Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Hành hung người cha tát con và trào lưu ‘nhân danh công lý’ của cộng đồng mạng

Người cha tát con là sai, nhưng một số người lại nhân danh công lý mạng để chửi bới, hành hung người đàn ông ấy lại càng sai hơn và có thể bị xử lý theo pháp luật.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại cảnh ông bố say rượu liên tiếp tát vào mặt con mình. Sau khi đoạn video được lan truyền, cộng đồng mạng đã tỏ ra rất bức xúc trước hành động bạo lực của người bố. Nhiều người nói rằng họ sẽ tìm ra danh tính, địa chỉ của người đàn ông trên và “dạy dỗ” cho anh ta một bài học.

Ông bố trẻ tát vào mặt con nhỏ khiến nhiều người phẫn nộ

Không lâu sau những tuyên bố từ cư dân mạng, ngày 17/10, rất đông người đã tìm đến tận dãy nhà trọ, lao vào đánh người đàn ông được cho là ông bố trẻ trong đoạn video đánh con nói trên để xả giận.

Trong đoạn clip ghi lại sự việc, người bố chỉ ngồi im, ôm mặt chịu trận trước vòng vây của gần 20 người. Nhiều người liên tục chửi bới, dùng chân đạp vào người bố đang ngồi dưới đường.

Nhân danh cộng đồng mạng là nhân danh ai?

Lâu nay, chúng ta vẫn thường dùng từ “cộng đồng mạng” để chỉ những người đang sử dụng mạng xã hội và tham gia bình luận, đưa ra ý kiến về một sự việc nào đó. Cứ mỗi khi một cuộc tranh luận hay một vấn để nổ ra, ta sẽ thấy hàng loạt người nhân danh “cộng đồng mạng” để phát xét mọi thứ, thậm chí là “thay trời hành đạo” như việc hành hung người cha nói trên.

Người ta vẫn tự hỏi “Cộng đồng mạng có quyền lực gì mà có thể nhân danh như thể chính nó mới là công lý?”. Thực chất, cộng đồng mạng chẳng là ai cả, chỉ là một đám đông không thể chịu trách nhiệm cụ thể lại càng không có quyền hạn thực thi công lý, thi hành pháp luật.

Thế nhưng, chỉ qua một đoạn clip vài phút, gần 20 cá nhân nhân danh “cộng đồng mạng” ấy đã tìm đến xông thẳng vào nhà, bắt giữ, tra hỏi, xúc phạm và hành hung người bố trẻ. Hành động của nhóm người này khiến người ta tưởng rằng họ nắm tất cả quyền hành trong tay, muốn ai chết thì kẻ đó không được quyền sống.

Người bố trong đoạn clip bị một nhóm thanh niên hành hung

“Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, nhưng người ta lại nhầm lẫn giữa nghĩa hiệp và hành vi côn đồ. Hành vi nghĩa hiệp không có nghĩa là chúng ta được phép xâm phạm đến nơi ở, danh dự và thân thể người khác khi chưa được người đó và pháp luật cho phép. Đó hoàn toàn là phạm pháp.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên cộng đồng mạng thể hiện “sức mạnh” của mình. Tháng 4 vừa rồi, trong vụ lùm xùm giữa YouTuber Khoa Bug và resort Aroma Phan Thiết, dân mạng đã thể hiện “quyền sinh sát” của mình bằng cách đánh giá 1 sao, bình luận “Lừa đảo” và tẩy chay tất cả những khách sạn có tên Aroma. Tuy nhiên, những khách sạn này lại chẳng phải là chi nhánh hay liên quan gì đến Aroma Phan Thiết. Từ Sapa, Đà Lạt cho đến Nhật Bản xa xôi, những khách sạn có cùng tên đều bị “dính đạn” dù chẳng làm gì cả.

Dân mạng tẩy chay tất cả những nơi có tên Aroma

Hay gần đây nhất, cũng bằng cách tẩy chay như trên, sau khi nghe theo những lời nói của một thầy giáo dạy Hóa có 350 nghìn lượt theo dõi trên Facebook, cư dân mạng đã vote một sao và báo cáo ứng dụng Airvisual trên Google Play, App Store vì “tội” xếp Hà Nội vào top 1 thành phố ô nhiễm. Sau khi mọi việc rõ ràng, một lần nữa, cộng đồng mạng lại quay sang trút giận ngược lại người thầy dạy Hóa nọ.

Xa hơn một chút, vào tháng 3/2019, một cô giáo ở Bình Thuận bị chồng tố có quan hệ bất chính với học sinh lớp 10 gây xôn xao dư luận. Chưa cần biết đầu đuôi ra sao, cộng đồng mạng đã đăng ảnh, xới tung trang cá nhân của nam sinh T.C.M lên để bôi nhọ, bêu riếu. Tuy nhiên, nam sinh này hoàn toàn không liên quan gì đến câu chuyện trên. Những dòng bình luận ác ý và tàn nhẫn đến mức khiến M bị hoảng loạn, không dám đến lớp.

Những sự việc trên chỉ là 3 trong số hàng loạt vụ bắt nạt tập thể bởi “cư dân mạng”, và sau vụ hành hung người cha vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ cần một chút thông tin, cộng đồng mạng đã có thể dậy sống và sau đó sẽ kiêm luôn nhiệm vụ của luật pháp để kết tội và trừng phạt người khác.

Xã hội chỉ văn minh khi con người biết tôn trọng pháp luật. Nếu ai cũng được phép đánh người, xã hội sẽ trở nên loạn lạc. “Cộng đồng mạng” chỉ đơn giản là một cộng đồng người tham gia mạng xã hội, không có quyền lực, lại không thể nhân danh để xử lý bất cứ ai.

Dùng bạo lực để “dạy dỗ” người dùng bạo lực có phải là cách hay?

Không thể phủ nhận rằng hành động đánh con của người cha trong đoạn clip là một hành động bạo lực, xét về tình, về lý, bên nào cũng đều sai. Nhưng dùng bạo lực để “dạy dỗ” người dùng bạo lực có phải là cách xử lý thỏa đáng?

Nói ra điều này, nhiều người cho rằng chúng ta đang giáo điều, thánh thiện. Nhưng khoan xét về mặt đạo đức, chỉ riêng ở pháp luật, những người trên đã không được phép sử dụng bạo lực với người khác. Người sai đến mấy cũng đã có luật pháp trừng trị.

Người bố van xin cộng đồng mạng dừng lại hành động của mình

Ở xã hội văn minh, dùng bạo lực để đối xử với nhau chính là hành vi côn đồ. Việc hành hung người khác chẳng khiến họ nhận ra lỗi của mình. Sau khi bị đánh, người đó sẽ càng trở nên hung hăng và bạo lực hơn gấp bội.

Những người nhân danh cộng đồng mạng trên đã lên án một hành động mang tính bạo lực, cho rằng đó là sai trái, là hiện thân của “quỷ dữ”. Để rồi cuối cùng, chính họ lựa chọn trở thành loài “quỷ dữ” mà trước đây mình từng căm ghét. Đem bạo lực để xử lý bạo lực về lâu về dài chỉ khiến nó trở thành một cái vòng luẩn quẩn - luẩn quẩn trong bạo lực.

Ở góc độ người con, nhìn thấy cảnh bố mình bị một đám người cùng nhau chửi bới, đánh đập đến bầm dập, chảy máu có khiến đứa trẻ ấy cảm giác được bảo vệ, hạnh phúc? Ai dám chắc rằng đứa trẻ lớn lên mà không mang cảm giác tội lỗi vì cho rằng chính mình là nguyên nhân khiến bố bị đánh “thừa sống thiếu chết” như thế? Hành động được cho là bảo vệ trẻ nhỏ của nhóm người kia lại trở thành thứ sát thương đứa trẻ ấy.

Cuối cùng, nhóm thanh niên kia có thật sự muốn đòi lại công lý, biết được sự thật như cách họ nói hay chỉ vì muốn thể hiện? Nếu vì công lý, sao họ lại đem công lý ra làm “trò hề” để nhân danh đánh đập người khác? Còn nếu muốn biết được sự thật, sao khi ông bố phân trần họ lại không chấp nhận lý do đã nói mà lại tiếp tục hành hung để nghe một lý do khác? Liệu có phải họ chỉ muốn nghe thứ họ muốn được nghe?

Cả người bố và nhóm thanh niên “nhân danh công lý” đều có thể bị xử lý bởi pháp luật

Trao đổi với Saostar, Luật sư Nguyễn Quốc Cường, (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định cả ông bố trong đoạn video và nhóm hành hung người bố đấy mới đây đều có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Về trường hợp của người bố, người đàn ông này có thể bị xử lý theo Điều 140 của Bộ Luật Hình sự về tội Hành hạ người khác, cụ thể là đối xử tàn ác và làm nhục người lệ thuộc mình.

Riêng về trường hợp của nhóm người hành hung ông bố, Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho biết họ có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ Luật Hình sự nếu thương tật của ông bố trên 11%. Tuy nhiên, người bố phải trình báo với cơ quan chức năng và đi giám định thương tật. “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” - Khoản 1, Điều 134, Bộ Luật Hình sự 2015.

“Hành vi của ông bố là sai nhưng những người nhân danh cộng đồng mạng cũng không được vì lý do đó mà hành hung người khác” - Luật sư Cường nói thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Xuân Tuyền

Được quan tâm

Tin mới nhất
NewJeans cảm ơn Min Hee Jin
Những lời xin lỗi của sao Việt trong 2024