“Được sống trong miền đất lành này tôi cảm thấy hạnh phúc, mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn là khi tôi tìm thấy bà ấy, chia sẻ với nhau chuỗi ngày còn lại của cuộc đời, tôi…tôi…”, giọng cụ Chương bất chợt nghẹn lại, ông buông chiếc micro xuống, mắt đã đỏ cay, bàn tay vẫn giữ chặt bó hoa mà ông đã tự tay gói tặng bà Lý trong ngày Quốc tế Phụ nữ.
Những đôi tay vụng về
Quán trọ Sài Gòn Bao Dung nằm cuối đường Lý Thường Kiệt, dưới bóng cây già, quán trọ cũng toàn người già neo đơn - những con người trước đây không nơi trú ngụ, ngày lang bạt đi bán vé số, nhặt ve chai, tối về ngủ tạm dưới mái hiên phố thị. Giờ họ về chung một nhà, không còn nhọc nhằn mỗi đêm sương xuống, bớt đi nỗi tủi buồn trên đoạn đường về đi phía hoàng hôn.
Buổi trưa ngày 6/3, quán trọ bổng rộn ràng hơn thường bữa. Mai - cô tình nguyện viên trẻ tất bật đem hoa cắm vào mấy thùng nước sau khi trở về từ chợ đầu mối, một nhóm các ông cụ ngồi đánh cờ tướng, một nhóm khác đang phụ chuẩn bị cho buổi cắm hoa, các cụ bà ngồi nhấp nhổm phía bên trong nhà, tất cả đang đợi để cùng vui ngày quốc tế Phụ Nữ.
“Các cụ ông tập trung lại giúp con với ạ", tình nguyện viên tên Quý hô lên. Các cụ xếp bàn cờ lại, chăm chú nghe hướng dẫn. Hôm nay, các cụ ông sẽ tự tay gói hoa để tặng cho các cụ bà ở trong nhà. Mọi người được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm gồm 2 cụ và 1 bạn tình nguyện viên sẽ phụ trách gói 5 bó hoa.
Hoa hồng, hoa hướng dương và hoa bi được đặt ngay ngắn cùng với giấy gói, các cụ có vẻ khá bối rối trước công việc mà trước nay chưa từng làm qua. Ông Lâm (72 tuổi) cười khà khà: “Sống tới tuổi này tôi chưa lập gia đình, chưa biết tặng hoa cho bà nào. Nay là lần đầu gói hoa, không biết có ra cái gì không!?”.
Được sự động viên và hướng dẫn của các bạn trẻ, những đôi tay vụng về bắt đầu cắt hoa, tỉ mẩn xếp từng cành rồi ngắm đi ngắm lại xem có thuận mắt chưa, đồng thời suy nghĩ những câu chúc kèm theo.
Ước gì thời gian có thể quay trở lại
Trong lúc mọi người đang chăm chú gói những bó hoa của riêng mình, ông Lượm (82 tuổi) lặng lẽ cằm mấy nhành hướng dương lủi thủi đi ra phía ngoài sân. Ông Lượm xin được cắm xuống chậu, để đặt lên bàn thờ, của người vợ vừa qua đời vào cuối tháng 2.
Sống với nhau đã hơn 30 năm, vợ chồng ông Lượm cùng nhau lang bạt khắp các ngả đường góc chợ. Hồi đầu tháng 2/2023, hai vợ chồng được nhận vào ở tại quán trọ Sài Gòn Bao Dung, những tưởng sẽ có một mái nhà ấm áp, không còn phải lo nắng lo mưa, không phải lo thiếu ăn thiếu mặc, thì đột ngột bà qua đời vì căn bệnh suy tim.
Ông Lượm ở lại một mình.
Giữa không khí rộn ràng của ngày lễ, ông vẫn lủi thủi một mình với muôn vàn nỗi niềm chất chứa. Thấy ông cụ loay hoay cắm hoa vào chiếc chậu cũ, các tình nguyện viên đã tìm một chậu họ gọn hơn, tiện cho ông đặt lên bàn thờ.
Người đàn ông tỉ mỉ cắm từng đoá hoa, có lẽ đây là lần đầu trong đời ông làm công việc này. Cắm xong, ông đem lên gửi tặng bà. Bàn thờ nhỏ được ngay trên đầu giường, chỉ đơn sơ một bát hương, nay có thêm một chậu hoa tươi thắm.
Ông Lượm thắp một nén nhang, rồi ngồi trầm ngâm: “Phải chi mà tôi để ý, đưa bả đi bệnh viện sớm thì đâu có mất. Giờ chỉ ước thời gian có thể quay ngược lại, những điều đó là không thể”.
“Hạnh phúc khi tôi tìm thấy bà"
2 tiếng đồng hồ đã trôi qua, nắng Sài Gòn dịu đi nhiều, những bó hoa cũng lần lượt được xếp ngay ngắn trên bàn đợi những người phụ nữ xinh đẹp trong nhà ra nhận. Ở ngoài sân các ông nhẫm lại câu chúc, phía trong nhà các cụ bà được cột tóc, tô son thật tươi.
“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay…” tiếng nhạc rộn ràng một góc nhỏ Sài Gòn. Cụ Mỹ Hảo (80 tuổi) vui cười, nhảy theo điệu nhạc trong bộ đồ bà ba đen.
Lần lượt các ông đem bó hoa của mình gói tặng cho các bà. Họ những người xa lạ, gặp nhau ở ngôi nhà này trong những ngày cuối đời chỉ biết chúc nhau: “Bà sống thật lâu nhé", “Sống với tụi tui thiệt lâu nha".
Cũng chỉ đơn giản là những bó hoa quen thuộc mà dịp lễ nào người ta cũng tặng nhau, nhưng với những con người lặng lẽ đếm ngày tháng tuổi già trong căn nhà này, hôm nay thật đặc biệt.
Ông Chương vén mái tóc pha sương của bà Lý, rồi hôn nhẹ lên trán. Cụ bà bẽn lẽn cười nửa vui, nữa ngại. Ở cái tuổi này còn bày đặt tình cảm. Kệ đi, tìm được nhau khi đã ở buổi hoàng hôn, thương phải thương cho hết.
Tia nắng cuối ngày xuyên qua tán cây già, rọi vào sân, ánh lên những nụ cười hạnh phúc.
Ở nhà Sài Gòn Bao Dung, tôi mới thấm thía câu nói của ông Chín Vũ (trong truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc) rằng: “Tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn!”. Cũng phải thôi, chừng ấy thăng trầm liệu có đủ để hiểu hết cái tình mà những con người ở đây dành cho nhau, đâu có vồ vập như tình yêu đôi lứa, đó là tình thương, thứ tình mà đôi khi phải đợi cả một đời.