Tôi phải nể phục Khang, bởi trong văn đàn, có lẽ chàng là cây bút chăm chỉ nhất. Từ năm 2012 bắt đầu với tập sách đầu tiên, đến nay, mỗi năm Khang đều đặn gửi tới bạn đọc một vài tiếng lòng bản thân. Tất cả đều được đón nhận một cách nồng nhiệt, người ta còn đặt cho chàng cái biệt danh là ’nhà văn triệu bản’.
8 năm trôi qua, trang sách của Khang vẫn thấp thoáng những nỗi buồn, chông chênh và sự dại khở tình yêu… chỉ có Khang là trưởng thành hơn, đằm thắm hơn, hiểu đời hơn xíu nữa. Để mỗi khi ai đó gấp trang sách, lại khẽ khàng thấy mình thấy ta.
Điều kỳ lạ ấy - bởi vì Khang chưa từng thực sự viết sách. Đơn giản chàng chỉ ghi lại những trải nghiệm yêu đương thời tuổi trẻ của chính mình mà thôi!
QUÁCH LÊ ANH KHANG
Cung Hoàng Đạo: Sư tử
Hội viên Hội Nhà văn
Cử nhân khoa Báo chí & Truyền thông - Trường ĐH KHXH&NV
Sách đã phát hành: Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả người thương thành lạ,Buồn làm sao buông, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và… Em
Chào Anh Khang, đầu năm mới trong anh có vẻ bận rộn nhỉ?
Chào quý độc giả của tạp chí điện tử Saostar.
Vâng, trong dịp Tết nguyên đán vừa rồi mình có vài kế hoạch nho nhỏ cho bản thân nên cũng bận rộn xíu xiu… (Cười).
Đã đọc qua một vài trang sách của Anh Khang, thấy anh có vẻ u sầu, tình cảm… có phải đó là những trải nghiệm tình yêu của chính Anh Khang?
Đúng vậy! Đến nay thì dù đã viết nhiều cuốn sách nhưng Khang vẫn luôn theo đúng tôn chỉ khi sáng tác của mình là viết lại những trải nghiệm của bản thân và trao gửi tiếng lòng của chính mình lên trang sách.
Chuyện tình yêu của Anh Khang ngày đó như thế nào?
Có thể tóm gọi lại chuyện tình yêu của Khang cũng y hệt như chính những tựa sách của Khang vậy: Buồn làm sao buông; Thương mấy cũng là người dưng; Đường hai ngả người thương thành lạ; Người xưa đã quên ngày xưa…
Khang luôn nghĩ về tình yêu đã qua bằng tất cả sự trân trọng và tiếc nuối. Có lẽ sự dang dở nào cũng ẩn giấu trong đó một điều thật đẹp đẽ, thế nên day dứt và hoài niệm mới trở thành bản tính cố hữu của con người chúng ta. Chắc Khang không phải người duy nhất ngó nắng tàn mà mặc định bình minh. Cũng như chắc sẽ có nhiều người giống Khang, sống ở hiện tại nhưng lòng đã gửi lại ở phía những tàn phai. Sau lưng mình, quá khứ vẫn luôn nguyên vẹn một hình hài viên mãn. Vì ở đó, mình đã từng có một người-thương-duy-nhất. Để đến khi đã hết trẻ, và cũng hết cả Tình lẫn Tin để mặc sức phung phí, chúng ta mới nhận ra, mình chỉ còn lại kỷ niệm làm vốn liếng.
“Những năm tháng đó, có tôi yêu người” chính là vốn liếng của Khang, để làm hành trang tự mình bước tiếp, trên những năm tháng sau này, khi người thương năm ấy không còn ở đây.
Được biết anh vừa ra mắt tập thơ mới? Thông điệp trong tập thơi mới này anh muốn gửi gắm tới bạn đọc là gì?
Vâng… Trong dịp trước Tết nguyên đán vừa rồi thì Anh Khang cũng kịp cho ra tập thơ đầu tiên của mình. Tập thơ này là lời nhắn gửi và nhắc nhớ của Khang gửi cho chính mình ở ngày cũ. Để sau này khi già đi và trí nhớ có phần hao gầy thì mình vẫn còn tập sách này như một lời tâm niệm, rằng ở năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ đó thì mình đã từng có một người để yêu thương. Và dẫu cho buồn vui, khóc cười… thì nếu được lựa chọn lại thì “tôi” của những năm tháng đó vẫn sẽ chọn yêu người, bằng tất cả tấm chân tình xa xưa.
Chỉ tiếc là ở những năm tháng đó, chúng ta đều không biết yêu sao cho đúng. Để đến khi biết ra, thì người ta cũng đã đi xa. Từ lâu lắm rồi… (Cười).
Nổi tiếng là một nhà văn tản mạn, tại sao anh lại muốn thử sức thể loại mới toanh này?
Đây là tập thơ đầu tiên của Khang được xuất bản và cũng là cuốn sách đầu tiên trên thị trường được trình bày hoàn toàn dưới dạng chữ viết tay toàn bộ. Ý tưởng thực hiện này bắt nguồn từ 2 nguyên do chính.
Thứ nhất, sau 7 năm viết lách với đủ thể loại, từ tản văn, du ký, tập truyện ngắn… đều đặn ra mắt mỗi năm một cuốn, thì tới năm thứ 8 này Khang muốn làm một điều gì đó khác biệt và đặc biệt.
Lý do thứ hai, cũng là lý do chính chính yếu nhất. Là vì có một lần ở Hội sách TP.HCM, Khang ngồi ký tặng sách, dù trời đã khá khuya, nhưng vì cố tật viết chữ siêu chậm của Khang nên vẫn còn nhiều bạn phải nhẫn nại xếp hàng. Bất chợt hàng dài náo động thì có một bạn gái đã ngất xỉu. Khang hốt hoảng nhào tới hỏi thăm thì mới biết, bạn ấy đang nằm viện vì sốt cao và cột sống có vấn đề, nhưng vì biết hôm đó có Khang ký tặng, nên… trốn viện đến xếp hàng.
Câu chuyện đó khiến cho Khang trong suốt 7 năm viết sách, đều rất ăn năn. Vì rõ ràng, chữ của mình xét kỹ chẳng mấy đẹp, văn của mình xét nét cũng chẳng quá hay, nhưng đã có những người bạn, người em, người anh, người chị, và cả các cô chú lớn tuổi… đã đồng cảm cùng mình trong những trang sách như thế.
Và Khang tự dặn lòng mình phải có một tập sách viết tay. Tự tay mình viết. Từ đầu tới cuối. Từng nét gói ghém hết thảy lòng biết ơn và trân trọng của mình, để gửi đến tất cả những ai đã đi cùng trên chặng đường đồng lòng cùng tiếng lòng trong sách của Khang.
Anh gặp được những thuận lợi cũng như khó khăn gì trong lúc viết tập thơ không?
Thuận lợi thì chắc có lẽ là do cá nhân Khang đã rất thích đọc thơ, làm thơ và mua sách thơ. Đi nhà sách lần nào cũng vậy, Khang cũng đều ưu tiên mua các tập thơ từ cổ chí kim, từ hiện đại cho đến mới vừa xuất bản. Thói quen đó ngấm sâu vào mình nên việc xuất bản một cuốn thơ đầu tay luôn là động lực và nguyện vọng của mình.
Còn khó khăn lớn nhất chính là việc thực hiện ý đồ viết tay toàn bộ tập thơ. Vì đây là cuốn sách đầu tiên trên thị trường có định dạng hoàn toàn từ chữ viết tay thế nên quả thật mình rất hồi hộp không biết nét chữ viết tay khi in lên trang sách có dễ đọc không, có rõ ràng không. Và quan trọng nhất là cuốn sách viết tay của mình có hợp mắt, dễ nhìn không. Thế nên dù đây đã là tác phẩm thứ 8 của mình sau 8 năm viết lách thì mình vẫn hết sức hồi hộp lẫn xốn xang y như lần đầu ra mắt sách.
Ở tập thơ mới chắc chắn độc giả sẽ thấy sự đổi mới ở Anh Khang chứ?
Nói về giống thì có lẽ mọi người vẫn sẽ tìm thấy trong tập sách này là văn phong lãng mạn pha chút đượm buồn, như cách gọi vui mà độc giả lẫn giới truyền thông hay dành cho Anh Khang là “hoàng tử u sầu”.
Còn nói về khác, cuốn sách thứ 8 lần này của Khang là một tập thơ, lại còn là một tập thơ do chính mình chép tay. Nên quả thật, có chút ái ngại. Ngại thơ của mình chưa đủ “thơ”. Ngại chữ của mình chưa đủ rõ… Nhưng vì tất cả những ái ngại lần đầu đó mà Khang cũng có dịp thử thách bản thân để phát hiện ra những “ngõ ngách cảm xúc” mà mình còn bỏ ngỏ trong những cuốn sách trước.
Đó cũng là lúc mình nhận ra bản thân đã bước qua những thăng trầm bão nổi của quá khứ bằng thái độ điềm nhiên bình thản của tuổi trưởng thành. Nhờ vậy mình đọc lại được chính mình của “những năm tháng đó” đã từng hồn nhiên nông nổi thế nào, và chiêm nghiệm được bản thân đã chín chắn, an nhiên ra sao. Thế nên, Khang gọi cuốn sách thứ 8 này của mình là một bức thư viết tay gửi cho chính mình ở ngày cũ, để trấn an bản thân rằng “cứ yên lòng rồi giông tố sẽ qua”.
Cám ơn cuộc trò chuyện thú vị này!