Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Lễ truy điệu và đưa tang nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười

Sau lễ truy điệu lúc 9h, linh cữu cố Tổng bí thư sẽ qua nhiều tuyến phố trước khi ông an nghỉ tại quê nhà ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.

10h00

Đoàn xe tang bắt đầu đưa thi hài nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười rời nhà tang lễ quốc gia, hướng về nơi an táng tại quê ông ở thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.

Hàng trăm người dân đứng hai bên đường Trần Thánh Tông tiễn đưa ông, trong đó có nhiều sinh viên, thanh niên mang trên tay di ảnh vị cựu lãnh đạo.

9h40: Không khí xúc động tại TP.HCM

Theo dõi qua màn hình, tất cả những người có mặt tại Hội trường Thống Nhất đều không giấu được vẻ xúc động, khi linh cữu cố Tổng bí thư Đỗ Mười được đưa khỏi Nhà tang lễ quốc gia Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tại TP HCM kết thúc lúc 10h.

9h30

Linh cữu cố Tổng bí thư bắt đầu được đưa khỏi nhà tang lễ. Trong tiếng quân nhạc, di ảnh, huân huy chương và linh cữu nguyên Tổng bí thư được di chuyển chậm theo từng nhịp chân bước đều của đội tiêu binh. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi đầu, chở phía cuối linh cữu là ông Trần Quốc Vượng và bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Đoàn lãnh đạo, gia quyến xếp hàng theo phía sau, tay chắp trước ngực.

9h20

Sau phút mặc niệm, con trai nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - ông Nguyễn Duy Trung thay mặt gia đình bày tỏ lòng cảm ơn tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người bạn quốc tế đã dành tình cảm, tới chia buồn cùng gia đình.

Ông Trung nhấn mạnh bài điếu văn do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên đọc trong tang lễ đã nói lên công lao của cha với sự nghiệp cách mạng và xây dựng nước nhà. Đó là niềm vinh dự và tự hào đối với dòng tộc và gia đình.

“Thưa bố kính yêu, từ nay trong căn nhà ấm cúng, chúng con không còn bố nữa. Những bữa cơm đạm bạc hàng ngày chúng con không được ngồi cùng ăn với bố nữa. Những quyển sách trên bàn bố đang đọc, chiếc phản gỗ đơn sơ bố thường nằm nghỉ bên phòng làm việc vẫn còn đó. Giờ đây bố đã đi xa rồi. Bố về với Bác Hồ, về với tổ tiên, về với mẹ của chúng con. Từ nay chúng con không bao giờ được gặp bố nữa.

Thưa bố, khi còn sống, bố luôn dạy bảo, nhắc nhở chúng con phải cố gắng học tập, rèn luyện mọi mặt theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Có những điều chúng con đã thực hiện được và còn có những điều chúng con chưa làm tốt. Chúng con xin hứa và nguyện thực hiện theo những điều bố đã dặn”, ông Trung gửi lời tâm sự đến cha.

Ông Nguyễn Duy Trung, con trai cố Tổng bí thư nói lời cảm ơn.

Lễ truy điệu kết thúc, lãnh đạo cùng gia đình đi vòng quanh linh cữu trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, nhiều người rơi nước mắt ngậm ngùi. Trong đoàn người dự lễ truy điệu có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…

9h05

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời điếu, nêu bật “cố Tổng bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, người đảng viên cộng sản kiên trung cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn.

Tổng bí thư ôn lại quá trình tham gia cách mạng và những đóng góp to lớn của cố Tổng bí thư Đỗ Mười với sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước.

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông sớm giác ngộ cách mạng, 19 tuổi đã tích cực tham gia phong trào bình dân, tổ chức ái hữu thợ mỏ Hòn Gai.

Tháng 6/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt kết án 10 năm tù. Dù bị tra tấn dã man nhưng ông hết mực kiên trung với cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản, không chịu khuất phục. Ông cùng các chiến sĩ trong tù bí mật tìm cách vươt ngục, bắt liên lạc với Đảng để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông Đỗ Mười đã vào sinh ra tử, giữ nhiều trọng trách như Bí thư các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình; Phó Bí thư kiêm phó chủ tịch uỷ ban kháng chiến Liên khu III; Chính uỷ quân khu, Bí thư khu uỷ, chủ tịch uỷ ban kháng chiến khu tả ngạn sông Hồng; Bí thư thành uỷ, chủ tịch Uỷ ban quân chính TP Hải Phòng; trưởng ban chỉ đạo khu 300 ngày; phó chủ tịch hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong toả cảng Hải Phòng.

Ông là người trực tiếp tổ chức xây dựng đường ống dẫn dầu bí mật từ Lạng Sơn vào chiến trường miền Nam. Đường ống nhiên liệu huyết mạch góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong những năm đầy khó khăn của thập niên 1990, ông đã thực hiện thành công đường lối đổi mới, tạo được bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của đất nước; đề xuất các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, chuyển từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và có các giải pháp chống lạm phát hiệu quả.

Ông là người đề xướng chủ trương phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, quy chế dân chủ cơ sở. Trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận, ông có đóng góp to lớn trong việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với các nước, đưa Việt Nam tham gia ASEAN, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997, trên cương vị Tổng bí thư, bí thư quân uỷ trung ương, bằng thực tiễn phong phú, ông cùng tập thể Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn nêu cao tinh thần kiên định, vững vàng, đoàn kết thống nhất, lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều thách thức, tiếp tục đường lối đổi mới.

Trọn cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông có nhiều công lao to lớn và đóng góp xuất sắc với sự nghiệp cách mạng của đảng, dân tộc, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Ông luôn giữ vững ý chí của người cộng sản, tìm tòi sáng tạo, quyết đoán, hành động quyết liệt trong mọi công việc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, học tập và noi theo.

Trong gia đình, ông là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu đức hi sinh và lòng nhân ái. Với 102 tuổi đời, 80 năm tuổi đảng, cố Tổng bí thư Đỗ Mười đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đảng và nhân dân ta.

“Hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây để bày tỏ lòng tiếc thương và tình cảm sâu sắc tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng noi gương đồng chí, ra sức phấn đấu đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước trong đó có đồng chí đã lựa chọn. Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng tôi trân trọng gửi tới gia quyến đồng chí Đỗ Mười lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp được. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt bác Đỗ Mười kính mến của chúng ta”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc điếu văn.

9h00

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu, nhấn mạnh, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, cố Tổng bí thư Đỗ Mười có nhiều đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông được tặng thưởng huân chương sao vàng, huy hiệu 80 năm tuổi đảng. Ông mất đi là tổn thất to lớn với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình điều hành lễ truy điệu.

Phó thủ tướng cho biết, trong những ngày qua, có hơn 1.600 đoàn viếng với hơn 60.000 người. Đại diện các cơ quan đoàn thể địa phương, nhân dân, chức sắc, tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đến Nhà tang lễ quốc gia

Có hơn 100 đoàn ngoại giao, ba đoàn cấp cao lãnh đạo đảng, nhà nước Lào, Campuchia, Cuba. Nhiều lãnh đạo các nước đã gửi lời chia buồn.

Quốc thiều được cử lên. Mọi người đứng nghiêm trang, hướng về phía linh cữu và di ảnh cố Tổng bí thư.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước mặc niệm cố Tổng bí thư Đỗ Mười.

9h00 Hội trường Thống Nhất, TP HCM

Lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, UB MTTQ Việt Nam TP HCM và các đơn vị, cơ quan ban ngành… đứng trang nghiêm, theo dõi buổi lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười được truyền hình trực tiếp từ Nhà tang lễ quốc gia Trần Thánh Tông, Hà Nội.

8h40

Trong sân nhà tang lễ, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có mặt từ sớm. Đội tiêu binh tỉ mỉ lau dọn bát hương và linh xa.

Đoàn xe rước linh cữu trong sân nhà tang lễ.

Đội nghi lễ vào vị trí trước giờ truy điệu.

Đội tiêu binh chăm sóc linh xa. Ảnh: Ngọc Thành.

8h35

Bà Trần Tiếp Thuỷ, tóc bạc như cước, bắt xe buýt từ Bắc Giang đến Long Biên lúc 5h sáng nay. 6h30, bà đã đứng trước cổng nhà tang lễ. Bà chia sẻ lòng kính trọng các thế hệ lãnh đạo xưa như ông Đỗ Mười. Vì vậy bà muốn đến tiễn đưa người quá cố về tận nơi an nghỉ cuối cùng, cầu kinh niệm phật cho vong hồn ông được siêu thoát.

Bà Trần Tiếp Thuỳ. Ảnh: Bảo Hà.

Ông Nguyễn Xuân Hùng (90 tuổi, ở thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) gắn bó với nguyên Tổng bí thư trong thời gian trốn khỏi nhà tù Hỏa Lò. Gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng, ông Hùng khi ấy mới hơn 10 tuổi, làm hoa tiêu dẫn đường cho ông Đỗ Mười khắp vùng Ứng Hòa (nay thuộc tỉnh Hà Nam).

“Anh ấy luôn xưng hô thân mật với tôi là mày - tao. Mỗi lần tôi dẫn đi hoạt động bí mật, anh thường đùa tao mà bị bắt thì mày cũng tiêu. Mới ra tù, anh gầy và xanh xao lắm. Mẹ tôi lúc nào cũng xót xa”, ông Hùng kể lại.

8h30 Tại TP HCM

Cùng thời điểm với Hà Nội, lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười sẽ được cử hành trang trọng tại Hội trường Thống Nhất lúc 9h. Đội tiêu binh và đoàn quân nhạc vào vị trí từ nhiều giờ trước khi buổi lễ diễn ra. Các chiến sĩ đứng trang nghiêm hai bên di ảnh nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Nghi lễ do Văn phòng Chính phủ điều hành với sự tham dự của hơn 1.000 người, bao gồm cả nguyên lãnh đạo Trung ương, thành phố cùng đại diện các cơ quan, đoàn thể, học sinh, sinh viên.

Từ sáng sớm, an ninh xung quanh khu vực được thắt chặt. Lực lượng công an, CSGT, kiểm soát quân sự… chốt chặn trước cổng chính Hội trường Thống Nhất. Tại các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Huyền Trân Công Chúa, Hàn Thuyên, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… cũng có khá đông cảnh sát.

Hôm qua (6/10), có hơn 320 tập thể và cá nhân đến viếng lễ tang tại Hội trường Thống Nhất.

8h30

Trước cổng nhà tang lễ Quốc gia, đoàn linh xa xếp thành hai hàng ngay ngắn trước cổng. Hai bên đường là hai hàng sinh viên tình nguyện ôm những bức ảnh kỷ niệm của cố Tổng bí thư lúc sinh thời. Đó là những khoảnh khắc ông đang cười rạng rỡ với thiếu nhi, là khi ông chăm chú ngắm nhìn một trẻ sơ sinh, hoặc say sưa diễn thuyết trước thanh niên… Bức ảnh nào cũng thể hiện sự tập trung cao độ của ông với con người, sự kiện thời điểm đó.

Các sinh viên cầm di ảnh cố Tổng bí thư trước cửa nhà tang lễ. Ảnh: Ngọc Thành

Hàng chục cụ già tóc bạc trắng đi bộ tới cổng nhà tang lễ chờ từ 7h sáng.

Những tuyến phố sẽ di quan nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều có lực lượng an ninh cắm chốt. Dọc phố Lê Duẩn, dây thừng nối dài qua các gốc cây, ngăn cách vỉa hè và lòng đường.

8h20

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần đêm 1/10 sau thời gian dài điều trị bệnh, hưởng thọ 101 tuổi.

Tang lễ ông tổ chức theo nghi thức quốc tang trong hai ngày, thứ bảy và chủ nhật. Lễ viếng ông đã diễn ra cả ngày hôm qua tại Nhà tang lễ quốc gia Trần Thánh Tông (Hà Nội) và Hội trường Thống Nhất (TP HCM). Hàng trăm đoàn đại biểu, lãnh đạo Trung ương, các bộ ngành, lão thành cách mạng và đại sứ quán các nước đã dâng vòng hoa tỏ lòng thành kính.

Cố Tổng bí thư tham gia hoạt động cách mạng năm 1936; vào Đảng cộng sản Việt Nam tháng 6/1939.

Ông nguyên là Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa II; Ủy viên Trung ương các khóa III, IV, V, VI, VII, VIII; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa IV; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Thường trực Ban Bí thư khóa VI; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) từ tháng 6/1988 đến tháng 6/1991; Tổng bí thư từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997; cố vấn Ban chấp hành Trung ương từ năm 1997 đến năm 2000; đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất