Sắc màu Cuộc Sống

Khăn lụa Khaisilk xuất xứ Trung Quốc: Xử lý như thế nào khi lừa dối người tiêu dùng suốt 30 năm?

Hoàng Minh Huyền
Chia sẻ

Mấy hôm nay, dư luận bất ngờ trước thông tin sản phẩm lụa của Khaisilk có xuất xứ từ Trung Quốc. Sự việc càng ồn ào hơn khi chính chủ tịch tập đoàn Khaisilk lên tiếng thừa nhận hành vi và xin lỗi khach hàng.

60 chiếc khăn lụa đều gắn mác Made in China

Vào ngày 25/10 vừa qua, thông tin về việc 60 chiếc khăn lụa mua từ cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội được người mua hàng phản ánh có xuất xứ từ Trung Quốc.

Cụ thể, một doanh nghiệp ở Hà Nội đã cho biết mua 60 chiếc khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra sản phẩm thì phát hiện trên chiếc khăn lụa vẫn còn mác made in China. Kiểm tra 59 chiếc còn lại, tất cả đều có dấu hiệu cắt mác made in China.

Chiếc khăn lụa có gắn mác made in China.

Sau khi nhận được phản ánh từ khách hàng, đại diện cửa hàng Khaisilk đã lên tiếng giải thích là do soạn nhầm lô hàng đính mác made in China. Theo đó, người này cũng đã gửi thư xin lỗi đến doanh nghiệp về sự nhầm lẫn này và cho biết số khăn lụa này nằm trong số 350 chiếc khăn sản xuất cho khách hàng khác ở Hong Kong.

Văn bản của cửa hàng Khaisilk với khách hàng từng tố mình.

Mới đây, ông chủ tập đoàn Khaisilk đã lên tiếng thừa nhận rằng 50% số khăn tại cửa hàng xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi với người tiêu dùng. Doanh nhân Khaisilk thừa nhận việc mở rộng kinh doanh khiến ông thiếu sự giám sát thậm chí là lơ là với việc kinh doanh lụa tơ tằm của mình.

Ông Khải cho biết: “Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk.

Cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, Hà Nội. Ảnh:Zing

Và sai lầm tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch tập đoàn”.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 2 cho biết, sáng 26/10, đơn vị đã phối hợp với Đội quản lý thị trường số 14 cùng các cơ quan liên ngành, các đơn vị chức năng phối hợp đã có mặt tại cửa hàng Khaisilk, 113 Hàng Gai, Hà Nội nơi bán khăn lụa “made in China” để kiểm tra. Sau khi kiểm tra cơ quan chức năng đã thu giữ một số lượng hàng hóa để kiểm tra làm rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Lê Đức Thanh - Đội phó đội QLTT số 14 xác nhận với PV, ngày 26/10 đội phối hợp với Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội kiểm tra đột xuất cửa hàng Khaisilk. theo đó một số sản phẩm bị thu giữ gồm quần áo, khăn, caravat… trị giá hơn 30 triệu đồng.

Khaisilk sẽ chịu trách nhiệm thế nào?

Trao đổi với luật sư Trần Đức Chánh (TP.HCM), ông cho biết: “Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 43/2017 của Chính phủ thì: “Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu”.

Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Nghị định 46/2017: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc”.

Như vậy, nếu như doanh nghiệp của ông Khải nhập hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam để bán thì có trách nhiệm ghi rõ xuất xứ hàng hóa.

Còn nếu đúng là doanh nghiệp này có hành vi nhập hàng hóa có nguồn gốc là Trung Quốc về Việt Nam, sau đó cắt mác, dán “Made in Vietnam” dưới thương hiệu lụa Khaisilk thì ở đây có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả. Bởi, theo điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP), thì hàng giả gồm: “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa”.

Như vậy, cho dù hàng nhập từ Trung Quốc không phải là sản phẩm kém chất lượng, được Khaisilk duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập về, việc giả mạo nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 1999 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả thì người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Chia sẻ

Bài viết

Hoàng Minh Huyền

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất