Sắc màu Cuộc Sống

Lý giải vì sao không được giết vật nuôi trước mặt đồng loại

Theo Lao Động
Chia sẻ

Việc cấm giết vật nuôi trước mặt đồng loại đã được quy định rõ tại Điều 68 - Luật Chăn nuôi vừa được Quốc hội thông qua cách nay 1 tháng.

Đáng chú ý, tại Điều 68 luật này quy định rõ việc đảm bảo phúc lợi vật nuôi trong giết mổ. Trong đó, cấm không được giết mổ vật nuôi trước mặt đồng loại.

Trao đổi với Lao Động ngày 18.12, PGS.TS Phạm Kim Đăng - Phó trưởng Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc giết mổ vật nuôi trước mặt đồng loại có thể gây ra 2 hậu quả chính.

Thứ nhất, việc này sẽ vi phạm quy định về phúc lợi cho vật nuôi trong giết mổ trong Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.

Thứ hai, vật nuôi cũng giống con người, cũng có cảm xúc.

Việc giết mổ vật nuôi trước mặt đồng loại sẽ khiến những con vật khác sợ hãi hoặc stress, chúng sẽ sản sinh ra một loại hooc-môn tên là cortisol và huy động năng lượng để chống lại điều này.

Những vật nuôi bị giết mổ khi đang sợ hãi hay stress sẽ cho chất lượng thịt kém hơn những con bị giết mổ trong trạng thái bình thường.

Ngoài ra, theo PGS.TS Phạm Kim Đăng, thịt của những con bị giết mổ trong trạng thái sợ hãi, stress sẽ bị biến đổi về mặt chất lượng rất nhanh, thịt không ngon.

Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị của sản phẩm thịt và người quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhiều người bày tỏ lo lắng về việc ăn thịt của những con vật bị giết hại trong trạng thái sợ hãi, stress có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Bác bỏ những lo lắng trên, Phó trưởng Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khẳng định, việc ăn thịt của những con vật trên không độc hại, không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thịt của những con vật này sẽ bị giảm về mặt dinh dưỡng và cảm quan (độ ngon).

Ở một số nước Châu Âu, các sản phẩm thịt động vật còn được gắn nhãn đảm bảo phúc lợi động vật (PLĐV) - tức là động vật được kích ngất tức thời, khi giết mổ không phải chịu đau đớn và sợ hãi.

Người tiêu dũng cũng sẽ ưu tiên chọn những sản phẩm có dán nhãn này.

Nói về điều 68 trong Luật Chăn nuôi, PGS TS Phạm Kim Đăng cho biết, trước đây trong Luật Thú y 2015 đã có, nhưng được viết “rất nhẹ nhàng”, bây giờ mới đưa vào Luật Chăn nuôi.

Việc đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi là một quy định mới, tiến bộ và là một trong những tiêu chí để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.

Điều 21 Luật Thú y 2015 quy định về việc đối xử với động vật như sau:

1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm sau đây:

a) Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật;

b) Giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

2. Tổ chức, cá nhân nuôi động vật làm cảnh, nuôi bảo tồn đa dạng sinh học có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật này.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Lao Động

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất