Trong suốt 20 năm làm giáo viên, làm quản lý, bà hiệu trưởng Vương Thuý Liên đã phải thốt lên rằng: Chưa từng gặp một trường hợp như giáo viên Trần Thị Thu - một cô giáo mầm non, đang giảng dạy, chăm sóc trẻ tại cơ sở của mình. Bà Liên lo lắng chia sẻ thêm: “Cho đến thời điểm này, tôi sợ nhất là mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm và có án mạng xảy ra”.
Nói về trường hợp của giáo viên Trần Thị Thu (sinh năm 1978), người đã kề dao bản thái thịt vào cổ và đòi“chặt mặt” giáo viên Lê Thị Hường. Sau khi thấy cô giáo Vân Anh (dạy cùng lớp với cô Hường) cầm điện thoại gọi điện, cô Thu cầm theo con dao lao vào lớp học, lia dao trước mặt cô Hường, cô Vân Anh và cô Tươi (nhân viên) cùng toàn thể học sinh lớp mẫu giáo bé 9 vào lúc 10h30 ngày 23/9/2015. Sự việc này đã gây nên nỗi bức xúc trước với toàn thể giáo viên lẫn phụ huynh học sinh và dư luận công chúng.
Tìm hiểu kỹ hơn về vụ việc, chúng tôi có trao đổi với bà Vương Thuý Liên, hiệu trưởng trường mầm non Mầm Xanh (Quận Đống Đa - Hà Nội).
Thưa bà, được biết rất nhiều phụ huynh học sinh phàn nàn về việc cô Trần Thi Thu đánh con, cháu của họ khi về công tác tại Trường Mầm Xanh, bà có nắm được điều này?
Cô Thu là người được chuyển từ trường Hoa Hồng (Quận Đống Đa - Hà Nội) về đây. Khi ở bên Trường Hoa Hồng, cô là cô nuôi dưỡng công tác 10 năm tại bên ấy, sau đó sau đó học trung cấp cô nuôi dạy trẻ, thi viên chức về Trường Mầm Xanh vì Trường Hoa Hồng chỉ lấy chỉ tiêu từ Cao Đẳng trở lên.
Thời gian cô Thu công tác chính thức từ tháng 5/2012 đến nay, trước đó là 6 tháng thử việc, thì có nhiều đơn thư khiếu nại với BGH về việc cô Thu đánh trẻ, doạ nạt giáo viên.
Như vậy trường hợp “chặt mặt” với cô Lê Thị Hường vào thời điểm tháng 9/2015 không phải là lần duy nhất?
Trước đó một lần, có 2 đối tượng nữ vào lớp cô Thoa (một cô giáo có xích mích với cô Thu trước đó, hiện vẫn đang dạy ở trường). Các đối tượng này chửi mắng cô Thoa là đi với chồng người ta, có vấn đề ngoại tình. Cô giáo đã thông báo với BGH nhà trường và gọi công an luôn, hai đối tượng chạy mất nhưng phụ huynh lại hoảng loạn vì lúc đấy đang giờ trả trẻ.
Lúc sau, đồng chí Thắng là công an hộ tịch cũng đã vào trường xem xét tình hình. Đó là lần đầu tiên trường chúng tôi gặp trường hợp như vậy, đột xuất quá nên tôi cũng không làm đơn thư gửi ra công an phường. Trường tôi trước đó hoàn toàn không có những chuyện này xảy ra.
Sau đó, tôi có nghe nói cô Thoa và cô Thu có xích mích trước thời điểm 2 phụ nữ kia vào làm loạn trường. Tôi đã tổ chức một cuộc họp nhằm hoà giải giữa 2 cô giáo, làm biên bản lắng nghe mâu thuẫn, hoà giải, bình ổn nhà trường. Còn đặt ra câu hỏi: Cô Thu có thuê người đe dọa cô Thoa hay không thì phải có công an vào cuộc.
