Hoạt động đối tiền lẻ không chỉ diễn ra sôi nổi ở những khu vực cố định quen thuộc từ bao năm nay như phố Nguyễn Xí, Hà Trung, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng … mà trên các trang web trực tuyến, mạng xã hội cũng hấp dẫn không kém.
Chợ đen sôi động, phí “nhảy múa”
Chỉ gần gõ tìm kiếm trên google hay trên các trang mạng xã hội quen thuộc như Facebook, Zalo cụm từ “đổi tiền lẻ”, trên 56 triệu kết quả được trả về chỉ trong vòng 0,4 giây - một con số không hề nhỏ.
Không khác gì với mua hàng online, chỉ cần báo số lượng và loại tiền là đầu mối đổi tiền sẽ chuyển đến tận nơi; giá cả, phí đổi tiền cũng được công khai trên mạng. Tuy nhiên, theo khảo sát của Dân Việt, mức phí đổi tiền lẻ năm nay tại chợ đen cao hơn năm ngoái khá nhiều, mức phí mỗi nơi áp dụng mức giá khác nhau. Mệnh giá càng nhỏ, mức phí phần trăm càng cao.
Trong đó, với tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng, mức phí phổ biến hiện nay đang được nhiều nơi áp dụng vào khoảng 10%. Điều này có nghĩa là cứ 1 triệu đồng tiền mệnh giá này người đổi sẽ phải mất phí 100 nghìn đồng.
Với tiền lẻ mệnh giá từ 10.000 đến 50.000, mức phí giảm xuống chỉ còn từ 5 - 7% tổng số tiền đổi của khách hàng, nhỉnh hơn 1 chút so với mức phí bình quân từ 4 - 6% trong dịp Tết nguyên đán năm 2018.
Đặc biệt, đối với tiền mệnh giá 500 đồng, nếu đổi 100 tờ (tức 50.000 đồng), thì khách hàng bị mất phí 200.000 đồng (gấp 4 lần số tiền đổi). Thậm chí, phí cao nhưng các điểm kinh doanh còn không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đặc biệt, càng gần Tết nguyên đán, nhu cầu của người dân càng lớn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các điểm kinh doanh đổi tiền lẻ hét phí cao hơn bởi lúc đó tiền lẻ trên thị trường đã vơi dần khiến cho độ “khan hiếm” càng lớn.
Nói về mục đích sử dụng của tiền mệnh giá nhỏ, các loại tiền mệnh giá như 10.000 đồng, 20.000 đồng đến 100.000 đồng được đổi nhiều hơn vì phục vụ số đông người mừng tuổi, trong khi đó các loại tiền mệnh giá nhỏ từ 1.000 đồng, 2.000 đồng hay 5.000 đồng trên thị trường hiện đang chủ yếu phục vụ cho việc đi lễ chùa, lễ hội đầu năm.
Việc đặt tiền hay đi công đức khi đi lễ hội là một nét văn hóa lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, văn hóa này đang bị biến tướng thành hành động “rải” tiền lẻ ở mọi nơi trong khuôn viên di tích. Chủ trương của NHNN trong việc hạn chế in tiền mới mệnh giá nhỏ những năm gần đây là điều dễ hiểu nhằm chấn chỉnh những tình trạng trên, tuy nhiên, cũng chính điều này làm cho tiền lẻ ngày càng khan hiếm, người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trên thị trường chợ đen lại được cơ hội hét mức phí cao.
Giống như thu đổi ngoại tệ, giới luật sư cho rằng, chỉ những nơi được cấp phép của NHNN mới được thực hiện thu, đổi tiền lẻ cho khách hàng. Theo Nghị định 96, việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 - 40 triệu đồng.
Còn theo Chỉ thị mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật.
Khách VIP mới đổi được tiền lẻ, tiền mới tại ngân hàng
Trong khi ngoài chợ đen hoạt động đổi tiền đã bắt đầu sôi động, thì tại các ngân hàng thương mại hoạt động này vẫn còn “im hơi lặng tiếng”. Tuy nhiên, từ tháng 11.2018, NHNN đã cung ứng tiền mới mệnh giá 10.000 đồng ra thị trường. Và dịp Tết nguyên đán này, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tiền lẻ mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp NHNN không phát hành tiền mệnh giá nhỏ vào dịp Tết nguyên đán. Điều này cũng khiến cho hoạt động đổi tiền ngày càng khốc liệt ngay tại chính các NHTM.
5 năm không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trên thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán, đã tiết kiệm được gần 2.600 tỷ đồng cho nền kinh tế.
Đổi tiền lẻ, tiền mới tại các ngân hàng những năm gần đây thường chỉ dành cho những đối tượng khách VIP, mang lại lợi nhuận lớn cho phía ngân hàng. Khách hàng VIP cũng được đánh giá bởi những tiêu chí riêng của từng ngân hàng.
Chia sẻ với Dân Việt, 1 cán bộ ngân hàng lớn cho biết: “Thông thường là những doanh nghiệp lớn mang lại lợi nhuận cho ngân hàng mới được ngân hàng ưu tiên đổi tiền lẻ, tiền mới. Đối với khách hàng cá nhân, chỉ có những khách hàng thường xuyên có số dư tài khoản tiền gửi, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mới hy vọng đổi được tiền lẻ, tiền mới từ phía ngân hàng”.
Còn theo khảo sát tại các ngân hàng thương mại tầm trung, vào dịp này ngân hàng đều ấn định hạn mức được đổi tiền cho nhân viên trong ngân hàng. Thông thường, mỗi mệnh giá 1 cọc/ 1 nhân viên. Tuy nhiên, khi khách hàng cần thì ngân hàng sẵn sàng lấy hạn mức của các nhân viên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thậm chí, các cán bộ ngân hàng muốn giữ chân khách hàng cũng phải “hy sinh” hạn mức tiền lẻ, tiền mới của mình để tự đổi cho khách hàng.
Thực tế này chính là lý do giải thích cho việc vì sao đổi tiền trong ngân hàng không mất phí, không cần thủ tục phức tạp nhưng không ít người dân phải tìm đến chợ đen để thực hiện giao dịch.