Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Người đàn bà cùng hai con 28 năm mang tội hại chồng, giết cha giờ mới được giải oan

Theo Gia đình và Xã hội Theo dõi Saostar trên google news

Sau những năm tù đày vì mang tội giết cha, một người con của bà Đặng Thị Nga đã uất ức đến sinh bệnh rồi qua đời. Người con còn lại không chịu được tiếng oan đã phải bỏ đi nơi khác mưu sinh…

Thông tin mới nhất từ TAND tỉnh Điện Biên cho biết, sau khi công an tỉnh Điện Biên có quyết định đình chỉ vụ án “giết người” xảy ra tại huyện Tuần Giáo năm 1989, ngày mai (24/10), TAND tỉnh Điện Biên sẽ xin lỗi công khai gia đình bà Đặng Thị Nga trong vụ án oan giết chồng và cha.

Trước đó, ngày 19/10, đại diện VKSND và Công an tỉnh Điện Biên đã tổ chức công bố và trao quyết định đình chỉ điều tra cho bà Đặng Thị Nga (80 tuổi, trú thị trấn Tuần Giáo) cùng hai người con trai là Trịnh Công Hiến (đã chết) và Trịnh Huy Dương (47 tuổi).

Được biết, cả ba mẹ con bà Nga bị Công an huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (cũ) khởi tố về tội giết người vào năm 1989.

Theo quyết định đình chỉ điều tra do đại tá Lê Công Bính - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên ký, lý do đình chỉ điều tra bị can nêu rõ: Hành vi của ba mẹ con bà Nga không cấu thành tội giết người!

Câu chuyện oan thấu trời của gia đình bà Nga được báo chí dày công tìm hiểu với tên gọi: “Kỳ án dưới chân đèo Pha Đin”.

Bà Đặng Thị Nga (ở giữa) cùng con trai nhận quyết định đình chỉ bị can sau 28 năm mang án oan giết chồng, giết cha. Ảnh: Luật sư Vũ Thị Nga.

Trở lại căn nhà cấp 4 của bà Nga nằm nép dưới chân đèo Pha Đin. Người dân ở đây không còn nhớ rõ vụ việc của gia đình bà xảy ra từ năm nào, nhưng ai cũng biết chuyện bà bị bắt về tội giết chồng, hai con trai bà bị bắt về tội giết cha.

Đôi bàn tay nhăn nheo, bà Nga lần giở tập hồ sơ đang mờ dần từng con chữ bởi thời gian. Câu chuyện dần tái hiện…

Đó là đêm 17 rạng sáng 18/9/1989, bà Nga cùng các con không thấy chồng là ông Trịnh Huy Tùng về ngủ. Sau khi đi tìm, gia đình bàng hoàng phát hiện ông Tùng chết dưới giếng.

Nỗi đau mất người thân chưa nguôi thì 4 ngày sau, Công an tỉnh Lai Châu cũ (sau tách thành Lai Châu và Điện Biên) đến nhà đọc lệnh bắt hai con trai của bà là anh Trịnh Công Hiến (khi đó 26 tuổi) và Trịnh Huy Dương (khi đó 19 tuổi) để điều tra về tội giết người. 10 ngày sau đó, công an tiếp tục bắt bà Nga do nghi ngờ bà cùng hai con ra tay sát hại ông Tùng.

“Tôi và hai con đầu bị bắt đi, ba đứa nhỏ còn lại sống bơ vơ, đói khổ rồi bỏ học trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của người đời”, bà Nga nói trong nước mắt.

“Ước nguyện cuối đời trước khi chết của tôi đã thành, nỗi oan đến thấu trời của gia đình tôi đã được giải…”, bà Nga ngậm ngùi. Ảnh: Ngọc Quang

Năm 1990, TAND tỉnh Lai Châu (cũ) mở phiên xét xử sơ thẩm và kết án bà Nga 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội không tố giác tội phạm (bà bị tạm giam 7 tháng). Riêng Trịnh Công Hiến bị kết án 18 năm tù và Trịnh Huy Dương 12 năm tù về tội giết người.

Sau khi được trả tự do, bà Nga mò mẫm, gõ cửa hết các cơ quan tố tụng trung ương để kêu oan. Tháng 12/1990, TAND tối cao đã mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử vụ án này.

Do chứng cứ buộc tội không vững, nên phía đại diện VKSND tối cao tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu Công an tỉnh Lai Châu (cũ) điều tra lại từ đầu.

Sau phiên phúc thẩm ấy, cả hai anh Hiến và Dương bị giam thêm hơn một năm nữa. Vậy là bà Nga lại tiếp tục hành trình đi kêu oan cho các con. Tháng 1/1992, VKSND tỉnh Lai Châu (cũ) có quyết định hủy bỏ việc tạm giam với hai người sau 28 tháng ngồi tù.

Vụ án bị “treo” lơ lửng, không một phiên tòa nào được mở lại, nên mẹ con bà Nga dù được ra khỏi tù, nhưng cũng bị người đời gièm pha là “kẻ giết người”.

“Mẹ con tôi sống trong uất ức và tủi nhục. Các con đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối, trai đến tuổi lập gia đình cũng chẳng ai đoái hoài. Tôi đã tính chuyện bỏ quê đưa các con đến nơi khác sinh sống, nhưng nghĩ vụ án chưa kết thúc nên ở lại, chờ đợi”, bà Nga nức nở.

Trước lúc bị bắt, anh Hiến có một mối tình đẹp với một cô gái gần nhà, nhưng từ khi người yêu vào tù, vì không vượt qua nổi “bia miệng, tiếng đời” nên cô đã dứt áo đi lấy chồng. Buồn chán rồi sinh bệnh tật, năm 2004 anh Hiến mất.

“Con trai tôi lúc chết trên ngực vẫn còn lưu dòng chữ “hận đời oan trái”. Nó xăm những chữ ấy khi ở trong tù và bảo với các em “khi nào được minh oan thì sẽ xóa”. Thế nhưng đến tận lúc nhắm mắt mà cái tội danh giết cha vẫn lơ lửng trên đầu”, bà Nga kể lại trong nước mắt.

Riêng người con trai thứ hai là anh Dương, vì không chịu nổi sự kỳ thị của người đời nên đành bỏ quê đi nơi khác làm ăn.

Gia đình bà Nga đặt quyết định đình chỉ điều tra lên ban thờ và thắp hương cho anh Trịnh Công Hiến. Ảnh: Giang Long

Ròng rã hàng chục năm trời với hàng trăm lá đơn được gửi đi khắp nơi mà vụ án vẫn rơi vào im lặng. Gia đình bà Nga gần như buông xuôi, chấp nhận sống với thân phận bị can cho đến cuối đời.

Những đơn thư kêu oan của mẹ con bà Nga cuối cùng cũng đến tay những người có thẩm quyền. Vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng tìm lại hồ sơ và gặp những người trước đây tham gia giải quyết vụ án. Song do thời gian dài, khi xảy ra vụ án huyện Tuần Giáo thuộc tỉnh Lai Châu và đa số người trực tiếp tham gia giải quyết vụ án đã chết nên khó khăn trong quá trình đánh giá, kết luận…

Tháng 9 vừa qua, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị cơ quan tố tụng liên ngành sớm làm rõ vụ án dưới chân đèo Pha Đin.

Ngày 11/10, liên ngành tố tụng tỉnh Điện Biên trực tiếp báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành tố tụng Trung ương về việc giải quyết vụ án và giải quyết đơn của bà Nga; đồng thời chỉ đạo Cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra đối với các bị can Nga, Hiến, Tương, công khai xin lỗi và bồi thường theo quy định pháp luật.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Gia đình và Xã hội

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố