Ngư dân tất bật vận chuyển cá lẹp; thương lái hối hả cân đong, ghi chép, tính tiền; phụ nữ phân cỡ, chế biến, phơi khô… tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân Đất Mũi.
Cá lẹp có tập tính kiếm ăn ở tầng nước mặt vào ban đêm và lặn xuống tầng nước sâu khi mặt trời lên. Nắm bắt được quy luật này, ngư dân Đất Mũi đánh bắt cá lẹp bằng hai cách: Ban ngày thì dùng lưới 1, lưới 2, còn ban đêm thì dùng hệ thống đèn cao áp kết hợp với lưới cào đuổi theo từng đàn cá.
Quy trình đi đánh bắt cá lẹp ban đêm cứ tiếp tục theo trình tự như thế cho đến khi mặt trời ló dạng. Để có được khoang tàu đầy cá, những ngư dân Đất Mũi phải thức trắng đêm và đối mặt với sóng to gió lớn của biển cả. Sau một ngày đêm trúng mùa, họ bắt được vài trăm ký, thậm chí vài tấn cá lẹp.
Hiện nay, ở Đất Mũi có nhiều cơ sở thu mua, chế biến cá lẹp. Cá lẹp đánh bắt về được thương lái mua tại chỗ, cá lẹp tươi giá từ 15 - 20 ngàn đồng/ký. Cá lẹp làm mắm, làm chả, làm khô mặn và khô ướp… ăn rất ngon.
Từ khi ngư trường Cà Mau xuất hiện nhiều cá lẹp, hàng trăm ngư dân Đất Mũi đã mua sắm trang thiết bị, ghe tàu để hành nghề khai thác. Nghề này có thu nhập khá, mang lại cho ngư dân Đất Mũi cuộc sống ổn định hơn.
Cá lẹp vàng có tên khoa học là Setipinna taty, cùng họ cá trỏng (Engraulidae) có chiều dài từ 12 - 20cm. Thân hình thoi, dẹp. Đầu nhỏ, mõm ngắn và nhô ra. Xương hàm trên ngắn, mắt nhỏ. Hai hàm và vòm miệng có răng nhỏ. Có 17 - 20 gai ở nửa dưới cung mang thứ nhất. Thân phủ vảy tròn dễ rụng. Các vây màu vàng nhạt, vây đuôi chẻ hai. Lưng có màu bạc.