Trao đổi thêm về việc ngừng bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Đinh Dậu 2017, ông Tô Văn Động cho biết, từ trước đến nay, việc bắn pháo hoa đều tuân theo Nghị định của Chính phủ, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách nhà nước mà sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.
“Xưa nay các doanh nghiệp tài trợ thường chuyển thẳng cho Bộ Tư lệnh Thủ đô. Sau đó Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ thống nhất với nhà máy sản xuất pháo hoa Z121. Vì vậy, việc tiết kiệm được bao nhiêu thì chúng tôi cũng không được biết. Nhưng số tiền này là tiền của doanh nghiệp chứ không phải tiền của nhà nước”, ông Động nói.
Liên quan đến các hoạt động thay thế việc bắn pháo hoa đêm giao thừa, ông Động cho biết, trước hết, thành phố sẽ tăng cường hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân. “Thứ hai, chúng tôi có văn bản khuyến cáo, đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa sẽ rung chuông cùng lúc tại thời điểm giao thừa. Nếu có sự cộng hưởng đó thì cũng báo hiệu năm cũ qua, năm mới tới. Chúng tôi đang dự kiến thế, nếu phóng viên có ý kiến hay hơn thì đề xuất thêm”, ông Động chia sẻ.
Trước đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TƯ về việc tổ chức Tết năm 2017. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư khóa XI về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, Chỉ thị cũng yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.
Sáng 27/12, trao đổi với báo chí tại Hội nghị Giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện thị xã quý IV/2016, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: Thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư, không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết. Như vậy Hà Nội sẽ tiết kiệm được 10 tỷ đồng từ việc không bắn pháo hoa.