Tại bến phà Vàm Cống trên dòng sông Hậu nối tỉnh Đồng Tháp và An Giang những ngày cuối trước khi cầu Vàm Cống khánh thành đong đầy những cảm xúc khó tả.
Chiếc phà tải hơn 200 tấn dường như nặng hơn thường ngày bởi chở đầy tâm tư của những người làm công việc đưa khách qua sông hàng chục năm nay. Ngày mai đây, khi cầu Vàm Cống được khánh thành có lẽ chẳng ai phải luỵ phà để sang sông nữa.
Tiếng còi phà rít dài một hơi, vang vọng trong buổi chiều tà nén lại trong tâm thức người đi là những âm thanh quen thuộc, còn với người lái con phà này sẽ là hoài niệm về một thời lênh đênh trên sông nước bất kể nắng mưa vì miếng cơm, manh áo.
“Có cầu rồi ai mà đi phà nữa con ơi!”
Chiều 19/5, bến phà Vàm Cống vẫn hoạt động tuy nhiên có phần vắng vẻ hơn so với trước đó. Cũng phải, chẳng ai thích cảnh “muốn qua sông phải luỵ đò”.
Thuyền trưởng Nguyễn Trương An (quê Cần Thơ) có gần 20 năm gắn bó với nghề lái tàu tại phà Vàm Cống cho biết, anh vui một phần buồn một phần, do yêu nghề anh An quyết định tiếp tục công việc lái phà và sẵn sàng công tác tại bến phà khác để được lênh đênh trên sông nước đưa hành khách qua sông an toàn.
“Gắn bó hàng chục năm nay rồi chứ ít đâu, phà Vàm Cống nay chắc thành con phà của kỷ niệm rồi, có cầu rồi ai mà đi phà nữa đâu”.
“Xung quanh khu này toàn người lao động, người ta đi sợ luỵ phà còn tụi tui không đi cũng luỵ phà vì tụi tui còn bán nước, bán trái cây quanh đây”, cô Hồng (59 tuổi quê ở An Giang) bán nước hàng chục năm ở bến phà Vàm Cống nói.
Theo cô Hồng, có cầu cô cũng rất mừng vì sau này con cháu đi học đỡ khổ sở, vất vả, quê nhà lại phát triển hơn.
“Cây cầu này làm sáng cả một khu nông thôn ở đây chứ bộ”, cô Hồng khen ngợi.
Trên bến phà Vàm Cống có những người cố gắng bám phà để mưu sinh như nghề bán vé số, bán sâm lạnh “số 1 miền Tây”, hay là nem chua, bánh tráng,…
Người ta thường dậy rất sớm để chuẩn bị cho công việc bán buôn xung quanh bến phà hay có ngày lại thích lênh đênh trên sông nước tìm cái mưu sinh. Thoát chốc có người đã có kinh nghiệm bán ở trên phà cả chục năm vẫn vui vẻ khi nhìn thấy cầu Vàm Cống huy hoàng ngày được thông xe.
Đã chờ hơn nửa thập kỷ cho một công trình giao thông quan trọng nhất nhì miền Tây
“Cầu Vàm Cống thông xe thì vui chứ sao, đi lại thuận tiện vừa thoải mái không mất thời giờ, tiết kiệm được tiền nữa sao không vui cho được nhất là đối với người làm tài xế đường xa như tui, nhưng mà nói ra cũng buồn nhiều khi người ta quen cầu người ta thích cầu lại quên bến phà, phà đó tui đi từ nhỏ tới lớn vì nhà tui ở bên này sông Hậu cũng quen thân với mấy cô chú trên phà, mong họ có công việc làm ổn định thôi chứ mong gì đâu”, anh Nguyễn Thanh Hàng (45 tuổi, ngụ Lấp Vò) cho biết.
Cầu Vàm Cống khởi công ngày 10/9/2013, dự kiến thông xe vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, ngày 4/11/2017, do sự cố nứt dầm ngang trên đỉnh trụ cầu phải ngưng thông xe chờ khắc phục đến nay mới hoàn tất, được hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Như vậy từ khi được khởi công đến nay đã 6 năm, sáng nay ngày 19/5 cầu Vàm Cống đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thông xe. Công trình 5.700 tỷ đồng nối quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp làm sáng rực cả hai bờ sông Hậu.
“Tui với bà nhà thức sớm sớm đi coi người ta làm lễ thông cầu, thích dữ thiệt khi thấy cây cầu lớn đồ sộ làm sáng nguyên thôn quê nhà mình, tui chở vợ tui chạy qua chạy lợi (lại) ngắm cảnh, tui còn chụp mấy bôi (ảnh) làm kiểu với cầu Vàm này nữa”, một người dân miền Tây chia sẻ niềm vui ngày cầu Vàm Cống được thông xe.
Nói cầu Vàm Cống là niềm mong mỏi của người dân vì nó giúp người dân đi lại thuận tiện hơn vào bất cứ lúc nào, chưa kể sản phẩm mà người dân miền Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hằng năm là từ nông nghiệp có tải trọng lớn phụ thuộc vào yếu tố vận tải rất nhiều nên khi có cầu Vàm Cống người dân đỡ vất vả hơn, thời gian vận tải lại được rút ngắn.
Hơn hết, cầu Vàm Cống còn giúp thông tuyến N2 trong lộ trình vận tải từ Bình Phước, Bình Dương và TP HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và mũi Cà Mau mà không phải qua quốc lộ 1A. Việc thông xe cầu Vàm Cống còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng được thuận lợi.
Theo đó, thông tin từ UBND TP Cần Thơ cho biết sẽ kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu giữ lại phà Vàm Cống với quy mô hoạt động nhỏ hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu cho một số người dân qua lại bằng phương tiện phà và tạo điều kiện cho người dân buôn bán sinh sống quanh đây.
Thông tin kỹ thuật về cầu Vàm Cống
Cầu Vàm Cống dài 2,97 km, được thiết kế dây văng, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, hai trụ tháp cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn xe ôtô và hai làn xe máy tách biệt. Đường dẫn vào cầu rộng 20,6 m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/h.