Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Một tháng sau thảm hoạ Carina: Vết thương sẽ còn lâu mới lành nhưng người dân đã từ từ tập chấp nhận

Vết thương từ thảm hoạ Carina sẽ còn lâu nữa mới lành, nhưng mọi người đã từ từ tập chấp nhận sự thật. Nhiều gia đình còn biến đau thương ấy thành động lực để giúp đỡ nhau vượt qua.

Bây giờ đã là những ngày gần cuối tháng 4, vừa tròn 30 ngày từ cái hôm thứ Sáu - 23/3 - ngày xảy ra vụ cháy chung cư Carina với những thiệt hại nặng nề. Người ta gọi đó là thảm họa.

Ở Carina, vừa như mới hôm qua, nhiều gia đình của chị Hà, chị Hương… vẫn còn đang hạnh phúc trong tổ ấm của mình: có ba, có mẹ, và có con. Thế mà nhoáng cái, chỉ 2 tiếng đồng hồ trong cái đêm định mệnh khi lửa bắt cháy từ tầng hầm ngóm ngòm thiêu rụi mọi thứ, nuốt chửng vô số người dân vô tội, 13 cái chết tuyệt vọng trên đường tháo chạy ấy.

Vết thương từ thảm hoạ Carina sẽ còn lâu nữa mới lành, nhưng mọi người đã từ từ tự tập chấp nhận sự thật. Và hơn thế, nhiều gia đình còn biến đau thương ấy thành động lực để giúp đỡ nhau vượt qua.

Nhiều ngày nay, hàng chục nhân công lao động vẫn đang tất bật làm việc, trùng tu lại công trình. Từ tầng 3 Block A trở lên đã được lau dọn sạch sẽ, vết tường trắng không còn ám khói nhiều. Song ở những lối cầu thang thoát hiểm, tầng 1 và tầng 2 chung cư, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy những mảng tường đen khịt, đậm mùi cháy khét lẹt. Trên đó, vô số những vệt tay bám vào tường kéo đi thành những đường chỉ dài, tất cả là biểu hiện cho sự cố gắng vượt lửa trong tuyệt vọng của những cư dân Carina trong đêm định mệnh.

Toàn bộ khu chung cư bao trùm bởi không khí im ắng đến đáng sợ. Nhìn từ ngoài sảnh, Carina chỉ còn lác đác vài bóng bảo vệ, nhân công và một số người dân cố gắng thu dọn hành lý cuối cùng của gia đình đến nơi ở mới. Cô Linh (34 tuổi, nhân công) cho biết: Hằng ngày, cô được chủ đầu tư thuê lau dọn sàn nhà, cọ rửa và quét dọn từ tầng 3-5 của Block A với mức 300 nghìn/ngày. Hiện đã sắp xong, tuy nhiên vì khói đen đặc nên nhiều vết cháy vẫn còn rất lâu mới có thể xoá sạch.

Hôm chúng tôi ghé thăm, từ Block B, C, một vài hộ gia đình quay trở lại để sinh sống, trong cảnh không điện nước. Hằng ngày cư dân vẫn phải hứng nước sử dụng tại các bồn công cộng ở tầng trệt. Bên cạnh đó, thay vì chấp nhận ở lại, nhiều hộ đã tìm nơi ở mới. Cô Hạnh đang tất bật thu dọn vật dụng dọn cần thiết như tivi, tủ lanh, máy giặt,… chuyển ra chiếc xe bán tải. Tuy nhà cô không bị ảnh hưởng nhiều nhưng đồ đạc trong nhà thì vẫn bị ám khói đen khịt.

Cô Hạnh kể: Đến giờ, con cái cũng dần ổn định hơn rồi, cô cũng thuê được ngôi nhà ở tạm cạnh đây, phải tập thích nghi chờ đến ngày được trở về nhà thôi. Chắc còn lâu lắm.

Vậy là hiện tại, những cư dân chung cư Carina cũng dần thích nghi với những mất mát, và chọn cách chấp nhận sự thật để vươn lên. Dù đi hay ở lại thì họ vẫn sẽ tiếp tục cuộc sống mới của mình. Thế nhưng, mỗi lần nhờ lại bấy nhiêu con người từ biển lửa trở về ấy vẫn cứ thấy có gì đó nhoi nhói. Như cô Hạnh bảo: Phải tập sống thôi, chứ chuyện đau buồn mà cứ nhớ hoài thì bao giờ mới nguôi ngoai, giọng cũng buồn hiu.

Từ ngày Hà, Kiệt, và Lộc mất, bà Ly vẫn lủi thủi, rồi tự khóc nhớ về đứa con dâu, thằng cháu nội 3 tuổi hay lon ton trò chuyện với bà mỗi đêm. Nỗi đau mất những 3 người thân với bà Ly là một cú sốc quá lớn. Thế mà, người phụ nữ kiên cường lại nhắn nhủ mình không được phép buồn quá lâu, bà lấy đau thương ấy làm động lực để dựng lại bếp cơm từ thiện mà chị Hà từng ngỏ ý xây dựng trước đó. Đó là lý do cái tên Huệ Trường ra đời.

Tôi khâm phục người phụ nữ 60 tuổi ấy vì biến đau thương thành tình người.

Đều đặn 5h sáng, bà Ly lại thức dậy, đạp xe từ Q.8 đi đến chợ để lựa từng mớ rau tươi, gạo ngon rồi ra thẳng căn nhà cũ cạnh hông chung cư Carina thổi lửa. 10h, cơm vừa chín, bà lại tất bật chở qua chung cư, giao cho từng hộ gia đình nạn nhân Carina. “Lúc đầu tính làm để bận rộn không còn thời gian nhớ nhung, đau buồn nữa. Còn giờ làm vì muốn giúp người ta.” - bà Ly chia sẻ.

Thế là, mỗi ngày, quán cơm Huệ Trường lại phục vụ hơn 500 suất cơm cho 2 buổi sáng chiều. Không những dân chung cư, bà còn chăm sóc cả những bệnh nhân nằm viện. Ấy thế, người ăn miếng cơm ngon vẫn tấm tắc khen, bởi họ thấu được cả cái tình cái nghĩa lớn lao của người mẹ như bà Ly. “Ai ăn một phần là cô lại mừng như trúng số vậy. Cô vẫn sẽ tiếp tục dùng tiền cúng điếu trong đám tang Hà để duy trì quán cơm này đến khi nào có thể nhất nữa thì thôi. Mình vui, mà người nhận cũng được vui hơn mà, phải sống thôi!”. 

Có hôm, bác tài xế, xe ôm, vé số, học trò,… đi ngang đường cũng ghé vào Huệ Trường. Ăn cơm miễn phí giữa lòng thành phố không phải là chuyện lạ, nhưng nghe chuyện về cô Ly ai nấy cũng rưng rưng khâm phục sự dũng cảm của cô. “Từ hơn tháng nay ngày nào cũng ăn cơm ở quán. Tội lắm, ngày xưa Hà nó tính dựng lên cho mẹ bán, giờ không còn nữa mà bà vẫn cố giữ. Đau thương vậy nên bả ráng từng ngày làm mình vui bằng cách chăm sóc người khác. Hôm nào ăn xong, cũng chèo kéo cho anh thêm 2-3 hộp đem về cho tụi nhỏ ăn. Dân lao động vậy mới thương bà Ly nhiều lắm…” - anh Thành (39 tuổi, vé số) khen ngợi.

Đau buồn đã qua đi, thôi thì không nhắc nữa. Giờ đây, trong bếp ăn Huệ Trường, người ta chỉ còn thấy một bà Ly đã biết cười, hay sốt sắng lo bữa cơm cho anh Ba, anh Tư, chị vé số, chú ve chai… là những người dưng Sài Gòn. Bao nhiêu tình nghĩa, niềm vui lại cứ nở hoa trên đất chết, giúp người mẹ già sớm bình tâm chấp nhận sự thật.

Đêm 23 tháng trước, trong đám lửa hoang chung cư Carina đã cướp đi 13 mạng người, trong đó có 2 gia đình có tận 3 người thương vong. Đó là con số khủng khiếp. Hoàn cảnh gia đình anh Lê Phan Trọng Nhân gần như rơi vào tuyệt vọng khi mất cả vợ con, người em vợ, và phần mình từ cõi chết trở về khi chỉ còn 1% hy vọng sống.

Nhớ lại ngày đầu tiên hồi tỉnh, bà Ly vẫn nghẹn ngào trước câu hỏi của anh, rằng: Vợ con con đâu? Hôm đó, bà phải gắng gượng cười, nói dối con: Vợ nằm ở Nguyễn Tri Phương, con thì Nhi Đồng 2, con khoẻ đi rồi cha mẹ dẫn con đi thăm. Bằng niềm tin vào lời nói dối đau thương ấy, anh Nhân tiếp tục sống sót, từ cõi chết trở về.

Gần hơn tháng nằm viện, những vết thương dần dà bình phục nhưng câu hỏi về vợ con còn bỏ ngỏ đó trong dằn vặt khiến gia đình cũng phải đến lúc nói sự thật. Ngày 19/4, bà Ly đưa cho anh xem qua tin tức từ điện thoại để chuẩn bị tâm lý. Nhưng rồi vẫn không dám đối diện với con, cả hai vợ chồng đành phải nhờ vào người chú ruột thông báo hộ. Sốc, anh Nhân bật khóc nức nở trong bệnh viện.

“Nhân khóc rất nhiều lắm. Nó khóc không phải vì trách ai mà vì quá xót xa cho cảnh vợ con mình…” - bà Ly ngậm ngùi kể lại. Tôi mường tượng giữa khung cảnh căn phòng bệnh viện trắng lạnh toát hôm đó đau buồn đến nhường nào khi anh Nhân đã cố tin vào những lời nói dối của mẹ để được sống.

May mắn, anh cũng dần hiểu ra và bình tĩnh đón nhận: Cha mẹ yên tâm đi, con không sao. Gia đình đưa anh trở về nhà. Ngày đầu tiên, anh vẫn ngồi khóc bên di ảnh vợ con, khi thì quay lại chung cư thu dọn đống đồ chơi của thằng Kiệt, khi thì nửa đêm vẫn trò chuyện bên bàn thờ vợ… Bà Ly để tâm con trai từng chút một, nhưng chỉ yên lặng để anh tự vượt qua.

Biết rằng: Nỗi đau sẽ lâu nữa mới lành hẳn. Nhưng, sự hồi phục của anh Nhân có lẽ cũng đã là kỳ tích rồi thôi. Và mọi người tin rằng: Trước sự hy sinh cao cả của chị Hà khi cố gắng bảo vệ con mình đến lúc chết, anh Nhân sẽ thấu hiểu và sẽ sớm vượt qua.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Huy Hậu

Được quan tâm

Tin mới nhất