4 ngày vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã mở phiên xét xử vụ án chạy thận làm 8 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Vụ việc xảy ra ngày 29/5/2017.
Các bị cáo phải ra hầu tòa bao gồm: Bác sĩ Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) và Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình).
Suốt 4 ngày diễn ra phiên tòa, nhiều tình tiết trong vụ án đã được đem ra xét hỏi chi tiết. Tuy nhiên, một số cá nhân liên quan đến sự cố y khoa này lại vắng mặt khiến việc tháo gỡ nút thắt gặp nhiều khó khăn.
Sau phiên xét xử chiều 18/5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hoàng Trung (văn phòng luật sư Hoàng Trung) - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 8 nạn nhân tử vong.
Xin chào LS Nguyễn Hoàng Trung, ở cương vị là người bảo vệ lợi ích hợp pháp cho những người bị hại, sau 4 ngày phiên tòa sơ thẩm diễn ra, ông có ý kiến như thế nào?
Theo quan điểm cá nhân tôi, trong 4 ngày vừa qua, ở phần xét hỏi, HĐXX, đại diện Viện kiểm sát và các luật sư cũng đã làm tương đối rõ ràng các tình tiết trong vụ án. Tuy nhiên, còn một số tình tiết không rõ ràng, cụ thể.
Với tư cách là người đại diện hợp pháp cho phía bị hại, tôi nhận thấy gia đình 8 nạn nhân rất băn khoăn, bức xúc về các tình tiết diễn ra trong phiên tòa. Lý do là cho đến bây giờ, HĐXX vẫn chưa xác định được cụ thể những bị cáo bị truy tố trong vụ án này.
Tôi nhận thấy, xuyên suốt phiên xét xử, gia đình các nạn nhân có 2 mong muốn như sau:
Thứ nhất, họ yêu cầu những người phải chịu trách nhiệm hoặc có liên quan đến cái chết thân nhân của họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thứ hai là việc đề xuất yêu cầu bồi thường. Bởi vì trong toàn bộ quá trình điều tra cũng như truy tố, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chưa đưa họ vào tham gia với tư cách là người tham gia tố tụng cho đến khi công bố cáo trạng. Vì vậy, yêu cầu về việc bồi thường mà gia đình nạn nhân đề xuất có thể chưa chính xác và cần xem xét lại.
Cụ thể, trong một biên bản thỏa thuận giữa bệnh viện và đại diện của gia đình các nạn nhân thì phía bệnh viện có đưa ra con số và đề nghị bồi thường theo con số đó. Thế nhưng điều này làm gia đình phía bị hại cảm thấy rất băn khoăn bởi trách nhiệm bồi thường dân sự ở đây là bệnh viện thì chưa rõ ràng, chính xác. Hơn nữa, con số cần bồi thường trong cáo trạng lại chưa cập nhật đúng theo yêu cầu đền bù của các gia đình.
Tại phiên tòa, luật sư từng nói thân chủ của ông mong muốn người chịu trách nhiệm trong sự cố làm 8 người thiệt mạng vừa phải bồi thường dân sự, vừa phải chịu trách nhiệm hình sự! Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
4 ngày tòa xét hỏi đã cho thấy, việc các bị cáo ra hầu tòa phải chịu toàn bộ trách nhiệm về cái chết của các nạn nhân trong vụ tai biến y khoa khiến 8 người tử vong là chưa đầy đủ. Về vấn đề này, phía bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng đã trả lời rằng, phạm vi trách nhiệm vốn thuộc về phòng vật tư của bệnh viện.
Chẳng hạn, trang thiết bị của bệnh viện có vấn đề gì thì người phải đứng ra chịu trách nhiệm là đại diện của phòng vật tư. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, các gia đình bị hại vẫn chưa thấy người đại diện này xuất hiện với tư cách chịu trách nhiệm trong sự cố y khoa nghiêm trọng đã nêu(!).
Người bị đưa ra xét hỏi tại phiên tòa lần này là bị cáo Sơn. Tuy nhiên, bị cáo Sơn nói rằng mình không có quyền tự ý đưa ra quyết định. Hơn nữa, trong quá trình làm việc tại bệnh viện, chưa có một văn bản nào phân công hay nêu rõ quy trình bị cáo phải thực hiện những công việc gì. Sau 4 ngày xét hỏi, việc nhận bàn giao cũng như kiểm tra hoạt động của nhà thầu là công ty Thiên Sơn hay Trâm Anh thì HĐXX vẫn chưa có kết luận(?).
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Sơn bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm khi để nước lọc thận bị nhiễm độc. Thế nhưng, đại diện bệnh viện đã trả lời rằng, trách nhiệm này vốn thuộc về phòng vật tư. Trong khi đó người đại diện phòng vật tư lại không xuất hiện. Đây rõ ràng là một mâu thuẫn rất lớn cần lời giải đáp.
Một chi tiết khác là trước kia, con số nạn nhân được công khai là 8 người nhưng đến hiện giờ đã tăng thêm 1. Vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi công bố số liệu chưa chính xác? Vấn đề này vẫn còn đang chờ làm rõ?
Trong phiên tòa tới đây, luật sư sẽ có đề nghị như thế nào đối với HĐXX để làm rõ những nội dung mà ông cho là còn nhiều uẩn khúc?
Mong muốn làm sáng tỏ các tình tiết khiến gia đình nạn nhân còn băn khoăn không chỉ là mong mỏi của cá nhân tôi. Tôi thiết nghĩ đây cũng là mong mỏi của HĐXX, cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Trên cương vị người bảo vệ lợi ích cho phía bị hại, tôi nhận thấy, HĐXX cần phải triệu tập thêm những người có liên quan để làm sáng tỏ.
Cụ thể, những người này bao gồm: Ông Chương Quý Dương (Nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn hay ông Thắng, Trưởng phòng vật tư… Tôi tin rằng, những tình tiết họ cung cấp trong phiên xét xử công khai tới đây sẽ làm rõ rất nhiều vấn đề liên quan. Chỉ khi ấy, vụ án mới được xét xử một cách đầy đủ, khách quan.
Xin cám ơn những lời chia sẻ của luật sư!