Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người thợ chưa học hết lớp 9 chế tạo ôtô 'Made in Vietnam'

Ông Trần Văn Tâm ở Củ Chi (TP HCM) bỏ 500 triệu trong hai năm rưỡi để chế tạo ôtô điện có thể chạy 160 km mỗi lần sạc.

Trong góc nhà kho chứa đầy những bộ phận bằng sắt, thép nằm rệu rã, hoen gỉ vì mưa nắng lâu ngày có chiếc xe ba bánh chạy ắc-quy điện bám bụi, loang lổ những vết sơn bạc màu. Cách đó vài bước chân ở gian nhà mặt tiền đường DT8, Khu phố 1, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP. HCM, một mẫu ôtô điện tên TMITA CITY 18 màu nâu nước sơn bóng loáng. Đèn pha bật sáng như đôi mắt của loài chim đại bàng.

Ông Trần Văn Tâm (trái) bên mẫu ôtô điện của mình.

Hai mẫu xe điện, hai số phận nhưng đều là sản phẩm của ông Trần Văn Tâm, sinh năm 1962 với công việc thường ngày bán xe đạp điện. Ông tự nhận mình là người thích chế tạo những thứ thuộc về điện tử, cơ khí dù không qua trường lớp bài bản. Ông chủ yếu tự học, học trên mạng, học từ bạn bè và học từ thất bại của chính mình.

Từ chiếc xe điện bị “bỏ rơi”…

Hơn 10 năm sau hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP. HCM 2007, chiếc xe ba bánh chạy bằng ắc-quy của ông Tâm là sản phẩm dự giải, giờ đây xếp xó ở góc nhà kho. Tấm bằng chứng nhận giải ba còn treo trên tường như nhắc nhớ về quãng thời gian đẹp.

Sau cuộc thi năm ấy, có một doanh nghiệp đến gặp ông Tâm và nêu đề nghị hợp tác để đưa vào sản xuất hàng loạt mẫu xe ba bánh, thay thế cho xe xích lô ở TP HCM. Vốn không biết nhiều thủ tục luật pháp, ông nhờ đối tác lo phần này để hợp thức hóa sản phẩm định triển khai.

“Tôi cảm thấy sốc khi họ nói với mình rằng, việc sản xuất xe điện theo ước muốn hai bên không thể thực hiện. Những cơ quan nộp hồ sơ bảo với chúng tôi, xe này còn mới quá Việt Nam chưa ai làm, nước ngoài có sao không nhập về, chế tạo làm gì?”, ông Tâm nói về mối duyên hợp tác đứt gánh giữa đường.

“Đứa con tinh thần của mình giờ bỏ không, vui sao nổi”.

Chiếc xe điện ba bánh không thể đưa vào sản xuất hàng loạt. Chủ nhân thích được gọi là Minh Tâm như là tác giả của những chiếc xe mình chế tạo.

Những người dân ở Khu phố 1, thị trấn Củ Chi gần nơi ông sống bảo rằng, ông Tâm tính cởi mở, hay cười. Tinh thần lạc quan là thứ giúp người đàn ông đã trải qua nửa đời người tiếp tục với đam mê, dù không ít những điều tiếng cho rằng gàn dở, lập dị. Ông vẫn dành thời gian chia sẻ suy nghĩ của mình trên mạng xã hội. Chiếc smartphone của ông đầy hình ảnh những chiếc xe điện, xe bay, xe lội nước.

Ông Tâm nói mình thích những chiếc xe điện của Tesla, khâm phục ông chủ của hãng này và phải phát âm vài lần chỉ để xác nhận người đó là Elon Musk, “gã điên” trong ngành công nghiệp ôtô. Ông đặt câu hỏi người nước ngoài làm được tại sao người Việt thì không. Nhưng phải đến lần tình cờ xem bản tin trên tivi nói về các nước châu Âu bắt đầu hạn chế xe chạy xăng, dầu, hướng đến xe điện để bảo vệ môi trường, bản năng sáng tạo tưởng ngủ quên sau chiếc xe điện ba bánh bị “bỏ rơi” tựa hồ trỗi dậy.

Đó là khoảng tháng 8/2015. Hành trình tạo ra mẫu ôtô điện đầu tiên của ông Tâm bắt đầu.

… đến ôtô điện “Made in Vietnam”

Bài toán khó nhất với ông Tâm là phải làm gì để biến ý tưởng thành hiện thực bởi ôtô kết cấu từ hàng nghìn bộ phận khác nhau. Những gì đáng giá nhất mà ông có là sự tưởng tượng, đam mê và vốn kiến thức về điện tử, cơ khí tự học sau quãng thời gian làm lơ xe thời trẻ. “Trong đầu tôi mường tượng đó là một chiếc xe nhỏ gọn, chạy trong phố, dùng động cơ điện, có vậy thôi”, người đàn ông 56 tuổi nói.

Bản phác thảo hoàn thiện mẫu xe điện trên giấy A4.

Bản phác thảo hoàn thiện thành hình trên khổ giấy trắng A4 do chính tay ông vẽ. Phần đầu với đèn pha, ba đờ sốc lấy cảm hứng từ đôi mắt chim đại bàng. Cửa mở kiểu SUV chạy điện Tesla Model X, ghế đủ không gian cho một gia đình bốn thành viên.

“Việc đầu tiên là mua những thứ mình không sản xuất được như lốp, ghế, gương. Vì một người bán hủ tiếu cũng đâu thể tự mình làm hết các thành phần”, ông Tâm nói. “Tôi đặt bốn bánh xe trên nền nhà để ướm thử chiều dài hai trục bánh, xem xét không gian hai hàng ghế làm sao thoải mái cho người ngồi. Sau đó tự mình ngồi vào vị trí ghế lái có vô-lăng, tính toán không gian cabin, rồi mới tính đến khung gầm”.

Bộ khung thành hình trong đầu với kích thước ba chiều nhỏ hơn một mẫu Kia Morning, ông tiến đến bước chế tạo khung sườn và thùng xe. Công đoạn này trải qua khoảng hơn một năm rưỡi với nhiều người thợ tham gia. Người đến, kẻ đi như lời ông nói, khung xe mới hoàn thành với các mối cắt, hàn, bo tròn thẩm mỹ như những mẫu ôtô của các hãng lớn. Vài lần chạy thử trên dàn gầm đặt bốn ghế và bộ khung trống hoắc, cho đến khi chắc chắn độ an toàn, ông Tâm mới quyết định đóng thùng xe.

Ông thích thú nói về màu sơn mẫu xe điện mà khi nhìn tổng thể, ít ai nghĩ rằng nó được thực hiện thủ công. Người đàn ông U60 với mái đầu hai thứ tóc không thể ngắn hơn, dẫn khách dạo quanh một vòng chiếc xe như để chứng minh lời mình nói không ngoa. Tám người thợ với bốn lần sơn, màu nâu của thân xe hiện ra. Nghe lời khen nước sơn đẹp, ông cười khà suýt làm rơi chiếc kính lão trên khuôn mặt.

Mẫu xe điện có cửa mở kiểu cánh chim nhưng thêm một bản lề ở giữa để hạn chế không gian vươn ra ngoài, ở mức khoảng 20 cm. Bốn ty chống hỗ trợ mở cửa nhẹ nhàng. Chịu lực cho khung cửa là bốn thanh kim loại có thể gấp gọn vào mui xe nhờ các rãnh. “Nếu có điều kiện làm tiếp, tôi muốn cửa mở bằng điện. Mái xe ở vị trí cột B tiêu biến nâng lên để không hạn chế vùng đầu của người ngồi trước”, ông Tâm nói.

Trong quá trình chế tạo mẫu xe điện, không ai trong gia đình ủng hộ ông Tâm. Cửa hàng bán xe đạp điện “một thành viên” thường ngày chỉ có ông, mọi ý tưởng đều diễn ra ở đó. Bảng mạch điện tử lắp ở cabin ông nhờ kỹ sư thực hiện theo ý đồ của mình, từ hình dáng đến chức năng từng công tắc. Kiến thức về điện tử giúp ông định hình những trang bị cần có, hoạt động bằng thao tác nào. Bản đồ chỉ đường, điều hòa, cần số, nút chỉnh gương bằng điện nằm trên bảng táp-lô lấy từ một chiếc xe tải được độ lại.

Mẫu ôtô điện của ông Trần Văn Tâm ở Củ Chi, TP. HCM.

Mẫu xe điện có hai nguồn phát từ pin và ắc-quy dự trữ điện với ba mức: 12 V, 48 V và 60 V. Khoảng 10 tiếng để sạc đầy hai bộ phận này thông qua một cổng sạc duy nhất lấy từ nguồn điện gia dụng 220 V. Ông Tâm nói rằng xe có thể lăn bánh quãng đường 160 km, tốc độ tối đa khoảng 50 km/h. “Nếu cao hứng, anh có thể tấu một bản nhạc bolero tặng bà con cũng không thành vấn đề vì có hệ thống karaoke kết nối Bluetooth trên xe”.

Trên mẫu xe điện với chi phí thực hiện khoảng hơn 500 triệu đồng, động cơ gồm một motor đặt ở bánh sau và hai ở bánh trước. Nút tùy chọn một cầu hoặc hai cầu có thể kích hoạt tại vị trí cần số. Hệ thống ly hợp tương tự xe hơi số tự động với ba chế độ tiến, lùi và mo (N).

Từ khi hoàn thành mẫu xe điện vào đầu 2018 vẫn còn nhiều thứ cần cải thiện, ông Tâm nói rằng mình nổi tiếng bất đắc dĩ. Nhiều người vì mến mộ đến tìm gặp ông, nói muốn chạy thử một lần. Và cũng không ít lời chê bai chiếc xe là một bản độ chắp vá từ nhiều chi tiết, nhưng ông không cảm thấy phiền lòng vì những điều đó.

Theo tính toán của ông Tâm, tiền công thợ làm chiếm chi phí lớn nhất của mẫu xe điện. Vì thế, nếu được thương mại hóa bằng dây chuyền công nghiệp, giá trị có thể dưới 250 triệu đồng hoặc thậm chí là 200 triệu đồng.

“Tôi mong có doanh nghiệp nào đó hợp tác để có thể sản xuất đại trà cho người dân”, ông Tâm nói và ngoái đầu về phía nhà kho nơi chiếc xe ba bánh nằm lặng im. Trong phút chốc ông cũng im lặng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual