Ngày hôm qua lướt ngang lướt dọc Facebook, thấy nhà nhà người người share cho nhau xem clip anh CSGT “tung cước” làm đôi nam nữ không đội mũ bảo hiểm lao vào dải phân cách.
Càng ngạc nhiên hơn khi tờ Thanh niên công bố kết quả khảo sát, có tới 70% độc giả ủng hộ cho hành động này của viên CSGT. Thậm chí trong đó không ít người đang lấy làm khó hiểu vì sao chiến sĩ CSGT này lại bị lên án như một kẻ phạm tội, và thậm chí còn bị đình chỉ công tác ngay lập tức dù anh ta đã làm một việc hoàn toàn đúng?
Theo như lời giải thích của những người đang đứng về phía ủng hộ cho viên CSGT, thì rõ như ban ngày là hai người đi xe máy kia đã vi phạm luật an toàn giao thông khi không đội mũ bào hiểm, phóng như điên với “tốc độ bàn thờ” và đi vào trong làn ô tô ngược chiều.
Tự gây ra tai nạn tự chịu thì đã đành, nhiều trường hợp “trẻ trâu” ra đường không mang theo não như vậy còn làm vạ lây sang cả người khác. Nhẹ thì cũng làm người ta mang thương tích lâu dài, còn nặng có thể khiến cho họ mất đi mạng sống một cách oan uổng.
Thế nên, chẳng phải thà cho hai người đó ngã ra đấy và chịu hậu quả, còn hơn là để chúng tiếp tục ngông cuồng làm loạn đường phố và làm liên lụy cho cả những người vô tội khác hay sao? Việc quyết liệt ra tay ngăn chặn đến cùng như chiến sĩ CSGT trên có gì là sai, khi anh cũng chỉ thực hiện nghĩa vụ của một người cảnh sát, ngăn chặn những hành vi vi phạm và đảm bảo cho sự an toàn của người tham gia giao thông khác?
Tôi xin lật lại vấn đề ở đây.
Chắc không ít người vẫn luôn than vãn rằng tại sao CSGT thường làm ngơ trước những kẻ đầu xanh đầu đỏ, xăm trổ đầy mình vi phạm giao thông mà chỉ chăm chăm bắt bớ những người lơ ngơ, hiền lành cho dễ xử phạt.
Nhưng nhìn cách chúng phóng nhanh vọt lẹ để “vượt mặt”, chống đối thậm chí còn trêu ngươi các CSGT, tôi hoàn toàn thông cảm cho việc các đồng chí phải sử dụng tới vũ lực để ngăn chặn hay vây bắt chúng, cho dù đôi khi nghe tiếng dùi cui điện mà tôi cũng không khỏi rợn tóc gáy.
Ở trường hợp trong clip, thật sự phải nói rằng, rất may mắn sau khi chiến sĩ CSGT tung “cước” khiến chiếc xe máy lao thẳng vào dải phân cách, hai “trẻ trâu” kia đều không bị hề hấn hay thương tích gì.
Vì khi xử phạt dựa vào luật đã định, thì cả hai người đó chỉ bị xử phạt hành chính với tổng cộng vào khoảng 2 triệu đồng thôi, chứ không phải là hai mạng người.
Nên nếu điều không may xảy ra, có lẽ “cú tung cước” của chiến sĩ cảnh sát kia đã là một hành vi giết người dã man, bị lên án cực kỳ gay gắt chứ không còn đơn thuần là sử dụng vũ lực để xử lý vi phạm giao thông, rồi được mọi người đồng tình ủng hộ như bây giờ nữa.
Thử nghĩ xem, là người đảm bảo an toàn giao thông cho toàn dân nhưng chiến sĩ cảnh sát này lại là người trực tiếp gây ra tai nạn cho hai người đang điều khiển phương tiện.
Cho dù đấy là đối tượng vi phạm luật có biểu hiện chống đối đi chăng nữa, thì tôi dám khẳng định rằng trong tất cả các biện pháp nghiệp vụ, sẽ không có một biện pháp nào là dùng chân đạp mạnh để khống chế đối tượng và phương tiện.
Ở phương diện này tôi khó lòng có thể thông cảm được cho người chiến sĩ cảnh sát, dù anh khá dũng cảm để ra tay xử lý hai đối tượng với chiếc xe máy đang lao như bay trên đường.
Bởi vì sử dụng vũ lực để khống chế đối tượng chống đối là không sai, nhưng quan trọng là cách làm như thế nào để vẫn phải đảm bảo được sự chuẩn mực, đúng đắn của một người đại diện cho pháp luật đang thi hành công vụ mà không bị cho là bạo lực, vượt quyền hạn.
Hậu quả thường quyết định hành vi chúng ta đã làm là đúng hay sai. Nhưng về bản chất của hành vi đó thì chuẩn mực của đạo đức mới là thước đo chính xác nhất.
Về bản chất của việc dùng chân đạp vào chiếc xe máy đang chạy với tốc độ cao như vậy là hoàn toàn có thể dẫn tới những hậu quả xấu nhất cho hai người ngồi trên xe, nên nó vãn khó có thể chấp nhận được cho dù mục đích thực hiện là hoàn toàn đúng.
Cũng như trong vụ ô tô truy đuổi hai tên cướp đi xe máy giật điện thoại của người đi đường ở Hải Phòng mới xảy ra gần đây, nếu người lái ô tô muốn bắt cướp bằng cách ép xe máy để hai tên kia ngã, thì hoặc là chúng sẽ sống sót để chịu hình phạt trước pháp luật và người lái ô tô trở thành anh hùng, hoặc là chúng sẽ gặp tai nạn chết ngay tại chỗ và người lái ô tô kia trở thành tội phạm đã giết 2 mạng người.
Phải nhớ rằng chúng ta hoàn toàn không thể làm một điều vô đạo mà nhân danh là vì chính nghĩa. Nhất là đã là một người đại diện cho chính nghĩa thì càng không thể làm một điều vô đạo.
Việc tạm đình chỉ công tác đồng chí CSGT với cú “phi cước” huyền thoại trên có lẽ sẽ là cách để giúp anh chấn chỉnh lại nghiệp vụ, trau dồi thêm cho mình những cách xử lý và tác nghiệp chuẩn mực hơn khi đối mặt với những trường hợp tương tự.
Với những sai lầm về nghiệp vụ như vậy, thực sự rất dễ làm xấu đi hình ảnh của người công an ngành cảnh sát giao thông và thậm chí, làm cho nhiều người cảm thấy không phục. Do đó không khó hiểu khi không ít người nhân cơ hội này để hùa vào bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của ngành nói chung và của các anh nói riêng, trong khi kẻ đáng lên án thực sự phải là những kẻ bất trị, coi thường sự tôn nghiêm của pháp luật.
Vì vậy đây cũng sẽ là một bài học rất lớn cho các đồng chí CSGT, khi việc các anh quyết tâm ngăn chặn những mối nguy hiểm trên đường phố là điều đáng tuyên dương, nhưng quan trọng là phải thực sự mềm dẻo để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra và tạo cho người dân ý thức chấp hành luật an toàn giao thông một cách tự nguyện và nghiêm túc nhất. Đó mới là điều đáng tuyên dương nhất.