Đổ bệnh cũng không được nghỉ
Bà Nguyễn Thị H.K (45 tuổi, ngụ P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết tháng 1/2017, thông qua Công ty cổ phần dịch vụ du lịch quốc tế Tân Hoàng Minh (118 Nguyễn Hồng Đào, P.14, Q.Tân Bình), bà được đưa đi xuất khẩu lao động(XKLĐ) tại Ả Rập Xê Út làm giúp việc nhà với mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng trong 2 năm.
Khi qua Ả Rập Xê Út, bà K. phải làm từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm và mỗi ngày chủ nhà chỉ cho ăn một bữa. “Do thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nên tay tôi bị thương tổn nhưng chủ nhà không cho nghỉ, nếu nghỉ là họ đánh đập. Đã thế, sau 2 tháng làm việc, tôi không nhận được đồng lương nào”, bà K. nói và cho biết tháng 3 vừa qua người thân phải bồi thường công ty môi giới 79 triệu đồng thì bà mới được về nước.
Doanh nghiệp đóng cửa, bỏ trốn
Ngày 15/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB-XH có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH TP.HCM yêu cầu kiểm tra xử lý đối với Công ty Tân Hoàng Minh vì không có giấy phép hoạt động XKLĐ nhưng đã tuyển trái phép nhiều lao động đưa đi làm việc nhà tại Ả Rập Xê Út, có dấu hiệu lừa đảo. Bà Trần Lê Thanh Trúc, Phó trưởng phòng Việc làm Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết sau khi nhận văn bản chỉ đạo, Sở tiến hành kiểm tra nhưng công ty này đã đóng cửa, người đại diện công ty đi đâu không rõ.
Tương tự, tháng 11/2016, bà Võ Thị A.H (40 tuổi, ngụ P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) ký hợp đồng với một công ty có địa chỉ ở Hà Nội đi giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út. Công việc của bà hằng ngày phải chà rửa 8 toilet, 4 phòng ngủ, một nhà sưởi, giặt đồ, giặt thảm… liên tục. Mệt quá, bà đổ bệnh, không làm nổi thì bị chủ nhà đánh đập. “Cứ tiện cái gì trong tay là họ phang vào người, nhưng do chẳng biết tiếng Ả Rập nên tôi không biết cầu cứu ai”, bà H. kể lại. Sau đó, chủ nhà nhốt bà H. ở gầm cầu thang, không cho ăn uống liên tục mấy ngày rồi trả lại cho một công ty môi giới tại Ả Rập Xê Út. Bà liên lạc với người nhà tại VN, chấp nhận bồi thường 3.000 USD để được về nước sau 3 tháng làm việc không có lương.
Bị “bán”, nhốt…
Bà Nguyễn Thị N.H (39 tuổi, ngụ P.Tân Định, Q.1) cũng vừa trở về nước sau khi chấp nhận bồi thường cho công ty môi giới. Tháng 10.2016, bà ký hợp đồng XKLĐ đi Ả Rập Xê Út thời hạn 2 năm với một công ty tại Hà Nội. Sau 3 tháng làm việc, bà được “bán” qua 3 đời chủ, sau đó bị trả về văn phòng công ty môi giới. Tại đây, bà bị nhân viên đánh đập vì “dám không chịu làm việc để chủ đuổi”. Đến nay, dù về nước được 4 tháng nhưng tâm lý bà H. vẫn chưa được bình thường. “Tại văn phòng công ty môi giới ở Ả Rập Xê Út, có khoảng 20 phụ nữ VN khác cũng đang bị nhốt, đa phần đều bị chủ nhà bạo hành và đang mong được về nước. Mỗi ngày, hơn 20 người chia nhau một ít cơm và một con gà nhỏ. Ai muốn về nước thì phải tìm được người thay thế hoặc chấp nhận bồi thường hợp đồng (khoảng 3.000 USD) cho công ty môi giới”, bà H. kể và cho biết: “Một số người chịu không nổi đã uống thuốc tự tử thì nhân viên công ty mới đưa họ vô trại tị nạn, không biết có được về nước hay chưa”.
Thông qua bà H., chúng tôi được nói chuyện với bà Phan Thị N. (45 tuổi, ngụ Thủ Dầu Một, Bình Dương). Bà N. cho biết cũng ký hợp đồng XKLĐ với một công ty ở Hà Nội và đã qua Ả Rập Xê Út được hơn 1 năm, trải qua 4 đời chủ. Đời chủ nào bà cũng bị bóc lột thậm tệ, làm việc 14 - 15 tiếng mỗi ngày nhưng lương thì khi có khi không. Hiện bà đang bị bệnh thận nặng nhưng không về được vì gia đình rất khó khăn, không có đủ 3.000 USD để bồi thường. “Chỉ mong cơ quan nhà nước vào cuộc để giải cứu những người như chúng tôi về nước”, bà N. than.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 18/6, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết lao động đi xuất khẩu tại Ả Rập Xê Út khi gặp vấn đề phát sinh có thể gửi đơn phản ánh về Cục Quản lý lao động ngoài nước, số 41B Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), điện thoại: (84-24) 38249517 để được hướng dẫn hỗ trợ; hoặc liên hệ với Ban Quản lý lao động VN tại Ả Rập Xê Út, địa chỉ: 23 Al-Dhiyafah street, Al-Nuzha District, Riyadh, Kingdom of Saudi Arabia, điện thoại: (00966) 542581069 để được trợ giúp.
Theo ông Dũng, hiện nay lao động đi Ả Rập Xê Út không mất phí môi giới, được chủ sử dụng đài thọ chi phí đào tạo, vé máy bay… Ông Dũng cũng khuyến cáo: Người lao động muốn đi XKLĐ tại thị trường này cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường, điều kiện làm việc, sinh hoạt, văn hóa, các điều khoản trong hợp đồng… Người lao động chỉ nên đi qua các công ty được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép XKLĐ và có hợp đồng cung ứng sang thị trường Ả Rập Xê Út được Cục Quản lý lao động chấp thuận.