Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người phụ nữ VN sang Bắc Cực chạy Marathon 42km: Nước mắt rơi trên đường đua -33 độ C

Theo Báo Đất Việt Theo dõi Saostar trên google news

Trở về từ Bắc Cực, chấn thương ở đầu gối phải khiến chị Minh phải ngưng tập luyện trong 2 tháng tới. Nhiều khả năng, chị sẽ không thể chạy marathon được nữa…

Cuối tháng 3/2018, chị Tăng Nguyệt Minh (35 tuổi, TP.HCM) hạnh phúc khi hay tin mình là gương mặt đại diện Việt Nam dự cuộc thi Marathon Bắc Cực. Trước khi lên đường, ngoài việc chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết cho thời tiết khắc nghiệt trên đường đua, chị Minh đã chăm chỉ tập luyện chạy bộ mỗi ngày, đồng thời duy trì chế độ ăn 15kg thịt, 30kg rau củ mỗi tháng.

Ngày thứ 2 đặt chân đến Bắc Cực, nhiệt độ bên ngoài khoảng -17 độ C, chấn thương ở đầu gối phải bỗng dưng đau nhức. Nỗi đau âm ỉ kéo dài suốt 3 tuần, đến ngày chạy chính thức. Hoàn thành 42km trên đường đua -33 độ C, chị Minh bật khóc vì hạnh phúc, vì vượt qua được bản thân mình và vì những trải nghiệm chắc chỉ có 1 lần trong đời.

Clip chị Nguyệt Minh chinh phục 42km Marathon tại Bắc Cực dưới nhiệt độ -33 độ C

Bất ngờ trước cái lạnh thấu xương ở Bắc Cực

Đáp chuyến bay đến Longyearbyen (Na Uy) khi tiết trời bên ngoài khoảng -17 độ C, chị Minh giật mình khi những bước chân đặt xuống là mặt băng tuyết mấp mô, 2 tay chị lạnh cóng dù đã đeo một lớp găng tay khá dày. Một cơn gió thoảng qua khiến lớp găng phủ lớp tuyết mỏng, hũ kem dưỡng da mang theo đông cứng sau vài ngày. Chị Minh nói: 'Không còn từ nào để diễn tả cái lạnh nếu như không trực tiếp ở đây'.

Vừa đáp xuống Bắc Cực, tuyết đã đóng từng mảng trên găng tay.

Vì thời tiết xấu, cuộc đua bị hoãn lại 1 tuần. Trong thời gian này, các vận động viên được tự do sinh hoạt, tập luyện chờ đến ngày chạy chính thức. Với những gì đã chuẩn bị trước đó, chị Minh khá háo hức. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi đến Bắc Cực, chấn thương ở đầu gối phải đau nhức khiến việc tập luyện của chị bị ảnh hưởng.

'Ở Việt Nam, chấn thương đã có biểu hiện đau nhức, tuy nhiên không nhiều. Sang Bắc Cực thì nặng hơn, đau dai dẳng, kể cả lúc chạy. Mình phải xử lý bằng cách chạy chậm và thường xuyên xoa bóp đầu gối' - Chị Minh kể.

Thời tiết ở Bắc Cực lạnh hơn rất nhiều so với những gì đã dự đoán nên trang phục và những vật dụng 'chống lạnh' đều phải mua mới. Từ găng tay, kính mắt, đến áo khoác, tất, mũ,… Để thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, có khi xuống -20 độ C, chị Minh vẫn giữ thói quen sinh hoạt và tập luyện hàng ngày.

Chị Minh kể rằng, trước ngày thi đấu chính thức, chị vẫn duy trì việc tập luyện mỗi ngày.

Chị chia sẻ: 'Ở Bắc Cực nửa năm là ban ngày, nửa năm là ban đêm. Thời điểm này là ban ngày, đến giờ ngủ tối thì cứ kéo rèm lại, mặc cho bên ngoài sáng trưng. Mỗi ngày, mình tranh thủ tập luyện khoảng 5-7km, tùy tình hình sức khỏe và thời tiết hôm đó. Thức ăn chủ yếu là thịt, được chế biến theo phong cách Tây, lạnh quá nên chỉ ăn để nạp năng lượng chứ không còn cảm thấy mùi vị gì nữa'.

Đêm trước ngày chạy chính thức, chị Minh háo hức, lòng tràn ngập sự quyết tâm chinh phục đường đua 42km. Sau 3 giờ bay, các vận động viên có mặt tại nơi cuối cùng của Cực Bắc để chuẩn bị cho hành trình chạy Marathon của mình. Lúc này, nhiệt độ bên ngoài khoảng -33 độ C.

Nước mắt rơi trên đường đua -33 độ C

'Đặt chân xuống địa điểm chạy, mặt băng tuyết mấp mô khiến mình cảm nhận được rằng thử thách phía trước không hề đơn giản. 42km đường đua được chia thành 10 vòng chạy. Có một cái lều được dựng sẵn để các vận động viên có thể dừng lại nghỉ ngơi, một người khác trong ban tổ chức sẽ đứng ở vạch xuất phát để tổng kết vòng chạy cho vận động viên' - chị Minh miêu tả.

Chị Minh đã đối mặt với rất nhiều sự cố xảy ra trên đường đua -33 độ C tại Bắc Cực. Ảnh: NVCC.
Khi có hiệu lệnh bắt đầu, chị Minh chạy khá sung sức. Chị mặc 2-3 lớp áo cùng các vật dụng như kính mắt, tất, găng để vừa giữ ấm, vừa tránh những rủi ro do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng trong 2 vòng đầu tiên, chị gặp phải sự cố băng tuyết phủ đầy mắt kính khiến việc xác định phương hướng trở nên khó khăn. Vận tốc di chuyển lúc đó chậm dần, chậm dần…

Chị Minh nhớ lại: 'Chạy xong vòng thứ 2, mình phải dừng lại lều để hà hơi lau mắt kính, không ngờ rằng thói quen này lại khiến sự cố càng trầm trọng hơn. Mình phải mất thêm thời gian hơ mắt kính, sau đó mới tiếp tục chạy'.

Đang chạy vòng thứ 5, chị Minh cảm thấy đuối sức. Mệt, đói và buồn ngủ khiến chị giật mình nhận ra rằng mình đang chạy xuyên đêm. Thời điểm có hiệu lệnh xuất phát là khoảng 11h đêm. Chưa bao giờ chị cảm thấy cơ thể tụt năng lượng nhanh đến thế. Chạy từng bước rất chậm, chị nghĩ về lý do mình đặt chân đến Bắc Cực, về thử thách và mục tiêu đã đặt ra, chị không thể bỏ cuộc…

Chị Minh kể về sự cố đáng nhớ khi mệt mỏi chỉ muốn dừng cuộc chơi

Về đến lều, chị không dám ngủ. Chị cởi găng tay và giày để kiểm tra và chèn thêm túi giữ nhiệt. Tay vớ đại miếng sô-cô-la, chị ăn ngấu nghiến để nạp thêm năng lượng. Trước khi xuất phát, chị uống thêm 2 ly nước đường. Mặc băng tuyết, mặc thời tiết -33 độ C cùng những cơn gió tê buốt, người phụ nữ này lại lao mình về phía đường đua, chạy từng bước dứt khoát.

Vòng thứ 6, thứ 7 rồi thứ 8, bước chân và nhịp thở của chị đều đặn hơn, chị biết mình đã bắt nhịp với thời tiết và những khó khăn trên đường đua. Chị hỏi người ghi chép có chắc rằng chỉ còn 2 vòng nữa không? Nhận được cái gật đầu và có thêm động lực, chị lại tiếp tục chạy, chấn thương ở chân bị kích động, đau nhức khiến chị rã rời.

Vòng thứ 10, chị chạy từng bước chậm, thở dốc. Lâu lâu lại thấy bóng dáng của những vận động viên khác trên đường. 'Không ai nói với nhau một lời, chỉ nhìn nhau rồi gửi gắm lời động viên cố lên, mày sắp làm được rồi. Chỉ nghĩ đến đó thôi, mình đã rơm rớm nước mắt. Lúc bước chân qua vạch đích, các đồng đội chạy đến chúc mừng cũng là lúc mình không ngăn được những dòng nước mắt lăn dài trên má. Mình đã khóc như một đứa trẻ.' - chị Minh nghẹn ngào nhớ về khoảnh khắc đặc biệt ấy.

Giây phút phất cao lá cờ Tổ quốc cũng là lúc chị Minh không kìm được nước mắt… Ảnh: NVCC.

Tấm huy chương chứng nhận hoàn thành chặng được 42km trong cuộc thi Marathon Bắc Cực. Ảnh: NVCC.

Không chạy Marathon sẽ chơi môn thể thao khác

Khi biết chắc mình đã hoàn thành đường đua 42km, chị Minh vào lều ăn một ly mì tôm, nằm nghỉ một lúc cho quên cơn đau ở đầu gối phải rồi lên đường trở về Longyearbyen. Cầm trên tay tấm huy chương hoàn thành cuộc đua, chị cảm thấy tự hào vì cuối cùng bản thân cũng chinh phục được thử thách 'chỉ có một lần trong đời'.

Trở về Việt Nam sau 3 tuần sống, chạy, thử sức mình tại đường đua Bắc Cực, chị Minh nói bản thân mình nhận lại được rất nhiều thứ. 'Ngoài những trải nghiệm trong quá trình chạy, chinh phục thời tiết, vượt qua bản thân thì mình có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với những người bạn quốc tế. Mỗi người đến từ một đất nước, một nền văn hóa nhưng có chung tình yêu với môn Marathon' - chị Minh tâm sự.

Chị Minh và bạn bè quốc tế tại ngôi nhà chung. Ảnh: NVCC.

Chị nhớ nhất kỷ niệm khi một vận động viên người Philippines mang theo nồi cơm điện và gạo lên máy bay. Cả nhóm đã hùi hục nấu cơm, sau đó ăn với ít thịt khô một cách ngon lành. 'Đó chắc là bữa cơm ngon nhất từ lúc sang Bắc Cực, dù chỉ là một chén cơm nhỏ khoảng nắm tay nhưng ai cũng vui, cũng hạnh phúc' - chị Minh xúc động nhớ lại.

Về đến Việt Nam, việc đầu tiên chị làm là đến bác sĩ kiểm tra chấn thương đầu gối. Trải qua vài thao tác xét nghiệm, chị Minh được chuẩn đoán là tổn thương sụn đầu gối. Bác sĩ khuyến cáo không được chạy và vận động mạnh trong thời gian 2 tháng. Nếu cố chấp, có thể sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, không thể đi lại được về sau. Vì chấn thương này, chị buộc phải hoãn tham dự cuộc thi IRONMAN được tổ chức tại Đà Nẵng vào giữa tháng 5 sắp tới.

Trong đoàn có 2 vận động viên khuyết tật, một người khiếm thị và một người phải dùng chân giả. Đó cũng là 2 gương mặt tiếp thêm động lực để chị Minh hoàn thành chặng đua của mình khi năng lượng tụt xuống dưới 10%.

Khi được hỏi về tình huống xấu nhất là không thể chạy Marathon được nữa, chị Minh khẳng định chị không cảm thấy buồn. Bởi vì, chị sẽ chọn một môn thể thao khác phù hợp với sức khỏe của mình lúc đó. 2 tháng sắp tới, chị sẽ thử sức với môn bơi.

'Cuộc sống không ai biết trước được những rủi ro sẽ đến với mình. Vì thế, đừng nên cố chấp thay đổi một điều gì đó. Quan trọng nhất vẫn là linh hoạt thay đổi để thích nghi, sau đó cố gắng hết sức để không phải hối hận, không phải luyến tiếc' - chị Minh chia sẻ về phương châm sống của mình.

Một số hình ảnh mới nhất của chị Tăng Nguyệt Minh khi trở về Việt Nam sau cuộc đua Marathon tại Bắc Cực.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Báo Đất Việt

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới