Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Nam sinh lớp 10 tự tử vì áp lực học hành và câu chuyện 'con mệt mỏi và chán lắm rồi mẹ ơi!'

Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng. Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ, bố mẹ biết không con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng được mặc bộ quân phục ấy dù chỉ một lần. 

Mới đây, một nam sinh trường Nguyễn Khuyến Sài Gòn tự sát vì áp lực phải đứng đầu khối.

Đầu tháng 1/2018, một nữ sinh ở Hà Tĩnh đã tự tử vì kết quả học tập giảm sút, không đạt được kết quả như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.

Tháng 9/2017, vì bị 3 điểm môn tiếng Anh kỳ thi đầu vào, một học sinh lớp 9 ở TP. HCM đã bị trầm cảm kéo dài và nhảy từ lầu 7 chung cư xuống đất tử vong.

Đọc những dòng ấy, ngực tôi như bị bóp chặt. Đau bởi các em còn trẻ quá và buồn vì có lỗi rất nhiều của người lớn, sốc với lý do không muốn sống lẽ ra ngăn chặn được.

Áp lực học hành đè nặng lên các em học sinh khiến các em nhiều khi quá mệt mỏi - (Ảnh minh họa).

Trên mạng vẫn còn lan truyền bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh ở Bình Dương tự tử 3 năm trước. Tôi ngậm ngùi và cả xót xa khi xem lại những dòng này:

“Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng. Nhưng con đã trót rồi, con cũng có ước mơ, bố mẹ biết không con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng được mặc bộ quân phục ấy dù chỉ một lần.

Nhưng con biết thực lực của con đến đâu. Con học không giỏi từ nhỏ chắc bố mẹ đã biết. Nhưng con vẫn luôn nghĩ rằng phải cố gắng lên nếu không sẽ phụ bố mẹ, làm bố mẹ buồn.

……

Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả…”.

Thật ra những điều tương tự, tôi cũng từng nghe mấy người bạn tâm sự. Hai tuần trước, tôi có nghe một người chị vừa sụt sùi vừa kể: “Con gái chị, đứa lớn đang học lớp 12 đột nhiên ngất ngay bữa cơm. Cả gia đình nháo nhào đưa vô viện. Thì ra cháu kiệt sức vì học từ sáng đến tối, từ tối đến đêm, quần quật cả tuần mắt thâm quầng và người đờ đẫn. Cháu bảo cô chủ nhiệm nói rằng lớp con là lớp chọn nếu em nào năm nay không đậu sẽ là nỗi nhục của lớp!”. Chị bảo từ đó, chị chọn con hơn là những điểm số.

Trong những ngày Sài Gòn như đổ lửa này, không khó bắt gặp những đứa trẻ bơ phờ ngược xuôi học rồi học, ăn vội ổ bánh mì trên đường chạy show đến lớp học thêm. Hình như các em không phải học cho mình mà chiều lòng ba mẹ, e sợ những dọa nạt và cả đòn roi. Tôi ít gặp những hứng thú vui vẻ trên những khuôn mặt ngái ngủ và đôi khi thất thần ấy.

Hình như các em không phải học cho mình mà chiều lòng ba mẹ, e sợ những dọa nạt và cả đòn roi - (Ảnh minh họa).

Có lần tôi giật mình đọc dòng trạng thái của một đứa trẻ: “Mệt mỏi quá, nằm mơ cũng thấy chữ chạy trong đầu, nhìn thấy bài vở là ngán đến tận cổ!”. Tôi chợt nhớ, mình và đồng nghiệp chỉ 8 tiếng công sở mà tối về có khi không muốn ăn, còn các em học từ 7h30 đến 23h mới nằm vật ra ngủ và cứ thế hết ngày này sang ngày khác…

Dường như, trò chuyện lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn của con trẻ, trăn trở của tuổi mới lớn đang là trở ngại với nhiều cha mẹ. Có vẻ như người lớn chỉ có mệnh lệnh phải học, điểm phải cao và thi phải tốt. Còn lại bất chấp con cái sẽ chống chọi ra sao mặc cho sức học từng đứa cao thấp khác nhau thế nào.

Tôi từng được một cô giáo đọc cho nghe lá thư của học trò trong đó có đoạn: “Thưa cô, thưa ba mẹ! Con đã ráng lắm rồi nhưng sức con không thể thi đậu Y dược… Học đêm học ngày thế này chỉ để cho ba mẹ vui, che mắt mọi người thôi chứ con học không nổi. Con mệt mỏi và chán lắm rồi mẹ ơi!”.

Biết rằng các em cũng cần phải có nghị lực, cuộc sống ở đâu cũng nên có áp lực để đi đến thành công. Nhưng đâu phải em nào cũng là nhân tài hay người dẫn dắt thế giới, có bé giỏi bé dở, hay cái này và không thích cái kia… Vì thế hãy lắng nghe thay vì áp đặt các con, chia sẻ với chúng thay vì bắt buộc bởi cuối cùng thì cha mẹ nào cũng cần con hơn là một đứa bé “ngộ chữ”, yêu con hơn những bảng vàng có khi chỉ là khoảnh khắc trong đời.

Tôi muốn khẳng định lại, các em không phải ai cũng là thần đồng! Điểm 10 có chăng cũng chỉ là một quãng nhỏ trong cả cuộc đời. Tôi nghĩ ngoài sách vở và bốn bức tường phòng học, các em cần những ồn ào ngoài đời hay vui đùa tuổi thơ. Tôi tin các em cũng mong muốn, cuộc sống không phải chỉ có học và học.

Điểm cao cũng như tiền nhiều, rất cần nhưng đó đâu phải là mục đích sống mà ai cũng phải hướng tới. Nên tôn trọng cuộc sống ngoài quyển vở của các em. Đừng để các em thấy học là đày đọa và những năm tháng học hành là khổ sai.

Đừng khiến các em nghĩ rằng đang học cho cha mẹ hay chiều lòng gia đình, dày bảng thành tích của trường lớp. Một khi các em thấy niềm vui khi cắp sách đến trường và nhận ra rằng học cho tương lai của mình thì mong mỏi cùng hy vọng của phụ huynh mới có thể thành hiện thực. Suy cho cùng, làm bất cứ điều gì ép buộc hay áp đặt có bao giờ đem đến niềm vui, nhất là với trẻ thơ.

Có lẽ bức thư của một hiệu trưởng ở Singapore là điều các bậc phụ huynh cần suy ngẫm, nhất là khi kỳ thi cuối năm học đang tới.

“…Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con.

Hãy nói với con rằng: ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Con được sinh ra trên đời cho những điều lớn lao nhiều hơn thế.

Hãy nói với con rằng, dù điểm số của con là bao nhiêu, cha mẹ vẫn yêu con và không hề phán xét.

Xin hãy làm như vậy, và nếu các vị thực hiện điều đó, hãy chờ xem con mình chinh phục thế giới. Một kỳ thi hay một điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ đi những ước mơ và tài năng bên trong của các con.

Và, làm ơn đừng nghĩ rằng chỉ có kỹ sư hay bác sĩ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Hà

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố