Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cán bộ, đảng viên và người dân trên mọi miền đất nước đều bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn khi phải tiễn biệt một nhân cách lớn của dân tộc, một Tổng tư lệnh của lòng dân.
Bốn câu thơ tặng An Giang
Bày tỏ sự kính trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, vừa có tư duy lý luận vượt trội vừa có phương pháp lãnh đạo khoa học, chỉ đạo kiên quyết, nói đi đôi với làm; có lối sống giản dị, gần gũi với đồng bào, đồng chí, đồng nghiệp, cộng sự và cấp dưới.
Nhiều nhà nghiên cứu trong, ngoài nước; cán bộ, đảng viên hay những người dân bình thường, tất cả đều bộc bạch tấm lòng trân quý đối với Tổng Bí thư, trìu mến gọi đồng chí là "Tổng tư lệnh của lòng dân."
Ông Nguyễn Hữu Thịnh bày tỏ: Tôi luôn nhớ lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Muốn làm người đảng viên, muốn làm người cán bộ, trước hết phải là một con người chân chính, một con người biết trọng liêm sỉ, biết trọng danh dự, bởi danh dự thứ cao quý nhất trên đời. Danh dự là biểu hiện cao nhất của liêm sỉ, là yêu cầu tối thượng đối với mỗi cán bộ, đảng viên."
Tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: "Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!"… Chúng ta dù ở cương vị nào trước hết phải là người ngay ngắn, con người chân chính, được mọi người yêu mến, tin tưởng, tôn trọng."
Ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp nhất của người cộng sản chân chính, sáng ngời về đạo đức cách mạng, là người lãnh đạo mẫu mực, sáng suốt, giản dị, tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng, là người lãnh đạo đáng kính của Nhân dân Việt Nam.
“Sự ra đi của Tổng Bí thư là tổn thất to lớn của Đảng và đất nước, để lại sự tiếc thương vô hạn trong các tầng lớp nhân dân. Những tư tưởng, quan điểm, phong cách lãnh đạo, đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sẽ tiếp tục được nghiên cứu, học tập, quán triệt và đẩy mạnh hơn nữa, nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,” ông Lê Quốc Cường xúc động chia sẻ.
Khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, là cán bộ, đảng viên trẻ, nhà báo Ngô Ngọc Chuẩn, Trưởng phòng Kinh tế, Báo An Giang bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn.
Nhà báo Ngô Ngọc Chuẩn nhớ như in năm 2018, trong chuyến thăm và làm việc tại An Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang bốn câu thơ:
"An Giang đã nói là làm
Đã đi là đến, đã bàn là thông
Đã quyết là dốc một lòng
Quê hương vẫy gọi,
Đảng mong, dân chờ."
Ý thơ cũng thể hiện tấm lòng của Tổng Bí thư đối với An Giang - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, vùng đất có nhiều đột phá, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Không phụ sự mong mỏi và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kinh tế, xã hội của tỉnh An Giang luôn đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; đời sống, vật chất và tinh thần của Nhân dân An Giang không ngừng được nâng cao.
Người miền biển với tấm lòng mộc mạc
Cùng với nhân dân cả nước bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ chiều 19/7, sau khi biết tin Tổng Bí thư từ trần, người dân miền biển xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã có những việc làm cụ thể để bày tỏ sự kính trọng, biết ơn, tiếc thương.
Ngay từ chiều 19/7, tại xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích, khi biết tin về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua nguồn báo chính thống, loa truyền thanh của xóm đã đưa tin ngắn gọn về sự việc, tiểu sử, sự nghiệp, cống hiến của Tổng Bí thư đến với mọi người dân.
Cũng trong chiều cùng ngày, khi nhận được thông báo từ xóm trưởng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đánh bóng chuyền… diễn ra thường ngày vào buổi chiều tại Nhà văn hóa xóm đã dừng lại.
Trục đường chính dài gần 1km chạy qua xóm cũng yên tĩnh hơn bởi người dân không còn mở loa đài như trước kia. Nhiều gia đình đã chuẩn bị cờ Tổ quốc để thực hiện việc treo cờ rủ, kính tiễn Tổng Bí thư về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Ông Nguyễn Đình Tân (xóm Quyết Thắng, xã Diễn Bích) cho biết từ chiều qua, khi nghe thông tin Tổng Bí thư từ trần, bản thân tôi và nhiều người trong xóm cảm thấy buồn và tiếc nuối.
Cả cuộc đời, bác Nguyễn Phú Trọng đã tận tâm đóng góp, cống hiến tài năng cho cách mạng, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh; khẳng định vị thế của đất nước trên chính trường quốc tế.
Sự ra đi của Tổng Bí thư là một tổn thất lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên những nền tảng, đóng góp của Tổng Bí thư để lại, những kết quả, thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được hàng chục năm qua trong công cuộc đổi mới toàn diện đã minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, vững mạnh của Đảng ta. Bản thân tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết hoàn thành tốt mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Ông Hồ Văn Giáo, xóm Quyết Thắng, cũng không giấu được cảm xúc cho biết: "Chiều 19/7, nghe tin bác Trọng mất, bản thân tôi buồn lắm. Gia đình tôi là nơi anh em cán bộ hưu trí thường hay lui tới để đánh cờ, uống trà vui tuổi già. Nhưng từ khi biết tin Tổng Bí thư mất, chúng tôi cũng không tụ tập giao lưu như mọi ngày nữa, dù biết “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của mỗi con người. Dẫu vậy, bản thân tôi luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách của Đảng và mong muốn trong hàng ngũ của Đảng có nhiều những đảng viên ưu tú, kiên trung, mẫu mực, tài trí, xuất sắc như tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng."
Vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng
Đảng viên Dương Văn Bé (phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Cần Thơ xúc động cho biết tối qua khi xem thời sự, biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông rất bàng hoàng và đau xót khi đất nước mất đi một người lãnh đạo tài năng, đạo đức.
Theo ông Dương Văn Bé, qua gần 3 nhiệm kỳ giữ chức vụ người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp hết sức to lớn trong xây dựng Đảng, xây dựng đất nước. Trước hết là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, rèn luyện, học tập theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Đặc biệt, công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo với nguyên tắc "không có vùng cấm" đến nay rất hiệu quả, được nhân dân và các tổ chức đảng ở địa phương hết sức tín nhiệm.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam phát triển lên tầm cao mới về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng, khẳng định vị thế quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
"Những phẩm chất, đạo đức, tài năng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về tinh thần phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân trong suốt quá trình công tác của mình đã chứng minh Tổng Bí thư chính là người học trò xuất sắc của Bác Hồ," đảng viên Dương Văn Bé bày tỏ. Ông cũng tin tưởng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đoàn kết, vững vàng vượt qua khó khăn để đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Danh dự là điều thiêng liêng nhất
Biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cán bộ, đảng viên và nhiều người dân ở Hải Dương đều bày tỏ tình cảm kính yêu và tiếc thương.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Chí Linh Nguyễn Minh Thắng chia sẻ: “Những năm qua, qua các phương tiện truyền thông, tôi đều theo dõi, ghi lại những lời nói, bài phát biểu ở các hội nghị, những buổi đi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư, qua đó, cảm nhận được sự gần gũi, sẻ chia của người đứng đầu Đảng đối với cán bộ và các tầng lớp nhân dân.
Các cuốn sách của Tổng Bí thư như "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng"… tôi đều nghiên cứu rất kỹ và cùng với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời tới các cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Chí Linh.
Những cuốn sách của Tổng Bí thư đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tư duy chiến lược, những chỉ đạo sát sao, tâm huyết của người đứng đầu Đảng với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Chí Linh cho biết: "Tôi rất ấn tượng với câu nói của Tổng Bí thư "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!"
Câu nói đã thể hiện khí chất của một người chiến sỹ cách mạng, một tấm gương về đạo đức, tấm lòng của một “Sỹ phu Bắc Hà” trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực"./.