“Có những sinh linh bị phá bỏ thi thể không còn nguyên vẹn, tôi thương mà khóc suốt”
Đều đặn mỗi sáng, bà Đỗ Thị Cúc (49 tuổi, ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) lại rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng ra bãi rác đầu làng, những con đường ven đê. Bà Cúc đến đây trước tiên đó là tìm kiếm xem có thai nhi nào bị bỏ rơi, gói ghém cẩn thận vào những chiếc hộp mang sẵn treo lên xe. Sau đó, bà mới bắt đầu công việc nhặt nhạnh phế liệu.
Clip bà Cúc kể lại hành trình 10 năm đi nhặt xác hài nhi.
Một lần nhặt rác như vậy cách đây 10 năm đã gieo duyên đưa bà Cúc đến với công việc này. Khi đó, bà Cúc mở bọc túi nilon màu đen ra thì bất ngờ phát hiện 7 thai nhi nhỏ xíu nằm giữa bãi phế liệu. Trong đó có những em bé đã hình thành đủ mặt mũi, bàn tay nhỏ xíu. Sau một hồi định thần, bà Cúc quyết định đưa các em về khâm liệm, chôn cất.
“Hôm đó là một ngày suốt đời tôi không bao giờ quên. Tôi vẫn nhớ mang 38 nghìn phòng thân nhỡ xe thủng xăm. Thế nhưng thấy các cháu đỏ hỏn bị vứt bỏ, tôi liền lấy toàn bộ số tiền đó mua khăn trắng về nhà khâm liệm rồi chôn cất cẩn thận”, bà Cúc chia sẻ.
Kể từ hôm đó, cái duyên công việc “bất đắc dĩ” thu nhận những sinh linh bé nhỏ bị nạo bỏ đến với bà Cúc như một định mệnh. Ngay ngày hôm sau, bà lại tiếp tục thấy 8 thai nhi bị vứt bỏ ở bãi rác. Bà Cúc cẩn thận gói ghém thai nhi rồi mang về nhà mua hoa cúc trắng tiến hành khâm liệm, chôn cất các con.
Thấy những thai nhi bị bỏ rơi vô tội, người phụ nữ này mang nhiều đắn đo suy nghĩ. Bà quyết định chia sẻ với chồng và mẹ già về việc mình sẽ làm. Nghe vợ nói, ông Trần Thuyến không ngăn cản mà khuyên “hãy cứ làm vì cái tâm của mình”. Chồng nói vậy khiến bà Cúc cảm thấy nhẹ lòng.
Nghĩ những sinh linh tội nghiệp bị vứt bỏ, ngay đến một chốn yên nghỉ cũng không có. Từ đó, bà Cúc đã đạp xe đi từng bãi rác, bệnh viện để mang về chôn cất. Hôm ít thì bà nhặt vài bé, lần nhiều lên đến gần 60 bé trong một ngày, nhất là ở các bệnh viện, phòng khám, cả trong và ngoài tỉnh. Bà cho số điện thoại để ai có nhu cầu bỏ thai thì gọi đến.
“Ban đầu nhiều người dân trong vùng biết tin còn nói tôi gàn giở, trần gian có một. Tôi cứ thầm lặng đưa thi hài các con về chôn cất không nói với ai. Có người còn nghĩ tôi làm việc xấu. Đến các bệnh viện chờ đợi mãi họ mới cho đưa thai nhi về chôn cất. Khoảng 7 tháng sau đó các bệnh viện hiểu được công việc tôi làm, đã chủ động gọi điện đến đưa các con về chôn cất”, bà Cúc chia sẻ.
Những cuộc gọi nhặt xác thai nhi bất kể giờ giấc, có lúc nửa đêm, có ngày mưa phùn gió bấc hay nắng cháy da thịt bà Cúc không quản ngại. Bà bảo đến như thế còn hơn để các con bị vứt bỏ ngoài bãi rác tội nghiệp.
Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, bà Cúc đặt các em trong những chiếc hộp nhựa, sau đó một năm thì bắt đầu mua tiểu chôn cất. Nhiều khi bí tiền, bà mua những miếng khuôn xi măng rồi ghép lại thành tiểu, đỡ đồng nào hay đồng đó.
Cho tới nay, 10 năm trời trôi qua, bà Cúc nhặt được hơn 27.000 xác thai nhi đưa về nhà chôn cất. Từng nấy năm bà cũng trải qua vô vàn những ký ức mà có làm công việc này bà mới cảm nhận được phía sau phòng nạo phá thai là những sinh linh tội nghiệp.
“Tôi nhớ một lần, một cháu bé đã 7,8 tháng tuổi nhưng bị phá bỏ. Thi thể con không còn nguyên vẹn nhưng bàn tay nhỏ nhắn của con nắm lấy ngón tay tôi. Hôm đó, tôi đưa con về nhà vừa đi vừa khóc không ngừng. Ông trời cho con được hình thành nhưng không cho con được làm người, được nhìn thấy ánh mặt trời, được sống… Những trường hợp thai nhi đã lớn nhìn rất thương tâm”, bà Cúc xúc động kể lại.
Thậm chí có lần bà Cúc chứng kiến thấy cảnh một đôi nam nữ vô cảm cầm bịch nilon chứa thai nhi vứt thẳng vào bãi rác. Khi bà chạy tới kiểm tra thì đôi nam nữ này đã vội vàng rời đi…
Cứu 79 đứa trẻ được chào đời
Tiếp câu chuyện với chúng tôi bà Cúc bảo, suốt những năm qua ngoài 3 đứa con bà đang nuôi giữ còn khuyên ngăn, giúp đỡ thành công 79 trường hợp có ý định nạo phá thai. Có trẻ giờ đã gần 10 tuổi.
Trong 79 trường hợp trên, có 2 bé trai sinh đôi là Trần Bảo Quốc và Trần Bảo Khánh (giờ đã 5 tuổi) đã được bà Cúc cứu sống. Ngay khi biết tin người mẹ trẻ định bỏ đi bào thai, bà Cúc đã cố gắng khuyên nhủ, hỗ trợ và nhận nuôi hai cháu từ khi lọt lòng do điều kiện người mẹ khó khăn, đi làm ăn xa.
Khi mang thai hai bé Bảo Quốc và Bảo Khánh, mẹ của hai bé này quê huyện Kim Bảng, Hà Nam đang mang thai 2 tháng đòi phá bỏ. Biết chuyện bà Cúc liền cố gắng khuyên nhủ.
“Ai đó cho số điện thoại của tôi nên mẹ cháu đã gọi điện chia sẻ với tôi. Cô ấy bảo mới nghỉ học đi làm công việc không ổn định. Lúc này siêu âm có 2 thai tôi bảo giữ lại cháu bé. Lo sợ cô ấy dứt bỏ con, ngày nào tôi cũng điện thoại khuyên nhủ. Tôi còn mang cho vài yến gạo để mẹ con ăn. Khi thai được 5 tháng, cô ấy đòi phá tiếp tôi lại khuyên tốt nhất giữ lại và cuối cùng cô ấy đã nghe mình”, bà Cúc nhớ.
Khi đi sinh, người mẹ không có một đồng nào, trong nhà không có tiền bà vội đi vay được hơn 10 triệu đồng rồi vội vã vào bệnh viện. Hai con trai Trần Bảo Quốc (nặng 1,8kg) và Trần Bảo Khánh (1,7kg) chào đời trong niềm vui của bà Cúc và người mẹ. Vì điều kiện kinh tế, người mẹ sau này đã giao hai bé nhờ bà Cúc chăm sóc.
“Bảo Quốc và Bảo Khánh sinh ra rất yếu do mẹ bé giấu thai nên để lại nhiều hậu quả. Trong suốt những tháng đầu, hai bé chỉ ngủ trên vòng tay tôi cả ngày lẫn đêm nên thời gian đó tôi vô cùng mệt mỏi. Giờ nhìn hai con lớn lên, ngoan ngoãn nghĩ lại những ngày đó lại thấy ông trời thương mình. Hai bé thông minh, lém lỉnh và rất tinh nghịch”, bà Cúc nói.
Từ những lần giúp đỡ các cô gái sa ngã như thế, số điện thoại của bà Cúc tự nhiên được những cô gái trẻ rỉ tai nhau. Không ngồi im chờ người gọi đến, cứ biết có người gặp vấn đề, ở đâu đang chuẩn bị phá thai là bà chủ động tìm đến thuyết phục.
Những trường hợp khác, sau khi nhận được tin báo, bà Cúc lại tức tốc tìm đến tận nơi để khuyên nhủ, giải thích cũng như tạo điều kiện nơi ăn chốn ở và đưa cô gái về chăm sóc cho đến ngày sinh nở để người mẹ trẻ cũng bớt được nỗi lo và giữ lại thai nhi.
Ôm bé gái gần 1 tuổi xinh xắn trên tay, bà Cúc kể, cách đây gần 1 năm vào khoảng 21h tối khi đang đi trên đường đê gần cầu Yên Lệnh (huyện Duy Tiên) bà thấy một vật màu trắng bên đường. Lại mở ra, bà thấy một bé gái vừa sinh còn nguyên dây rốn nên vội vã đưa bé về nhờ bác sĩ đến chăm sóc.
“Con tôi sau đó chụp ảnh đăng lên mạng xã hội để nếu mẹ con thấy con thì đến đón. Sau toàn người xa lạ tự nhận là người thân của bé nhưng tôi không trao con. Bé rất ngoan, trong suốt một tháng trời tôi nuôi con không một tiếng khóc, ăn xong là ngủ. Giờ bé đã gần 1 tuổi, đáng yêu, xinh xắn”, người phụ nữ này chia sẻ.
Dù điều kiện gia đình tôi còn nhiều khó khăn, cả gia đình chỉ trông chờ vào mẫu ruộng và đan lát để kiếm thêm thu nhập, nhưng nếu cứu sống và giúp đỡ được trường hợp nào bà Cúc bảo luôn sẵn sàng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thuyến (chồng bà Cúc) bảo, bao năm qua ông và các con luôn ủng hộ việc làm của vợ. Có lúc nhận tin con trai còn lấy xe máy đưa bà Cúc đi.
“Vợ làm vì cái tâm cái đức tôi luôn ủng hộ. Có hôm vợ chồng đang cấy vợ nghe tin ai đó vứt bỏ thai nhi liền vội vàng đi luôn, mình tôi ở lại cấy tiếp. Thực sự bao năm qua tiền bạc bỏ ra lo cho những sinh linh xấu số có kể cũng chẳng thể nhớ vì vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ đến”, ông Thuyến nói.
Dãy mộ chung của hơn 20 nghìn thai nhi giờ đây được bà Cúc xây dựng khang trang. Hằng ngày bà vẫn lui tới nghĩa trang quét dọn thắp hương cho các con. Những bông hoa cúc trắng được đặt lên mộ với khói hương nghi ngút khiến ai cũng cảm thấy xót xa. Trung bình mỗi tháng bà Cúc nhặt được 300 đứa trẻ bị phá bỏ. Có tháng bà nhặt tới gần 600 sinh linh vô tội. Tất cả bà gói ghém cẩn thận dồn đến cuối tháng làm lễ chôn cất cho các con. Chiếc ô tô nhỏ xíu được ai đó đặt trên ngôi mộ đã phai màu theo mưa gió nơi những đứa bé tội nghiệp không được nhìn thấy ánh mặt trời.
“Tôi chỉ mong sao mỗi ngày không phải nghe những cuộc điện thoại từ các nơi gọi về báo có xác hài nhi, để rồi lại một ngày phải buồn, phải thương xót cho số phận các em. Tôi muốn truyền tải thông điệp bảo vệ sự sống cho thai nhi, ngăn chặn nạn phá thai như hiện nay, mong các bạn sống nên quan hệ an toàn, có trách nhiệm với chính bản thân mình”, bà Cúc bày tỏ.