Một số giáo viên cho biết, cô Thu đã từng doạ miệng xử lý đồng nghiệp từng mâu thuẫn. Và doạ dẫm phụ huynh sẽ thuê giang hồ nếu tiếp tục viết đơn kiện cô?
Tôi chưa nghe thông tin đấy. Nhưng gia đình tôi cũng bị giang hồ qua gây phiền nhiễu, tôi cũng đã gọi 113 của quận xuống giải quyết thì các thanh niên ấy bỏ đi.
Còn những trường hợp giáo viên Trần Thị Thu đánh trẻ nhỏ, khiến phụ huynh bức xúc đòi kiện tụng và yêu cầu đổi lớp học cho con. Chị có biết rõ việc này?
Có trường hợp bà của học sinh Bảo Anh đứng chờ tôi trước cổng trường (cơ sở 1) từ 6h sáng, nhưng hôm đó tôi đi họp và đến 5h chiều tôi mới về lại cơ sở chính gặp bà của cháu. Bà cháu xin chuyển sang bên cơ sở 1, tôi có nói cháu sinh năm 2013 thì không có lớp bên cơ sở 1.
Bà của Bảo Anh phản ánh cô Thu xốc nách cháu, quăng cháu vào 1 góc. Bà nhìn qua khe cửa rất bức xúc và đã mấy lần nói rồi, nhưng cô Thu bảo: “Cho con nghỉ đi tư thục đi, nó khóc lắm!”.
Với tư cách hiệu trưởng, lúc ấy tôi mong bà phải phản ánh qua đơn thư, từ đó chúng tôi mới có thể sắp xếp một cuộc họp, để phía nhà trường - cô giáo - gia đình có thể bộc lộ những tâm tư tình cảm, không gây xáo trộn trong nhà trường.
Ban đầu bà của bé Bảo Anh nói sẽ viết đơn thư, nhưng sau đó bà xin rút cháu ra trường khác vì không muốn cô Thu gây phiền nhiễu gia đình của bà.
Sau vụ việc đấy, gia đình của cháu cũng chưa thanh toán tiền học cho trẻ, tuy nhiên nhà trường vẫn nhắc nhở rút kinh nghiệm với các giáo viên nói chung. Đấy là trường hợp người ta không viết đơn thư nhưng đã tố cáo với BGH và chuyển con đi. Còn lại nhiều đơn thư, cũng như phản ánh của phụ huynh khẳng định cô Thu đánh con người ta, nhưng lần nào họp, lập biên bản cô Thu đều không ký.
BGH cũng như nhà trường không có biện pháp nào ngăn chặn các hành vi xấu của một giáo viên liên tục đánh học sinh, tỏ thái độ xấc ngược, thách đố các phụ huynh như cô giáo Thu hay sao?
Tôi không làm gì được ngoài việc mời Phòng Giáo dục Quận và UBND Quận Đống Đa về xử lý, cô Thu cũng nhận đánh cháu trước mặt cả Hội đồng trường và phó phòng Giáo dục Quận Đống Đa và có cả biên bản nữa.
Còn tôi chỉ là người áp dụng theo quy chế của Trường chứ không có quyền kỷ luật viên chức (vì tuyển dụng viên chức là quận Đống Đa), tôi chỉ là quản lý con người, chuyên môn nuôi và dạy trẻ, nên chỉ áp dụng theo quy chế nhà trường là không hỗ trợ chăm sóc bán trú cho cô Thu.
Ngay trong cuộc họp giữa Hội đồng nhà trường và Phòng Giáo dục, UBND quận, cô Thu cũng không hề ký vào biên bản họp giữa Hội đồng nhà trường và phía phòng Giáo dục, phía UBND quận nữa. Hình thức kỷ luật là cô xin “sửa sai tại chỗ” về hình thức đấy, dù chúng tôi (phía nhà trường) có xin cô chuyển đổi sang lớp khác nhưng không được, cô Thu vẫn ở lớp đấy và tôi đành phải chuyển học sinh đi. Dù trong nguyên tắc là không được làm như vậy vì học sinh đã quen lớp rồi, nhưng tôi cần bình ổn nhà trường.
