổ chức đưa 152 người lao động trái phép sang Đài Loan có thể bị phạt lên đến 15 năm tù?

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, hành vi đưa người sang nước ngoài không đúng các quy định của Nhà nước là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép có dấu hiệu phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Ngày 26/12, Cơ quan chức năng Đài Loan cho biết tìm thấy 3 trong số hơn 150 du khách người Việt nghi bỏ trốn tại Cao Hùng, trong khi đó 3 người khác đã rời khỏi Đài Loan.

Focus Taiwan dẫn lời cơ quan chức năng trong một cuộc phỏng vấn cho biết, 3 du khách người Việt bị bắt khai họ không quen biết nhau và tham gia vào nhóm khách du lịch đến Đài Loan để ngắm cảnh và thăm bạn bè. Họ phủ nhận có liên quan đến nhóm khách du lịch bị nghi bỏ trốn. Cuộc điều tra đang được tiếp tục thực hiện và kết quả được báo cáo với các bên liên quan.

Nữ du khách Việt bị bắt sau khi trốn thoát từ Cao Hùng đến Gia Nghĩa.

Trong khi đó, theo Apple Daily, 3 du khách được tìm thấy ở Đài Loan gồm 2 nam (38 tuổi và 30 tuổi) và 1 nữ (32 tuổi), có người nói đến thăm người thân, có người thừa nhận đến Đài Loan để làm việc bất hợp pháp.

Tờ này dẫn nguồn tin cơ quan chức năng cho biết thêm, qua điều tra, trong số 152 du khách Việt Nam bị nghi bỏ trốn, một du khách nữ 17 tuổi đã không trốn, 3 người khác rời khỏi Đài Loan và 3 người được tìm thấy - hiện tại còn 145 du khách Việt chưa rõ tung tích.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, lợi dụng chính sách nới lỏng visa đặc biệt được xúc tiến vào năm 2015 của cơ quan chức năng Đài Loan đối với khách du lịch đến từ Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Brunei, một số đối tượng đã tổ chức đưa người lao động với hình thức khách du lịch đến Đài Loan để trốn ở lại lao động trái phép.

Những du khách Việt Nam lưu trú tại khách sạn chỉ trong 1 tiếng đồng hồ rồi nhanh chóng rời đi.

“Vụ việc 152 du khách Việt Nam mất tích sau khi đến Đài Loan nghi bỏ trốn là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Mặt khác, hành vi này còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh và đất nước con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế”, luật sư Thơm nêu quan điểm.

Luật sư Thơm cho rằng, những năm gần đây, công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng. Đời sống xã hội dần được nâng cao. Tuy rằng một bộ phận người dân ở các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng với chính sách tạo công ăn việc làm cho người lao động, chính quyền địa phương cùng các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp đã luôn tạo những điều kiện tốt nhất để góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân.

“Việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng đi du lịch rồi đưa các lao động trong nước xuất cảnh trái phép sang Đài Loan đã và đang diễn ra hiện nay đang là khá phổ biến. Nhiều vụ đưa trái phép người lao động sang nước ngoài đã được các cơ quan pháp luật điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Để có căn cứ xử lý hành vi đưa 152 người lao động trái phép sang Đài Loan, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không việc cấu kết giữa các đối tượng trong nước nước ngoài để đưa người lao động dưới vỏ bọc khách đi du lịch trốn ở lại lao động bất hợp pháp”, luật sư Thơm nhấn mạnh.

Luật sư nêu rõ, hành vi đưa người sang nước ngoài không đúng các quy định của Nhà nước là hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép có dấu hiệu phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 349 BLHS 2015.

“Đối với những ‘khách du lịch’ bỏ trốn tại Đài Loan sẽ phải chịu hình thức xử lý theo pháp luật Đài Loan về vi phạm nhập cảnh. Hình thức xử phạt có thể trục xuất, cấm nhập cảnh. Nếu thực hiện hành vi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm xử lý hình sự theo luật pháp nước sở tại”, luật sư Thơm nói thêm.

Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép

1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo thông tin do cục du lịch Đài Loan xác nhận hôm thứ ba (25/12), đã có 152 người trong nhóm khách du lịch bao gồm 153 người đến từ Việt Nam đã biến mất khi đến sân bay tại thành phố Cao Hùng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới