Nghệ nhân hơn 40 năm giữ nghề làm khuôn bánh trung thu ở phố cổ Hà Nội

Nghệ nhân hơn 40 năm giữ nghề làm khuôn bánh trung thu ở phố cổ Hà Nội

Logo Saostar - Special special

Nghệ nhân hơn 40 năm giữ nghề làm khuôn bánh trung thu ở phố cổ Hà Nội

Copy Link
Chia sẻ

Thời gian trôi qua, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhu cầu cuộc sống… đã trở thành những lý do khiến nhiều nghề nghiệp từng đứng trên đỉnh cao dần mai một hay thậm chí vĩnh viễn biến mất.

40 năm là khoảng thời gian khá dài, đủ để một người chứng kiến nhiều nghề mới sinh ra rồi mất đi. Vậy nhưng ở địa chỉ số 59 Hàng Quạt (Hà Nội), bấy nhiêu thời gian ấy vẫn có một người đàn ông kiên trì gắn bó với nghề làm khuôn bánh trung thu.

Không cần phải nói ra chắc ai cũng hiểu, trong thời điểm hiện tại, công việc này đang ở tình trạng thất thế ra sao. Phát minh khuôn bánh trung thu bằng nhựa ra đời đã làm những làng nghề chuyên sản xuất khuôn gỗ truyền thống sa sút mạnh mẽ. Thay vì bỏ ra vài trăm nghìn mua một chiếc khuôn gỗ, khách hàng chuyển hướng sang dùng khuôn nhựa rẻ tiền, dễ vận chuyển nhưng vẫn có mẫu mã đẹp, hiện đại.

Ở một góc khác, giá đất ở khu vực trung tâm Hà Nội đang không ngừng tăng cao. Có một chút đất vàng ở phố Hàng Quạt như gia đình ông Phạm Văn Quang (SN 1963, quê gốc Thường Tín, Hà Nội), có lẽ sẽ rất ít người sẽ chọn kế sinh nhai bằng nghề làm thợ đúc khuôn bánh… Nhưng mấy ai hiểu, giữa bao nhiêu sự vùi dập, bon chen của thời cuộc, để có thể giữ vững nghề nghiệp mình say mê quả là điều không đơn giản.

Sự thành công với nghề truyền thống đã không còn được nhiều người ưa chuộng của ông Quang chính là ví dụ điển hình cho một triết lý: Nghề cũ có thể đang bị xã hội quay lưng, nhiều người đã khuyên bạn bỏ cuộc… nhưng sự quyết định là ở bạn. Hãy tin vào lựa chọn và khả năng của chính mình. Bởi vì, dù có làm gì, bạn vẫn sẽ chỉ thực sự có chỗ đứng nếu bạn là người tài năng, tâm huyết!

Nếu bạn không tin, hãy đọc hết câu chuyện của ông Quang để chiêm nghiệm nhé!

Tìm ra cái hướng đi mới để phát triển nghề cũ và sự định nghĩa lại quan điểm thế nào là truyền thống

Tuy là một nghề cũ nhưng làm khuôn bánh trung thu không hẳn đã thất thế đến độ không còn ai theo đuổi. Ở Thường Tín hay ngay trên phố cổ giờ đây vẫn còn nhiều hộ gia đình kế nghiệp truyền thống… Tất nhiên, trong số họ không phải ai cũng giữ được uy tín và sự nổi tiếng xa gần như ông Quang.

Nói về điều này, ông Quang chia sẻ rằng, việc tạo ra một chiếc khuôn gỗ làm bánh trung thu không khó. Chỉ cần được chỉ dẫn, một người thợ mộc hoàn toàn có thể chế tác thành công. Tuy nhiên, làm sao cho cái khuôn gỗ mình tỉ mẩn gọt rũa biến thành tiền, nuôi sống gia đình, khiến khách hàng hài lòng bởi khi họ bỏ một đồng mua khuôn thì đã kiếm được 10 đồng lãi nhờ bán bánh là một chuyện không hề đơn giản.

Trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay, cái khó của người thợ không chỉ ở chỗ làm ra một cái khuôn đẹp mà còn ở khâu marketing hoặc giữ bí mật nghề nghiệp… Tất cả những thứ đó đều là kinh nghiệm suốt 40 năm qua ông Quang cặm cụi tích góp.

“Yếu tố đầu tiên giúp nghề này sống được là sự sáng tạo”, ông Quang nói. Khuôn nhựa ra đời đã giải quyết được hầu hết nhu cầu của khách hàng chỉ trừ một việc, đó là sự khác biệt không thể tìm thấy ở từng chiếc khuôn.

Nếu ngày hôm nay, bạn có ý định làm những chiếc bánh có hình thù độc đáo, chỉ riêng bạn nghĩ ra để dành tặng người thân, đồng nghiệp… thì chắc chắn, khuôn gỗ chính là lựa chọn tuyệt vời nhất. Nhiều khách hàng thường tìm đến ông Quang khi họ có sẵn một ý tưởng mới lạ nhưng lại không thể phác họa thành hình ảnh. Ông Quang sẽ giúp họ chuyển đổi những mong muốn trong đầu thành một sản phẩm khuôn làm bánh hiện hữu trong thực tế, có thể ngắm nhìn và dùng nó để tạo ra một mẻ bánh đẹp say lòng.

Cũng có khi khách hàng của ông là những doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất bánh. Họ muốn gây sự chú ý nhờ mẫu mã khác lạ và yêu cầu ông Quang tạo ra những chiếc khuôn vừa đẹp, vừa riêng biệt không lẫn với hàng nghìn, hàng vạn mẫu cũ.

Sự đòi hỏi khắt khe ấy đã đẩy giá những chiếc khuôn gỗ lên cao. Giá trị của nó đôi khi không thể nói ra một cách rõ ràng, có chiếc chỉ vài trăm nhưng cũng có cái vài triệu hoặc thậm chí cả chục triệu. Trong nhiều trường hợp, giá cả đã không còn quan trọng bằng hiệu quả và sự sáng tạo của chiếc khuôn do người thợ vắt óc, dốc sức để làm ra.

“Người ta mua được một cái khuôn, bán đắt hàng rồi thì có cho họ cũng không lấy thêm cái khuôn cũ ấy. Người thợ làm nghề muốn sống được thì lại phải sáng tạo ra những cái mới. Sự sáng tạo trong nghề này là không ngừng nghỉ“.

Ông Quang quan niệm, nghề truyền thống do ông cha sáng tạo ra nhưng dù mới hay cũ thì nó vẫn luôn phải đáp ứng với nhu cầu, thị hiếu hiện tại của khách hàng. Thời gian thay đổi kéo theo nghề nghiệp cũng dần thay đổi. “Không có gì bất biến nên nếu cứ bám lấy cái truyền thống để đứng yên ở đó thì chắc tôi bỏ nghề lâu rồi”.

Không phải người mua khuôn, thực khách bỏ tiền ra ăn bánh trung thu mới thực sự là khách hàng của người thợ làm khuôn

40 gắn bó với nghề làm khuôn bánh trung thu, ông Quang tâm niệm người thầy của mình không ai khác chính là khách hàng - người ăn bánh và khách mua khuôn.

“Khách của tôi mới nhìn tưởng là người mua khuôn nhưng thực ra họ chính là người ăn bánh. Nhu cầu của thực khách quyết định sự lựa chọn của người mua khuôn và ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Nghề này có cái khó là vừa phục vụ người làm bánh, vừa chiều ý sâu xa của thực khách“.

Nghệ nhân hơn 40 năm giữ nghề làm khuôn bánh trung thu ở phố cổ Hà Nội

40 năm từ khi biết cầm những chiếc đục gọt rũa khuôn gỗ làm bánh trung thu, người thầy có nhiều công lao được ông Quang tôn sùng nhất chính là khách hàng. Mỗi lần khách đến thăm gian hàng, góp ý của họ đều được ông Quang lắng nghe và lặng lẽ thay đổi.

“Khách hàng là những người rất khôn ngoan, cẩn trọng. Ví dụ họ chỉ thường đặt duy nhất 1 chiếc khuôn, làm thành bánh, bán ra tiền rồi mới đặt thêm nhiều chiếc khác. Kiếm được tiền từ khách không dễ nhưng đổi lại mình học được tính cẩn trọng cũng như biết cách nâng niu, trân trọng từng đơn hàng dù đó chỉ là giao dịch mua riêng 1 chiếc khuôn“.

Yêu nghề nên với ông Quang, công việc làm khuôn bánh trung thu không chỉ là kế mưu sinh mà còn vì đam mê, là cái nghiệp ông “trót” mang vào thân. Thế nên không phải ai bỏ tiền, ông cũng sẵn lòng phục vụ bằng mọi giá.

Cách đây ít ngày, có một vị chủ khách sạn muốn đặt hàng ông làm một chiếc khuôn bánh trung thu 15kg. “Tuy nhiên thời gian gấp gáp quá, tôi không nhận dù ông ấy nói giá cả không quan trọng. Làm cho người ta cái khuôn không vừa ý của chính mình, tôi thấy không thỏa mãn khi nhận tiền”, ông Quang nói thêm.

“Buôn bán ở đất Kẻ Chợ không thể không đanh đá”

Ông Quang vẫn quen gọi Hà Nội là đất Kẻ Chợ (36 phố phường mỗi nơi buôn một nghề). Sinh ra và lập nghiệp sớm ở vùng trung tâm Thủ đô nên bản tính ông Quang rất nhạy bén, thông minh và đôi khi còn khá “đanh đá”. Ông hay nói vui, mọi tính cách ấy sinh ra cũng chỉ để phục vụ việc mưu sinh ngay chốn phồn hoa đô hội. “Nếu hiền quá chắc không sống nổi ở đây“, ông Quang cười.

Ông nhớ có lần một khách hàng lớn ở Thái Bình đặt khuôn gỗ làm bánh trung thu nhưng mới trả tiền cọc và rồi mất hút. Đáp trả lại cách hành xử ấy, về sau hễ có ai ở Thái Bình đến mua khuôn, ông đều làm đẹp hơn, bán giá rẻ hơn. Khách cũ vì thế mà bị ế bánh, sau này phải tới tận nơi xin lỗi, trả lại đầy đủ số tiền khi xưa còn thiếu.

Có lần vị khách ở Hàng Đường mua khuôn làm bánh, khách đông xếp hàng nhưng cuối mùa trung thu lại chê ỏng eo khuôn xấu, muốn bớt giá. “Tôi nói luôn là nếu khách đã chê như thế, tôi sẽ nhận lại hết khuôn, trả lại tiền cọc nhưng với điều kiện tôi sẽ đốt hết số khuôn bị trả ấy ngay trước cửa tiệm bán bánh cho mọi người cùng biết. Cuối cùng vị khách đó cũng phải chịu nhận sai và trả đủ tiền“.

Sống ở đất Kẻ Chợ nên ông Quang giữ cho mình tính cách cẩn thận, điềm tĩnh. Để làm khuôn bánh kịp tiến độ, ông vẫn thuê người làm phụ giúp nhưng mỗi người chỉ làm một công đoạn khác nhau. Bí kíp làm ra chiếc khuôn đúng chuẩn, đáp ứng 100% đòi hỏi của khách hàng, ông chỉ giữ lại cho riêng mình.

“Những cái chung chung như làm khuôn bánh thì phải chọn gỗ thị là loại gỗ có thớ dẻo, dễ đục hoa văn nhưng lại lâu bị mòn, sứt… thì ai cũng biết. Cái chính là ý tưởng, mẫu mã làm khuôn thì phải tự mỗi người sáng tạo ra“.

Ngoài những “mánh” làm ăn, ông Quang cũng có rất nhiều kỉ niệm đẹp với khách hàng. “Có người được tôi làm cho chiếc khuôn ưng ý còn chụp ảnh, phóng to rồi đóng khung đem đến đây tặng…”, ông Quang nói.

Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất với ông có lẽ là làm ra nhiều chiếc khuôn, khiến nhiều khách hàng cảm thấy hài lòng và thực sự kiếm tiền được từ những sản phẩm của ông. Ông thường nói, đó chính là cách giúp mình, giúp người.

Sống bằng nghề truyền thống tưởng như đã cũ mòn nhưng bằng tài nghệ của mình, ông Quang vẫn duy trì cuộc sống rất lý tưởng. Cứ 1 tháng ông ở Hàng Quạt thì lại có 1 tháng về quê tại Thường Tín hít thở không khí trong lành. Cuộc sống với ông sẽ chỉ đúng nghĩa khi được tự do làm điều mình thích và không bị bó buộc bởi miếng cơm, manh áo.

“Người ta thường nói nhất nghệ tinh, nhất thân vình. Làm nghề nào cũng vậy, nếu mình có năng lực, mình biết phát triển những cái mới thì luôn có đất tồn tại, chẳng cần phải nghe ai nói ôi cái nghề này hết thời rồi mà cảm thấy nao núng… Còn nếu thật sự nghề làm khuôn không còn chỗ đứng, không ai cần thì tôi vẫn làm được nghề khác để sống. Quan trọng là dòng suy nghĩ tích cực và bản lĩnh dám sống với nghề“, ông Quang chia sẻ.

Bài viết

Vương Phi

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp