Lá ngón kịch độc như thế nào, chẳng cần kể ra, chắc nhiều người cũng biết. Những câu chuyện tự vẫn bằng lá ngon trên vùng cao, năm này qua tháng khác vẫn luôn xảy ra và để lại phía sau đó, biết bao nhiêu nỗi đau. Chỉ cần vò 2-3 lá, nhai trong miệng, tính mạng một người trưởng thành chắc chắn khó lòng giữ được. Bởi thế, loại lá này được người dân gọi là cỏ đoạn trường, thứ cỏ mà chỉ cần ăn vào, cảm giác đau đớn như đứt từng khúc ruột.
Lá ngón kịch độc như vậy, thế nhưng đến Mường So (Lai Châu), nếu bạn được chủ nhà mời ăn món lá ngón xào tỏi thì có lẽ, nên cảm thấy vui mừng bởi phải yêu quý lắm, người ta mới làm món rau ấy để khoản đãi.
“Tuyệt ẩm” lạ lẫm, ai đã dám một lần ăn thử?
Người Tây Bắc, từ lâu đã gắn với núi rừng và chính họ, cũng sáng tạo ra vô vàn món ăn độc đáo. Rau lá ngón xào tỏi, có lẽ cũng chính là một trong số nhiều đặc sản lạ lùng như thế.
Món ăn có cái tên chết người này thơm ngon vô cùng. Lá ngón khi đem xào, dậy lên vị ngọt, thơm, bùi bùi dễ ăn. Nó mang màu sắc của vùng cao, vừa nếm thử đã biết là rau hái từ rừng. Đĩa rau xanh ngắt, được khai thác từ tự nhiên nhìn vô cùng hấp dẫn. Ngoài lá, người ta thường xào lẫn cả hoa ngón đẹp mắt. Tùy theo cách chế biến, chúng ta có nhiều món rau lá ngón như: xào tỏi, xào thịt bò, nấu canh và tuyệt vời nhất là đem lá ngón đi bó thịt chua. Món thịt chua mà có lá ngón kèm theo, bao giờ cũng thơm ngon lạ thường, ăn bao nhiêu cũng hết.
Người Mường So kể rằng, lúc đói bụng mà ăn được một bát canh rau lá ngón thì chẳng còn gì bằng. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn hữu ích với sức khỏe. Theo lời đồn đại, nếu dùng nó để chữa bệnh gan nhiễm mỡ, ung thư gan thì vô cùng hiệu quả.
Vì được khai thác tự nhiên là chủ yếu nên rau ngón khá rẻ, chỉ khoảng 4.000 đồng/bó. Với số lượng này, đủ để các gia đình thưởng thức bữa rau ngón thỏa thuê. Người dân nơi đây coi rau ngón là loại tuyệt ẩm. Ngày Tết, gia đình nào trồng được vườn rau ngón để mở tiệc khoản đãi khách khứa thì dân trong vùng, chỉ nhìn thôi cũng đủ ganh tỵ.
Có người kể rằng, họ sống, mưu sinh ở Mường So nhiều năm bằng nghề vào rừng hái lá ngón. Lá đem ra đến chợ, bao nhiêu cũng bán hết, có người còn mang lá ngón đi xa, lên tận Hà Nội, Hải Phòng để mời bạn bè, người thân nếm thử. Trong lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu (lễ hội ẩm thực) của người Thái ở Mường So, chắc chắn phải có lá ngón và trên mâm cỗ tất cả các ngày lễ, Tết khác, món “túy ẩm” này luôn là một lựa chọn bắt buộc.
Bữa cơm đãi khách mà có một đĩa thịt gà đồi luộc chắc thơm, một chai rượu ngô và đĩa lá ngón xào tỏi thơm lừng đã đủ để liệt vào dạng sang chảnh, người Mường So, vốn chỉ để dùng đãi vị khách họ quý mến.
Loại rau không độc, ra đời từ tình yêu quyên sinh của đôi trai gái rủ nhau ăn cỏ đoạn trường
Ngày thường ở Mường So, rau ngón được các tiểu thương bày bán như rau ở những khu chợ dưới xuôi. Ở nơi khác, ăn phải lá ngón là chết người nhưng ở Mường So, càng ăn nhiều, người ta chỉ thấy mình thêm khỏe mạnh, tráng kiện hơn.
Nghe đến đây, chắc hẳn nhiều người đều thắc mắc, không hiểu vì sao. Câu trả lời thật đơn giản, người Mường So chuộng lá ngón bởi vì loại lá họ ăn không có độc tính. Nó trùng tên nhưng không phải thứ cỏ đoạn trường giết chết bao người mà chúng ta vẫn biết đến qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Theo người dân địa phương, cây lá ngón không độc gắn với chuyện tình cảm động của một đôi trai gái người Thái trắng trong bản. Họ yêu nhau nhưng tiếc thay, tình cảm ấy không được bố mẹ cô gái chấp thuận và chỉ trích chàng trai nghèo mồ côi thậm tệ. Quá bế tắc, đôi trai gái quyết định thề nguyền, nguyện không sinh cùng nhau nhưng sẽ chọn cái chết bên nhau. Họ cùng ăn lá ngón nhưng lạ thay, ăn xong rồi, không ai cảm thấy đau đớn mà chỉ thấy vị ngon, ngọt tràn xuống cổ.
Kể từ đó, dân bản ở Mường So bắt đầu biết đến loại lá ngón lạ ăn mà không chết. Loại rau này được khai thác từ rất lâu và khi đem ra so sánh, dân làng thấy cây lá ngón ăn được cũng có thân leo giống như cây lá ngón độc, nhưng lá của nó tròn và ngắn hơn, bản lá to như bàn tay. Thêm nữa, cây lá ngón độc thường nở hoa trong khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 10, còn cây lá ngón ăn được lại nở hoa vào dịp gần Tết Nguyên đán.
Thực khách lần đầu ngồi trước đĩa lá ngón không tránh khỏi cảm giác rờn rợn, chần chừ không muốn gắp. Nhưng khi đã được làm ấm người bởi những chén rượu ngô cay nồng, miếng lá ngón xào lại trở thành thứ đưa đẩy khiến mâm cơm có sức hấp dẫn lạ kỳ.