Có nhiều cháu bị cô Thu đánh, gia đình phản ánh, tôi đều phải thực hiện phương án như vậy.
Xảy ra trường hợp cô Trần Thị Thu kề dao vào cổ cô Hường và nói “chặt mặt”, gây thương tích cho giáo viên Hường. Đồng thời cầm dao đuổi theo giáo viên Hường và Vân Anh vào trong lớp số mầm non 9, đe doạ, chửi rủa đồng nghiệp trước sự chứng kiến của các giáo viên, học sinh, gây hoang mang cho cô và trò như vậy, phía nhà trường đã xử lý như thế nào?
Chúng tôi đã gửi công văn lên các cơ quan công an, Phòng Giáo dục, UBND quận Đống Đa. Cách đây 3 hôm tôi có được họp với phía UBND quận và Phòng Giáo dục quận Đống Đa, nhưng họ chỉ nói tôi về đọc kỹ Luật Viên chức số 27. Tôi cũng đã đọc tất cả quyền hạn của hiệu trưởng, trong trường hợp này tôi chỉ được trình bày, gửi công văn lên phía trên thôi.
Hôm nay, chúng tôi có họp Hội đồng Thi đua nhà trường và quyết định dừng hỗ trợ chăm sóc bán trú của cô Thu trong tháng 9, chờ kết luận phía trên quận để tổ chức hội đồng kỷ luật gồm các thành viên.
Nhưng trước mắt, chúng tôi vẫn khẳng định cô Thu gây mất đoàn kết nội bộ đã có những lời lẽ không đúng tác phong sư phạm, ứng xử với đồng nghiệp chưa đúng mực.
Với thẩm quyền cho phép, bà không thể nào gạt ngay một giáo viên tư cách đạo đức kém như cô Trần Thị Thu ra khỏi môi trường giáo dục của mình?
Tôi chưa từng gặp một trường hợp như thế bao giờ trong đời. Hành vi kề dao vào cổ đồng nghiệp khiến tôi rất bức xúc, vì nó ảnh hưởng đến tính mạng của giáo viên lẫn học sinh. Từ khi cô Thu về trường, tôi phải lo lắng tính mạng các học sinh, giờ lại thêm lo lắng tính mạng của giáo viên nữa.
Hiện tại cô Hường đã để gửi đơn xin nghỉ dạy một thời gian, cô hiệu phó đã phải xuống lớp dạy thay cô Vân Anh, vì hiện cô Vân Anh đang điều trị tâm lý sau vụ việc trên. Còn cô Hường thì sợ, không dám đi dạy dù Phòng Giáo dục của quận có nói với tôi là phải động viên cho các cô đi làm.
Nhưng cô hiệu phó (đang quản lý và dạy ở cơ sở 2) mới phản ánh với tôi là cô Thu vẫn chửi đổng bên đấy, vì hiện tại cô Thu vẫn đứng lớp chứ không bị đình chỉ công việc tạm thời. Hai ngày gần đây, cô Thu còn đạp cửa xông vào lớp Mầm Non bé số 9 (cô Vân Anh và cô Hường phụ trách) để quay phim lớp đang ăn cơm.
Tôi có nói với các cô: Sắp tới nhà trường sẽ được lắp camera nên việc quay phim là không cần thiết. Cạnh đó, nhà trường từ xưa đến nay làm gì cũng chuẩn chỉ, ngay đến khẩu phần ăn của các cháu là không có xâm phạm, ngay cô chuyển cơm khi xuất đồ ăn cũng phải cân đo đong đếm cẩn thận, và các cô giáo nhận đồ ăn cũng phải ra ký.
Tôi cũng đề nghị đồng chí hiệu phó nhắc nhở cô Thu giờ các cháu đang ăn đấy là giờ cô Thu phải chăm sóc trẻ, không phải giờ ra quay phim, cô Thu đã xâm phạm điều thứ 30, làm việc riêng trong giờ chăm sóc cô nuôi trẻ.