Là một trong những dịch vụ kinh doanh tăng giá theo thời vụ, vì thế không có gì lạ khi vào dịp lễ tình nhân nhiều khách hàng phải thảng thốt khi giá nhà nghỉ, khách sạn tăng gấp 3,4 lần ngày thường thường.
Từ Sài Gòn ra Hà Nội công tác, chị V.T có thuê phòng nghỉ ở một khách sạn ở phố Hai Bà Trưng ở dài ngày. Sau khi trả phòng lên Mộc Châu chơi dịp cuối tuần thì lúc quay lại chị khá sốc khi nhận được điện thoại thông báo đã hết phòng, nếu muốn thuê tiếp thì giá phòng tăng lên gấp 4 lần.
Không chỉ riêng dịp lễ Valentine, trong một năm, những dịp gọi là “mùa vụ” của dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn còn có ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Phụ nữ Việt Nam 20/10 và cả dịp Giáng Sinh 24/12. Nhiều chủ nhà nghỉ khi được hỏi đều cho rằng đây là việc rất bình thường vì đây là một dịch vụ kinh doanh buôn bán, mà đã buôn bán là phải có thời vụ. Khi nhu cầu khách hàng tăng cao thì giá cả không còn quá quan trọng. Nếu cần khách hàng vẫn sẵn lòng bỏ ra số tiền không nhỏ để được sử dụng dịch vụ.
Dĩ nhiên sự bất tiện này vẫn không khiến nhu cầu thuê phòng của các cặp đôi giảm xuống, thậm chí nhiều quản lý khách sạn còn cho biết nhưng ngày này phần lớn là “cung không đủ cầu”.
“Vào những ngày lễ này khách sạn chúng tôi thường được khách gọi điện đặt kín phòng từ hôm trước, vào ngày lễ chính thì rất khó để còn phòng đẹp cho khách lựa chọn. Vì thế dù giá có tăng lên gấp 2,3 lần ngày thường thì khách vẫn vui vẻ nhận lời”, anh N.T quản lý một khách sạn trên đường Trần Nhân Tông cho biết.
Tại Trung Quốc hiện tượng tăng đột biến lượng khách hàng vào dịp lễ tình nhân cũng được ghi nhận. Theo ông Chen Xiaotian, giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của Ctrip.com International Ltd - hãng dịch vụ du lịch trực tuyến hàng đầu Trung Quốc: “Ngày Valentine năm nay rơi vào ngày làm việc trong tuần. Đó là lý do các cặp đôi chọn cách sử dụng thời gian ngọt ngào bên nhau trong khách sạn thay vì đi du lịch”.