Khi lớp học là nhà
Cứ mỗi sáng tiếng đọc bài lại vang lên trong một con hẻm nhỏ ở đường Phạm Thế Hiển, Quận 8. Ở đây những đứa trẻ phải tự mình đến trường mà không có sự đưa đón của cha mẹ. Bởi mỗi ngày đối với các em ở Trung tâm phát huy Bình An đều là hành trình tìm đến con chữ, là hành trình của những chiếc thuyền con sắp vươn ra biển lớn vào một ngày không xa.
Đều đặn từ sáng thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, các em đều đến lớp học đặc biệt này. Gọi là đặc biệt vì tất cả ở đây đều miễn phí : từ chỗ ngồi, sách vở, bút viết đến bộ đồng phục, các sơ đều chuẩn bị sẵn cho mỗi em với hi vọng duy nhất là tất cả học sinh đều đến lớp. Niềm tin ấy đã tạo được sự cộng hưởng khi từ 40 em ban đầu thì giờ đây đã có gần 200 em theo học dưới mái ấm.
Clip: Chuyện của lòng tốt.
Ít ai biết đằng sau gương mặt lúc nào cũng tươi cười là những câu chuyện đầy nước mắt. Buồn đến lặng người. Phạm Nhật Hào, cậu học sinh mới 10 tuổi nhưng đã sớm chịu nhiều biến cố khi cùng lúc mẹ mất cha từ mặt. Ngoại em mất vài tháng trước, em lại chuyển sang ở với dì. Cô bé Hồ Thị Thu An bị chính mẹ ruột của mình bỏ cho hàng xóm nuôi. Nhà em hiện tại là một cái chòi nhỏ trên đường Nguyễn Văn Linh. Hay ba chị em Kim Ngân, Kim Phụng, Kim Yến dù đã học lớp một nhưng các em vẫn chưa có giấy khai sinh. Thậm chí có em phải đi bộ mấy cây số để đến lớp, có em sáng học chiều về bắt ốc hái rau, có em 10 tuổi tuổi đã trở thành lao động chính trong nhà.
Với nhiều đứa trẻ ở đây, thời gian đi học cũng là lúc các em được nghỉ ngơi và chơi đùa. Làn da ngăm kia, bàn tay chai sạn kia, đôi chân rám nắng kia vẫn thèm được là trẻ con đó thôi. Sâu trong trái tim kia vẫn là những đứa trẻ cần được bảo vệ và yêu thương đó thôi.
Hành trình của lòng tốt
Ở trung tâm phát huy Bình An hiện có 7 giáo viên dạy từ lớp 1 đến lớp 5, quản lý là sơ Đặng Thị Thu Hạnh. Sơ Hạnh cho biết hầu hết học sinh đều là trẻ em đường phố có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau giờ học các sơ thường nấu cơm trưa cho những em có nhu cầu ở lại.
Vừa rửa rau, sơ Hạnh vừa kể: “Ngày trước khó khăn lắm mới vận động được các em đi học. Có em mới học vài ba tháng lại phải theo gia đình về quê, đến khi lên thì lại quên hết bài vở, phải dạy lại từ đầu. Có đứa gia đình không cho đi học vì phải chăm em nhỏ, thế là nó phải vừa mang em đến lớp vừa học. Vài em học tới lớp 5 thì phải nghỉ vì phụ giúp trang trải kinh tế gia đình. Thấy mà thương cho tụi nó”.
Giáo viên ở đây hầu hết đầu đã về hưu, nhưng lòng nhiệt huyết với nghề cộng với tình yêu với trẻ là động lực khiến các cô đến lớp mỗi ngày. Cô Nguyễn Thị Ràng, giáo viên lớp 3 chia sẻ: “Thương tụi nhỏ lắm, các em ở đây ít nhận được sự quan tâm của gia đình. Mình nghĩ bản thân các em cố gắng là một chuyện, trên hết là cha mẹ phải quan tâm đến việc học của con mình. Lo là không biết sau này học hết lớp 5 các em sẽ ra sao, chỉ mong có chỗ mới để các em tiếp tục đến trường khi tốt nghiệp tiểu học”.
Có lần đang nấu đồ ăn, một em chạy qua cho sơ Hạnh vài con cá mới bắt được. Sơ chỉ cười bảo thôi, sơ không lấy đâu. Điều sơ Hạnh luôn dặn các em là phải nỗ lực để vươn lên, được điểm cao cũng đừng tự mãn mà phải cố gắng và cố gắng, cố gắng không ngừng nghỉ. Chỉ có các em mới là người giúp được chính mình vượt qua khó khăn.
Có tận mắt nhìn những nét chữ sạch đẹp, những con điểm rạng rỡ, những lời chào lễ phép mới khâm phục hành trình của những người tử tế đang từng ngày đưa con chữ đến với những đứa trẻ nơi xóm nghèo. Nhưng hơn thế là sự yêu thương vô điều kiện, điều các em cần hơn tất cả mọi thứ trên đời.
Theo lời cô Ràng thì ngày trước khi mới vào học, các em khá bướng và “hoang dã”. Nhưng từ khi đến lớp thì tụi nhỏ đều trở nên ngoan ngoãn, lễ phép và chịu học. Bởi mỗi đứa trẻ đều là mầm xanh vẫn đang từng ngày lớn lên, chỉ cần yêu thương một chút, lắng nghe một chút thì chúng sẽ lại ngoan và trở thành người tử tế.
Bằng cách này hay cách khác, sơ Hạnh và những giáo viên ở trung tâm Bình An đã thay đổi cuộc đời của những đứa trẻ này. Trang bị con chữ là trang bị hành trình cần thiết nhất để chúng an toàn bước vào đời. Dù có em sẽ rời khỏi lớp học khi chưa hoàn thành lớp 5, có em sẽ theo cha mẹ về quê hay rong ruổi đâu đó thì chúng vẫn sẽ bước đi vững vàng.
Như sự tự hào của sơ Hạnh và các cô giáo ở trung tâm Bình An đã khoe trong hãnh diện với chúng tôi rằng: “Chữ tụi nhỏ rõ ràng lắm, sạch lắm, gọn gàng lắm, đẹp lắm”.