Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người dân làng lụa Nha Xá: '5 năm nay Khaisilk mua lụa ở đây rất ít'

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Ông Hoàng Khải - Chủ tịch tập đoàn Khaisilk thừa nhận bán lụa nguồn gốc Trung Quốc, và 50% còn lại chủ yếu là lụa của làng Nha Xá (Hà Nam). Tuy nhiên, nhiều người dân làng nói trước đây họ có biết Khaisilk nhập lụa từ đây nhưng hiện không có hoặc rất ít.

Nhiều ngày qua, vụ nhiều khách hàng lên tiếng tố khăn lụa thương hiệu Khaisilk có tới 2 nhãn mác là “Made in China” và “Made in Vietnam” đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ngay sau vụ lùm xùm này, ông Hoàng Khải, Chủ tịch tập đoàn Khaisilk thừa nhận thương hiệu mình có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc 30 năm qua và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Nhiều người dân vô cùng bất ngờ trước thông tin Khaisilk nhập chủ yếu lụa từ Nha Xá.

Người dân Nha Xá phơi lụa.

Doanh nhân này cũng thừa nhận, hiện nay nguồn tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk là nhập khẩu 50%. Số còn lại mua từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, nhưng chủ yếu là làng Nha Xá (Hà Nam).

Trước thông tin trên, ngày 27/10, PV về làng lụa hàng trăm năm tuổi Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam) để tìm hiểu.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích (54 tuổi), người 30 năm sản xuất lụa truyền thống cho biết, nhiều người dân làng nghề vô cùng bất ngờ trước thông tin Khaisilk nhập lụa chủ yếu từ Nha Xá.

Bà Bích cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, Khaisilk không thu mua lụa ở đây nữa”.

“Tôi cũng có nghe thông tin ông chủ Khaisilk trả lời trên báo chí, phát cả lên loa của xã là mua lụa ở làng Nha Xá. Nhưng thực tế là không phải. Từ những năm 1990, Khaisilk có mua lụa ở đây nhưng thông qua anh Trọng - người thu gom lụa của người dân rồi bán cho Khaisilk. Đến khoảng 5 năm trở lại đây, tôi thấy Khaisilk không mua lụa ở đây nữa”, bà Bích nói.

Theo bà, làng Nha Xá làm lụa từ xưa đến nay, có người đặt hàng thì người dân mới làm, nguyên liệu để quay và dệt ra thành phẩm đều là hàng thật 100%, có muốn làm giả cũng không được vì máy móc ở đây đều thủ công.

Những chiếc khăn lụa 100% được người dân đóng gói cho người đặt hàng.

Khăn bán giá gốc 150.000 đồng nhưng đóng gói xuất khẩu nước ngoài 54 USD (1,2 triệu đồng).

Chia sẻ về mức giá một chiếc khăn, bà Bích cho hay, khăn nhà làm ra bán 150.000 đồng/chiếc. Còn xuất sang nước ngoài, khách đặt thì 54 đô la (tương đương với 1,2 triệu đồng).

Trước thông tin ông Hoàng Khải thừa nhận có bán lụa Trung Quốc nhưng gắn mác “Made in Việt Nam”, bà Bích không hài lòng với việc làm này.

“Những người làm lụa như chúng tôi cho rằng việc làm trên là không thành thực với người tiêu dùng, lừa dối khách hàng để lấy lợi nhuận. Còn đối với lụa Nha Xá thì chuẩn 100%”, bà Bích thẳng thắn nói.

Người dân cho rằng việc hoán đổi nhãn mác của Khaisilk là không chấp nhận được.

Ông Tuấn, một hộ kinh doanh và làm lụa tại Nha Xá cũng cho biết: “Trước đây có một người làm lụa của làng chuyên bán cho cửa hàng ở phố hàng Gai. Nhưng mấy năm trước số lượng họ bán ra ít hơn, 5 năm trở lại đây thì rất hạn chế. Gia đình tôi thì chưa bao giờ bán hàng cho Khaisilk”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Quảng - Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá cho biết, hiệp hội không quản lý nguồn ra. Những sản phẩm tơ lụa làm ra đều do các cá nhân trong làng tìm đối tác.

Một chiếc khăn lụa hoàn thiện.

Công đoạn người dân nhuộn màu cho lụa.

Lụa thành phẩm được người dân xếp trước khi cắt thành khăn hoàn chỉnh.

“Lụa Nha Xá có tuổi đời hàng trăm năm nay và đã có thương hiệu. Trước đây có người kinh doanh bán lại tơ lụa cho ông Hoàng Khải nhưng chỉ là phần nhỏ. Chủ yếu hộ ở địa phương bán tơ lụa cho thị trường Sài Gòn, Hội An (Quảng Nam), Hà Đông và xuất khẩu nước ngoài”, ông Quảng nói.

Có thông tin về việc người đàn ông tên Trọng cung cấp lụa Nha Xá cho Khaisilk, ông Quảng nói rõ: “Người giúp mua tơ lụa cho Khai Silk ở đây vài năm nay gần như không có hoặc có cũng không đáng kể”.

Về thông tin ông chủ Tập đoàn Khaisilk thừa nhận và xin lỗi khách hàng vì bán hàng tơ lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam, ông Quảng cho biết, điều này không thể chấp nhận.

“Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ hơn để trả lại công bằng cho người dân làng nghề vì người dân rất vất vả, lợi nhuận rất nhỏ”, ông Quảng chia sẻ. Ông cũng cho biết thêm, hiện Nha Xá có 150 hộ kinh doanh các mặt hàng tơ lụa với gần 400 máy dệt.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất